Nền kinh tế đang điều chỉnh tích cực
Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn “thoái nợ”, không có nghĩa là tăng trưởng không còn dựa vào tín dụng mà cho thấy nền kinh tế đang trải qua một quá trình điều chỉnh tự nhiên
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn một mặt cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác phải tăng thêm tính hiệu quả của đầu tư và tín dụng. Về dài hạn, việc nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất là vô cùng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn mà không kéo theo TTTD và lạm phát cũng cao hơn.
Dấu hiệu tích cực
Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với lạm phát và cung tiền (tín dụng) ở Việt Nam luôn được “soi chiếu” một cách đặc biệt. Khi những con số về lạm phát và tăng trưởng tín dụng (TTTD) những tháng đầu năm 2014 được đưa ra, thực tế đã bắt đầu có những quan ngại là mức tăng trưởng kinh tế mục tiêu 5,8% trong năm nay (cùng với lạm phát ở khoảng 7%; TTTD 12-14%) sẽ khó đạt được. Và nếu chỉ nhìn nhận mối quan hệ trong mô hình và động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trước đây (chủ yếu dựa vào tiêu dùng và đầu tư, hai kênh chịu ảnh hưởng khá lớn từ tín dụng) thì quả thực, tăng trưởng kinh tế năm nay có vẻ đáng lo ngại.
Nhưng, số liệu thống kê vài năm trở lại đây cho thấy, mối quan ngại này không hoàn toàn có cơ sở, khi tương quan thay đổi giữa tăng trưởng, lạm phát, cung tiền (tín dụng) đang rất khác. Từ năm 2011 đến nay, lạm phát giảm mạnh, tốc độ tăng tín dụng lại giảm so với giai đoạn trước (bình quân 35,9%/năm giai đoạn 2007-2010). Có lý do để cho rằng, hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao, khi tăng trưởng của chỉ tiêu này thấp xuống nhưng GDP vẫn đạt ở mức hợp lý.
Phải chăng, điều hành chính sách tiền tệ đã gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp cho đầu tư phát triển từ hệ thống NHTM. Cơ cấu tín dụng bắt đầu cho thấy sự hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn?
TS. Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn “thoái nợ”, không có nghĩa là tăng trưởng không còn dựa vào tín dụng mà cho thấy nền kinh tế đang trải qua một quá trình điều chỉnh tự nhiên. “Trước đây, để tăng trưởng kinh tế thì phải tăng tín dụng rất nhiều. Còn hiện nay, Việt Nam đang trên con đường đi tìm một mô hình tăng trưởng mới, một động lực mới cho tăng trưởng mà không phải dựa nhiều vào tín dụng. Đó là một dấu hiệu tích cực”, ông Thành nói.
Phải cải cách cơ cấu và năng suất
Cho đến gần đây, những dấu hiệu phục hồi nhẹ của nền kinh tế đã xuất hiện. Nhưng, điều mà các chuyên gia kỳ vọng là cần duy trì được xu thế hiện nay: lạm phát theo năm tiếp tục thấp dần, tín dụng không quá nóng, trong khi tăng trưởng kinh tế cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Để đạt được điều này, trong ngắn hạn một mặt cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác phải tăng thêm tính hiệu quả của đầu tư và tín dụng. Về dài hạn, việc nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất là vô cùng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn mà không kéo theo TTTD và lạm phát cũng cao hơn.
“Trong nhiều năm qua, đúng là chúng ta đã chú trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nhìn về lâu dài, muốn đạt được tăng trưởng cao phải thúc đẩy tăng năng suất và duy trì tính cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Thành khuyến nghị. “Vấn đề bây giờ là phải tập trung tái cấu trúc thực sự, cả ở cấp vi mô và vĩ mô”.
Để làm được điều này, việc giữ và thúc đẩy triển khai các cam kết cải cách đã đưa ra là rất quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta mới thành công về ổn định vĩ mô, còn việc cải cách, trong đó bao gồm việc xây dựng động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thì vẫn chưa làm được bao nhiêu. Khi ổn định vĩ mô đã có thì cần các hành động cụ thể để thực thi những cam kết cải cách đã đưa ra.
“Từ 2014 trở đi, ổn định kinh tế vĩ mô cần gắn với cải cách và đây là một bài toán rất hóc búa. Đơn cử như trong vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, muốn ổn định một cách căn cơ thì ngoài việc tăng cường giám sát, minh bạch, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế... cũng có vấn đề ngay trước mắt phải giải quyết là sở hữu chéo”, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.
Sự lo ngại về nguy cơ chậm trễ, thậm chí trì hoãn triển khai trong thực tế các cam kết cải cách đã được không ít chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra.
Trong phần trình bày về một nghiên cứu mới nhất mang tên: “Kinh tế 2013 và Tầm nhìn 2014”, công bố ngày 6/3, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thẳng thắn chỉ ra: “Trong bối cảnh kinh tế 2014 có dấu hiệu phục hồi, lo ngại nhất là giới chính sách sẽ cho rằng như thế thì không cần cải cách nữa. Cần nhìn nhận sự phục hồi kinh tế của 2014, nếu đúng như dự báo, chỉ là phục hồi nhẹ và mang tính ngắn hạn. Còn chu kỳ dài hạn của nền kinh tế vẫn là đi xuống và đòi hỏi bắt buộc phải cải cách về cơ cấu và năng suất”.
TS. Lưu Bích Hồ: Vẫn mới lo chống đỡ Những con số được công bố về tình hình năm 2013 và 2 tháng đầu năm 2014 đã nói lên có đôi chút chuyển biến. Nhưng, ánh hừng sáng chưa lan tỏa được nhiều và nền kinh tế vẫn còn ở vùng trũng, chưa thấy rõ tín hiệu thoát đáy. Những giải pháp tăng đầu tư để hỗ trợ tổng cầu đã được triển khai, nhưng đến nay, cầu dù được kích lên cũng không tăng được cung. Trong khi với các vấn đề dài hạn, cải cách DNNN được thúc đẩy quyết liệt nhưng vẫn còn lúng túng về cách làm; cải cách thể chế, cơ chế chậm và thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà. Cho dù đã xác định đúng là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu… để hướng tới giai đoạn phát triển mới, nhưng nhìn lại cả chính sách lẫn thực hiện vẫn toát lên việc lo chống đỡ trước mắt. Tôi dự báo, tình hình chung 2014 vẫn là nhùng nhằng và phức tạp, còn tùy thuộc vào chính sách và điều hành sẽ mới hơn và quyết liệt hơn đến mức nào. Trong khi đó sức ép về tái cơ cấu, về hội nhập quốc tế, TPP ngày càng gia tăng mạnh. Rõ ràng, đầu bài được đặt ra rất nhiều nhưng giải bài xem ra thật khó. TS. Nguyễn Đức Thành: Không cải cách nữa sẽ là bước lùi Lúc này, tôi lo ngại rằng nếu sự tăng trưởng, phục hồi đến nhanh và vững chắc mà giới chính sách cho rằng không cần cải cách thì đó sẽ là bước lùi, không tận dụng được cơ hội tăng trưởng. Chúng ta có nhiều đề xuất từ năm 2011, nhưng cả năm 2012 hầu như không làm được gì, 2013 đã đưa ra và thực hiện được một số giải pháp. Đó là bước đầu tiên của những cải cách mạnh mẽ. Nhưng nếu thấy phục hồi mà nghĩ đang có dấu hiệu tốt trở lại là lạc quan quá sớm. Sự tăng trưởng trở lại này chỉ nằm ở ngắn hạn, còn dài hạn vẫn là chu kỳ đi xuống. Trong chu kỳ đó có thể lúc lên lúc xuống, để cải cách thực sự phải là cải cách cơ cấu, năng suất… như vậy cần có nhiều chính sách phù hợp hơn nữa. Tôi nghĩ, chu kỳ đi xuống này sẽ kéo dài 10 năm, cần có sự cải cách đặc biệt khu vực DNNN, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản... để vực dậy chu kỳ dài hạn. Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ trở lại, về mặt chính sách ngắn hạn chắc chắn phải điều chỉnh. Trong đó, chính sách liên quan đến kích thích kinh tế cần phải rút lại vì nếu có dấu hiệu phục hồi thì dòng vốn sẽ chảy sang khu vực thị trường tài sản, khu vực đem lại lợi nhuận nhanh hơn, có tính thanh khoản cao và hình thành bong bóng nhỏ. Chẳng hạn, chính sách ngắn hạn của chúng ta về lãi suất mà không làm được điều này thì nguồn vốn đang rất hiếm hoi sẽ bị lái ra khỏi khu vực sản xuất thực - khu vực đang rất cần vốn để phục hồi, làm cho mầm xanh tăng trưởng nhú lên. Do đó, giới điều hành tài khóa và tiền tệ cần thận trọng trong việc điều hành chính sách của mình để kịp thời phù hợp với chu kỳ phục hồi nhẹ đang xuất hiện. Tóm lại, chính sách cần phải linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và diễn biến thực tế. Đồng thời, không được phép chủ quan trong việc giảm động cơ, động lực cải cách cơ bản nền kinh tế. Bởi vì, đó là những nhân tố sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập tốt hơn, đi vào chu kỳ phát triển dài hạn hơn. Ngọc Khanh - Lê Minh |
Theo Đỗ Lê