MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp có thể đạt được”

Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, có thể con số CPH sẽ biến động, không chỉ dừng ở 432 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đặt ra kế hoạch là để các bộ, ngành kiểm điểm và chỉ đạo, kiểm tra rà soát từng DN và kiểm điểm từng DN một.

Hiện nay trong số 432 DN nằm trong kế hoạch CPH từ nay đến năm 2015, tính đến 20-6-2014 vẫn còn 135 DN chưa triển khai thực hiện (chưa thành lập Ban Chỉ đạo CPH), 138 DN đã thành lập Ban Chỉ đạo CPH nhưng chưa thực sự triển khai (chưa tiến hành xác định giá trị DN và các bước tiếp theo). Những con số trên liệu có đáng lo ngại không, trong khi lộ trình thực hiện đang ngắn dần thưa ông?

Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN, Ban chỉ đạo sắp xếp và phát triển DN Trung ương phối hợp các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cùng Bộ Tài chính rà soát và đã chỉ ra được danh sách được 135 DN chưa thành lập Ban chỉ đạo CPH, 138 DN đã thành lập nhưng chưa triển khai.

Chính vì đã tiến hành việc rà soát cho nên trong phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã đưa ra thảo luận báo cáo về tình hình tái cơ cấu DNNN và CPH các DNNN theo đúng Nghị quyết 15, trong đó đã chỉ ra được giải pháp cụ thể.

Theo đó, đã đề ra được lộ trình, tất cả 135 DN này phải nhanh chóng thành lập ngay Ban chỉ đạo, chậm nhất trong quý III- 2014. Trường hợp chưa thành lập được thì thực hiện theo Chỉ thị 06/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Trong đó nêu rất rõ chế tài, trách nhiệm đối với người đứng đầu không thực hiện đúng lộ trình, đúng kế hoạch CPH, kế hoạch thoái vốn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Chính phủ.

Còn 138 DN đã CPH, phải triển khai ngay để xác định giá trị DN, chốt thời điểm và trong quá trình đó nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ và các Bộ tổng hợp như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để phối hợp xử lý nhanh các vướng mắc. Về mặt thể chế về CPH hiện đã tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, con số đó đưa ra vào thời điểm này theo nhiều chuyên gia là quá cao, không khả thi. Nhưng sau khi Chính phủ họp bàn, đưa ra lộ trình quyết sách cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm từng đơn vị, từng DN; việc thực thi lộ trình này với sự giám sát, tăng cường đôn đốc của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, định kỳ hàng tháng, hàng quý Chính phủ kiểm điểm, thì chắc chắn con số thực hiện thành công sẽ tăng lên. Và mục tiêu đến 2015 CPH được 432 DN có thể đạt được với quyết tâm và cách làm quyết liệt như hiện nay.

Dự kiến trong năm 2014 cả nước sẽ sắp xếp, CPH 174 DN, trong đó CPH 163 DN. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm mới CPH được 38 DN. Theo ông, từ nay đến cuối năm chúng ta có hoàn thành kế hoạch CPH 125 DN như đã đề ra hay không?

Kế hoạch CPH của năm 2014 nằm trong giai đoạn 2014- 2015, chúng ta chia ra như vậy để có kiểm điểm trong tổ chức thực hiện, nhưng trong quá trình CPH còn nhiều yếu tố. Có thể có những DN CPH nằm trong danh sách 2014 (trong số 163 DN), nhưng khi tiến hành CPH nếu có vướng mắc sẽ điều chỉnh tiến độ. Ngược lại, những DN trong kế hoạch của năm 2015 nếu DN nào thuận lợi có thể đẩy sớm lên. Có nghĩa quá trình này mang tính linh hoạt và có điều chỉnh, đặc biệt vừa qua Chính phủ ban hành Quyết định 37/2014/QĐ-TTg ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, những DN nào không nằm trong 16 lĩnh vực giữ 100% vốn thì có thể đưa vào danh sách CPH.

Nói như vậy có nghĩa, có thể con số CPH có biến động, nhưng việc đặt ra kế hoạch này để các bộ ngành kiểm điểm và để chỉ đạo, kiểm tra sát sao, rõ ràng, như hiện nay đang rà soát từng DN một và kiểm điểm từng DN một.

Hiện nay, đối tượng CPH hầu hết là DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Trong khi đó, một số bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực sắp xếp, CPH và thoái vốn. Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì để giải quyết những vướng mắc trên, thưa ông?

Ngoài việc tuyên truyền, đề cao và gắn trách nhiệm của người đứng đầu, Chính phủ sẽ quyết liệt trong việc ban hành sớm các quy định liên quan đến thúc đẩy CPH, như Quyết định 37 vừa rồi và sắp tới sẽ ban hành Quyết định hướng dẫn Nghị quyết 15… Một trong những giải pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành nhận thấy từ kinh nghiệm năm 2013 đó là sự phối kết hợp thường xuyên để kịp thời xử lý các vướng mắc tồn tại của các DN CPH thì sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình này.

Hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, định kỳ hàng tháng, hàng quý đều họp Ban chỉ đạo trong đó có các bộ, ngành. Bộ Tài chính đã cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo CPH, định kỳ hàng tháng, hàng quý làm việc với các DN lớn, các TĐ, TCT rà soát vướng mắc khó khăn trong xử lý tài chính để có những biện pháp xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý kịp thời, đẩy nhanh tiến độ này. Cùng với việc rà soát, đôn đốc của Ban chỉ đạo, thì các giải pháp đó sẽ góp phần thúc đẩy xử lý các tồn tại trước khi CPH hay những vướng mắc hiện nay.

Tất cả các DN chuẩn bị chốt thời điểm xác định giá trị DN, Bộ Tài chính đều đôn đốc các DN phải kiểm kê rồi rà soát công nợ và thu hồi các tài sản tồn đọng chưa xử lý được… Trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền thì xử lý ngay, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì tiến hành kiểm kê lại, lập danh sách triển khai các bước theo đúng các quy định.

Ví dụ như liên quan các vấn đề về nợ thì xử lý theo Nghị định 206/2013/NĐ-CP, vấn đề quản lý vốn thì xử lý theo Nghị định 71/2013/NĐ-CP. Trường hợp vướng không xử lý được Bộ Tài chính cùng các định chế như Công ty mua bán nợ sẽ bàn để tìm giải pháp xử lý, hoặc khoanh nợ, để chuyển giao cho một đơn vị khác…

Để khi đó, một DN có tài chính trong sạch sẽ tiến hành xác định tài chính nhanh hơn. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh việc tái cơ cấu thị trường chứng khoán theo hướng cải thiện thủ tục đấu giá, niêm yết; hoàn thiện chính sách thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước gắn với CPH DNNN. Đó là những giải pháp Bộ Tài chính triển khai, tạo thuận lợi cho các TĐ, TCT khi có quyết định CPH cũng như hỗ trợ cho các TĐ, TCT này nhanh chóng xử lý các tồn tại.

Trong Hội nghị sơ kết của ngành Tài chính mới đây, đại diện một số tỉnh, thành phố kiến nghị Bộ Tài chính xem xét một số trường hợp đặc biệt, giao cho UBND tỉnh, thành phố là đại diện chủ sở hữu sau CPH, chứ không chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại các DN đã CPH về SCIC như quy định?

Theo quy định của Chính phủ, các DN sau khi tiến hành CPH phải chuyển giao quyền chủ sở hữu về SCIC, đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu các DNNN, tách bạch quyền quản lý nhà nước ra khỏi quyền chủ sở hữu, đưa về một đầu mối. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và mới đây là Nghị định số 57/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC đã khoanh vùng lại.

Có một số lĩnh vực SCIC không tiếp nhận như các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn như vệ sinh nước sạch, môi trường, các công ty thủy nông… Các DN cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích trên địa bàn, không phải là đối tượng của SCIC. SCIC chỉ tiếp nhận những DN sản xuất kinh doanh thương mại thuần túy hoặc những doanh nghiệp quan trọng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trên thực tế, thời gian qua SCIC tiếp nhận một số DN gắn liền với cung cấp dịch vụ công ích, an sinh xã hội gắn với địa bàn, nhưng sau đó Chính phủ đã cho phép SCIC bàn giao cho các địa phương quản lý, các địa phương có trách nhiệm tái cơ cấu, sắp xếp để nâng cao hiệu quả nguồn vốn này. Kể cả trong trường hợp các DN này nếu các thành phần kinh tế khác làm được thì địa phương cũng nên CPH chứ không giữ DN 100% vốn Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

>>>DNNN hưởng đặc quyền, doanh nghiệp tư nhân 'tự sinh tự diệt'

cucpth

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên