MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số chính sách mới về tài chính có hiệu lực từ tháng 2/2014

Trong tháng 2/2014 sẽ có một số chính sách, quy định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Doanh nghiệp được thỏa thuận trước về giá tính thuế, nới room cho ngân hàng ngoại lên 20%.

Giảm mức đóng của DN bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

Nghị định 214/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày16/9/2008của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 10/2 tới.

Theo đó, sẽ giảm mức đóng của doanh nghiệp bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích 1% (quy định cũ 2%) doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hàng năm để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng để sử dụng cho các mục đích: Công tác đề phòng hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ; tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; hỗ trợ nhân đạo cho những thiệt hại xảy ra đối với người thứ ba và hành khách chuyên chở trên xe do xe cơ giới gây ra trong những trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm...

Doanh nghiệp được thỏa thuận trước về giá tính thuế

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 201/2013/TT-BTC hướng dẫn về việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ 5/2/2014.

Thông tư nêu rõ, APA là thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định thuế cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. APA được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập DN.

Đối tượng áp dụng APA tại Thông tư này bao gồm: Các tổ chức, đơn vị có quan hệ liên kết trong một DN, tập đoàn kinh tế hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau (bao gồm cả các quốc gia, vùng lãnh thổ); Các tổ chức, đơn vị có mối quan hệ là cơ sở thường trú và trụ sở chính của DN. Trong trường hợp này, mỗi một cơ sở thường trú sẽ được xem là một doanh nghiệp (người nộp thuế) riêng và hoàn toàn tách biệt khỏi trụ sở chính hay các cơ sở thường trú khác của DN.

Nới room cho ngân hàng ngoại lên 20%

Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của tối đa một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước đã được nâng lên 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo quy định cũ, tỷ lệ này là 15%, trong trường hợp đặc biệt, con số này là 20% với điều kiện được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ

Theo Nghị định này, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Đồng thời, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó cũng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng nội.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ20/2/2014.

Mua bán vàng trên 300 triệu đồng phải trình chứng minh thư

Theo thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước ban hành, hướng dẫn thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền. Một trong những nội dung mới của Thông tư này là việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải để lại thông tin cá nhân khi mua, bán vàng

Theo đó, từ ngày 14/2 khi Thông tư có hiệu lực, giao dịch vàng có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo với cơ quan phòng chống rửa tiền thông tin về khách hàng. Ngoài ra, giống như trước đây, các giao dịch nộp, rút tiền mặt "có giá trị lớn" tại ngân hàng cũng sẽ phải báo cáo. Trong đó, giao dịch "có giá trị lớn" theo quy định hiện nay của Thủ tướng là từ 300 triệu đồng.

Dù khách hàng giao dịch một hay nhiều lần, miễn là trong cùng một ngày tổng giá trị từ 300 triệu trở lên đều phải báo cáo. Với các cá nhân, thông tin cần báo cáo gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu, quốc tịch, địa chỉ cư trú. Nếu là doanh nghiệp, khách hàng cần để lại thông tin về tên tổ chức, địa chỉ, quốc gia, mã số thuế (hoặc giấy phép hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh).

Việc yêu cầu các tổ chức tín dụng phải báo cáo các giao dịch tiền mặt đã được quy định từ năm 2009 trong Thông tư 22. Tuy nhiên, mức giá trị giao dịch tiền mặt phải báo cáo theo quy định cũ từ 200 triệu đến 500 triệu đồng thay vì thống nhất ở mức 300 triệu như hiện nay.

Ngoài những thông tin về khách hàng, thông tin cụ thể về giao dịch cũng phải báo cáo cơ quan phòng chống rửa tiền như số tiền, loại tiền giao dịch, địa điểm phát sinh giao dịch và lý do thực hiện. Riêng với giao dịch mua bán vàng trị giá từ 300 triệu trở lên, các ngân hàng và những cửa hàng kinh doanh phải báo cáo giá trị từng giao dịch và tổng giao dịch trong một ngày (quy đổi sang VND).

Đồng thời, Thông tư cũng quy định cụ thể về mức giá trị kim loại quý (trừ vàng), đá quý và những công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan là 300 triệu đồng. Riêng giá trị của ngoại tệ tiền mặt, VND và vàng khai báo qua hải quan sẽ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Quy định phí sử dụng kho số viễn thông

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 6/2/2014.

Kho số viễn thông quy định tại Thông tư này là tập hợp mã, số thuộc quyền quản lý của Việt Nam được quy hoạch thống nhất để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định tại Luật viễn thông.

Đối tượng không chịu phí, lệ phí gồm Mạng viễn thông dùng riêng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng; Mạng thông tin liên lạc phục vụ phòng chống thiên tai và hoạt động nhân đạo; Mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan và tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao.

Về lệ phí phân bổ kho số viễn thông, đối tượng chịu lệ phí là mã, số viễn thông với mức thu 350.000 đồng/lần.

Về phí sử dụng kho số viễn thông, Thông tư quy định cụ thể mức phí đối với số thuê bao (tính theo số khả dụng). Cụ thể, đối với số thuê bao mạng cố định mặt đất thì mức thu là 300 đồng/số/tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/năm.

Mức thu đối với thuê bao mạng di động mặt đất như sau: Từ 8 triệu số trở xuống, mức thu là 1.000 đồng/số/năm; Trên 8 triệu số đến 32 triệu số, mức thu là 2.000 đồng/số/năm; Trên 32 triệu số đến 64 triệu số, mức thu là 3.000 đồng/số/năm; Trên 64 triệu số, mức thu là 4.000 đồng/số/năm.

Riêng 2 năm 2014-2015, mức thu đối với số thuê bao di động trên 8 triệu số chỉ áp dụng bằng 70% quy định. Từ năm 2016 áp dụng mức thu bằng 100% theo quy định.

Theo Thông tư, mức thu phí sử dụng kho số viễn thông đối với thuê bao mạng cố định vệ tinh là 1.000 đồng/số/năm.

Thời gian kê khai và nộp phí sử dụng kho số viễn thông được thực hiện theo quý, chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo của quý phải kê khai, nộp phí. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số mới, phân bổ bổ sung từ quý nào thì việc kê khai và nộp phí được tính từ quý được phân bổ.

Đối với lệ phí phân bổ nộp theo từng lần phân bổ mã, số viễn thông.

Xuất cấp hàng dự trữ đột xuất phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Thông tư số 211/2013/TT- BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, viện trợ.

Theo đó, thủ trưởng bộ, ngành quản lý lĩnh vực, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh gây ra có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, đồng thời gửi bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.

Kinh phí đảm bảo cho việc xuất cấp, giao hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ được đảm bảo từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế hàng năm được nhà nước giao cho các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ nhà nước và được Bộ Tài chính cấp theo dự toán được phê duyệt; trường hợp chưa được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tạm ứng để các cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia triển khai thực hiện.

Kinh phí đảm bảo cho việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ được cấp trong năm kế hoạch. Trường hợp kinh phí phát sinh do xuất cấp đột xuất trong năm, chưa được bố trí trong dự toán hoặc dự toán đã giao nhưng còn thiếu thì bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập dự toán bổ sung đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ chưa sử dụng hết dự toán được giao trong năm thì hủy dự toán theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày14-2-2014.

Mua phế liệu cũng phải có chứng từ

Nghị định 218/2013/NĐ-CP đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Theo đó, khi mua phế liệu từ người thu nhặt, mua tài sản, đồ dung của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh phải có chứng từ thanh toán trả tiền và Bảng kê thu mua hàng hóa dịch vụ theo quy định.

Đây là một trong những nội dung hướng dẫn điều kiện đối với các khoản chi đủ hóa đơn chứng từ để doanh nghiệp được trừ khoản chi khi nộp thuế TNDN.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày15/2/2014, bãi bỏ các Nghị định 124/2008/NĐ-CP, 122/2011/NĐ-CP.

cucpth

Theo Thời báo Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên