MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năng suất lao động bằng 1/20 người Mỹ: Ngành chăn nuôi lo "thua trên sân nhà"?

Ngành chăn nuôi nước ta đang có năng suất lao động quá thấp. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động còn ở Việt Nam là 15 - 20 người.

Năng suất lao động ngành chăn nuôi chỉ bằng 1/20 người Mỹ

Thời gian gần đây nổi lên vấn đề sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi. Chỉ riêng điều này thôi nếu kiểm soát không tốt thì khi hội nhập sâu chúng ta có khả năng sẽ mất ngay thị trường trên “sân nhà” chứ không nói gì tới khả năng có thể xuất khẩu.

Theo TS. Đoàn Xuân Trúc - Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi nước ta đang có năng suất lao động quá thấp. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động còn ở Việt Nam là 15-20 người. Một nhân công nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan có thể quản lý chuồng gà công nghiệp với quy mô 20.000 con, trong khi công nhân Việt nam chỉ nuôi bình quân khoảng 5.000 con.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, qua nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng quá cao... làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta cao, khả năng cạnh tranh thấp.

TS Trúc dẫn số liệu điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25-30% so với ở Việt Nam, giá thành 1kg thịt bò Úc sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, phí kiểm dịch, phí giết mổ, lãi vay ngân hàng... là khoảng 170.000-180.000đồng/kg. Trong khi đó bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000đồng/kg, nhưng chất lượng thịt lại không bằng thịt bò Úc.

Theo tính toán của Viện Chăn nuôi, giá thành sản xuất 1 kg thịt heo trong nước là 2,08 USD, còn ở Mỹ là 1,41 USD. Giá thành sản xuất thịt bò trong nước là 2,53 USD/kg, còn ở Úc là 1,77 USD/kg. Về gà công nghiệp, chi phí sản xuất thịt gà tại Malaysia là 1,15 USD/kg; Thái Lan là 1,2 USD/kg, Philippine là 1,58 USD/kg, Ấn Độ là 1,1 USD/kg; Hàn Quốc là 1,34 USD/kg... trong khi của Việt Nam là 1,6 USD/kg.

Bên cạnh đó, TS Trúc cũng cho biết, đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài. Hầu hết các giống bò, lợn, gia cầm cao sản nước ta đều phải nhập từ Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Hà Lan, Anh, Đan Mạch...

Năm 2014, Việt Nam đã nhập 11,7 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (trong đó có 5,368 triệu tấn thức ăn giàu đạm, 5,913 triệu tấn nguyên liệu giàu năng lượng và gần 400 tấn nguyên liệu thức ăn bổ sung). Kim ngạch nhập khẩu là 4,8 tỷ USD.

Thời gian gần đây, nước ta phải nhập tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như: khô dầu đậu tương, bột thịt xương, bột cá...; riêng khoáng vi lượng, vitamin nhập gần như 100%. Theo Liên minh Nông nghiệp, hiện nay 80% các loại vacxin được phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia trên thế giới.

“Phụ thuộc tới gần 50% nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu sản xuất trong nước giá thành cũng khá cao nên theo ý kiến nhiều chuyên gia, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cao hơn khoảng 10% so với nhiều nước trong khu vực châu Á” – TS Trúc chia sẻ.

Thua trên sân nhà…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với TPP, khả năng phát triển và cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam yếu thế hơn hẳn 11 nước còn lại, đặc biệt là so với Mỹ, Úc, Canada…

“Đáng lo nhất chính là làm sao để đảm bảo chất lượng an toàn sản phẩm chăn nuôi vì hiện nay chăn nuôi nước ta còn khá nhỏ lẻ, thiếu chuỗi liên kết, khó truy xuất nguồn gốc” – Ông Dương cho biết.

Thời gian gần đây nổi lên vấn đề sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi. Chỉ riêng điều này thôi nếu kiểm soát không tốt thì khi hội nhập sâu chúng ta có khả năng sẽ mất ngay thị trường trên “sân nhà” chứ không nói gì tới khả năng có thể xuất khẩu.

Ông Dương cho rằng, đây là vấn đề rất khó giải quyết triệt để. Đảm bảo an toàn thực phẩm hay kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nan giải bởi chịu sự chi phối của nhiều thành phần, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành như: Y tế, Công Thương, Công an chứ không riêng gì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đặc biệt, đảm bảo an toàn thực phẩm đòi hỏi rất lớn vai trò của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, trong đó cấp địa phương rất quan trọng bởi hầu hết các khâu quản lý như đồng ruộng, chuồng trại đều nằm ở cấp địa phương. Nếu chính quyền cấp địa phương không thấy được tầm quan trọng này thì thậm chí có thể coi là “vô phương” giải quyết.

Trong khi đó, theo TS. Đoàn Xuân Trúc, trước mắt ngành chăn nuôi đang có một thời gian quá độ tuy không dài (2-3 năm) trong lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết song phương, đa phương của từng hiệp định thương mại (FTA).

Thói quen tiêu dùng các sản phẩm từ “thịt nóng, thịt mát, thịt tươi” sang “thịt lạnh, thịt đông lạnh” cũng không thể thay đổi nhanh và rộng khắp, sự đổi này (nếu có) cũng chỉ là ở một bộ phận thuộc các thành phố lớn, các khu công nghiệp.

Quá trình các nước phê chuẩn TPP cũng cần 1-2 năm. Trước đó, trở về Việt Nam sau khi kết thúc đàm phán TPP, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm (kể từ 2015) để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi mới thực sự tác động.

“Đây là cơ hội vàng về thời gian để ngành chăn nuôi đẩy nhanh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất và hạ giá thành các sản phẩm thịt, trứng, sữa; kể cảc sản phẩm có lợi thế như giống đặc sản, giống bản địa, lợn cắp nách, gà đồi, vịt chạy đồng...cũng phải giảm giá thành, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm” – ông Dương cho biết.

Lam Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên