MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Muốn thu 1 đồng lợi nhuận phải mất 5 đồng đầu tư"

Đến giai đoạn 2011-2015, chỉ số ICOR giảm xuống còn 5-6%, mặc dù vẫn cao so với các nước trong khu vực nhưng đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả đầu tư phần nào đã tăng lên.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing
60 bài viết

Sáng nay (ngày 2/11/2015), tại các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016. Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm đồng tình với báo cáo của Chính phủ nhưng tỏ ra lo lắng một số vấn đề như: Đầu tư, nợ công,... Xoay quanh vấn đề này, giờ giải lao của phiên thảo luận sáng nay, chúng tôi đã có trao đổi ngắn với đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh

Ông đánh giá về những kết quả kinh tế – xã hội đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015?

Nhìn lại kết quả kinh tế – xã hội trong 5 năm qua, tôi đánh giá những kết quả đã đạt được là khá tích cực. Mặc dù chịu nhiều tác động của tình hình bất ổn kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô bất ổn, lãi suất tăng cao, nhập siêu trầm trọng. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu được Chính phủ và Quốc hội đặt ra là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo báo cáo kết quả đã đạt được, nền kinh tế vĩ mô nước ta về cơ bản đã ổn định khá vững chắc, tỷ giá được điều hành chủ động. Ba năm liên tiếp xuất siêu, ổn định cán cân vãng lai; điều hành kinh tế trong các giai đoạn đạt nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn nổi lên một số vấn đề xã hội như vệ sinh an toàn thực phẩm còn kém, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lớn. Để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân còn nhiều việc phải làm như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…

Ông đánh giá thế nào về những biện pháp, chính sách phát triển kinh tế, kiểm soát bội chi ngân sách, giảm nợ công mà Chính phủ đã đưa ra?

Theo kế hoạch 5 năm trước đã đưa ra, bội chi ngân sách sẽ về 4,5% GDP. Tuy nhiên bội chi ngân sách năm nay dự kiến chiếm 5% GDP; bình quân 5 năm là 5,4%; tức là vượt kế hoạch đề ra. Điều này làm cho nợ công tăng nhanh và đang chiếm 61,3% GDP.

Trong chi ngân sách, chi thường xuyên tăng cao, tập trung vào chi tiền lương và chi cho bộ máy hành chính. Nếu tiếp tục duy trì bộ máy cồng kềnh thì chi thường xuyên sẽ tiếp tục tăng cao.

Do vậy cần giảm bộ máy, đảm bảo cơ chế tăng lương theo đúng lộ trình. Trong cải cách hành chính thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực song cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bố trí cán bộ để tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó, cần cắt giảm các khoản chi không cần thiết như chi về lễ hội, khánh tiết….

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của đầu tư trong tăng trưởng kinh tế, cũng như giảm bội chi ngân sách Nhà nước?

Rõ ràng có thể thấy những tín hiệu tích cực trong tỷ trọng đầu tư của nền kinh tế. Giai đoạn 2006-2010, chỉ số ICOR của nước ta khá lớn, từ 7-8%. Tức là muốn thu được 1 đồng lợi nhuận thì phải bỏ 7-8 đồng cho đầu tư.

Đến giai đoạn 2011-2015, chỉ số ICOR giảm xuống còn 5-6%, mặc dù vẫn cao so với các nước trong khu vực nhưng đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả đầu tư phần nào đã tăng lên.

Ngoài ra, Luật đầu tư công đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả trong việc giám sát nâng cao hiệu quả hoạt động của đồng vốn đầu tư, tái tạo nguồn thu và tăng thu ngân sách. Vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là làm sao để đưa các chính sách này vào cuộc sống, tăng cường hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Quế (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên