MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế thoát đáy

5 năm đã trôi qua, kể từ năm 2008, kinh tế nước nhà suy thoái. Bằng nhiều giải pháp điều hành vừa quyết liệt vừa linh hoạt, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương hết sức nỗ lực chặn suy giảm, "vượt bão”, không chịu "nằm chờ trong vịnh trú bão”. Để vực dậy nền kinh tế, lấy lại được tốc độ phát triển cao là quá khó. 

Vì thế, có thể coi là tin vui khi mới đây ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra nhận định: Tăng trưởng kinh tế đã thoát đáy! 
"Xuống đáy” sau khi đã "đổ đèo”

Ngay từ đầu năm 2013, một câu hỏi then chốt đã được đặt ra: Kinh tế Việt Nam khi nào sẽ thoát đáy?

Một loạt những vấn đề tồn đọng của nền kinh tế khiến giới chuyên gia lẫn quản lý lo ngại. Đó là bất động sản bất động; chứng khoán lao dốc; nợ xấu tăng cao (trong đó có cả nợ công); tổng cầu và sức mua trong xã hội yếu, hàng tồn kho tăng cao; xuất khẩu mất lực; hệ thống doanh nghiệp nhà nước gặp khó trong khi hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa bất ổn; giá nông sản, thuỷ hải sản đi xuống; đời sống người nông dân khó khăn; tình trạng thất nghiệp gia tăng…

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Làm ăn gì năm 2014?”, ngày 11-12-2013, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện tại đang ở đáy và thời gian của vùng đáy này sẽ kéo dài trong 2-3 năm tới. Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 so với giai đoạn khi vừa gia nhập WTO, hoặc trước khủng hoảng thì vẫn còn thấp hơn khá nhiều. Như vậy, kinh tế Việt Nam chỉ có thể quay trở lại mức tăng trưởng tốt trong vòng 3-4 năm. 

Vẫn theo ông Thành, năm 2013 là thời điểm "đáy” của nền kinh tế. Tương tự, TS. Quách Mạnh Hào - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đang ở vùng đáy. "Tôi cho rằng chúng ta đang trải qua giai đoạn tạm gọi là "vùng đáy” sau khi đã "đổ đèo” trong 3 năm qua. Để "leo dốc” trở lại tức là tăng trưởng, tôi nghĩ giai đoạn vùng đáy này kéo dài 2 đến 3 năm”, TS Hào nhận định.

Thoát đáy và câu chuyện về một nền kinh tế phát triển với hai tốc độ

Tuy nhiên, cũng tại buổi toạ đàm trên một ý kiến rất đáng chú ý nhưng không có được sự hưởng ứng của giới chuyên gia lúc bấy giờ. Đó là ý kiến của TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI). 

TS Nghĩa cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý 3-2013 và khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014. Lý giải cho nhận định của mình, TS Nghĩa cho rằng, điều đó biểu hiện ở chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số PMI - chỉ số nhà quản trị mua hàng dự báo các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trở lại.

Như vậy, tới thời điểm này, nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa đã được khẳng định là đúng.

Ngày 24-4, một ấn phẩm nghiên cứu chuyên biệt về kinh tế và tài chính lần đầu tiên được công bố bởi Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà kinh tế, chuyên gia tài chính và giới truyền thông cũng như toàn xã hội. Đánh giá của NFSC, năm 2013, nhìn chung tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước ở mức thấp, cải thiện chậm hơn kỳ vọng do tổng cầu yếu cả về đầu tư và tiêu dùng. 

Tỷ lệ đầu tư trên GDP giảm đối với tất cả các thành phần kinh tế. Tín dụng tăng trưởng thấp do sức hấp thụ của nền kinh tế hạn chế. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã thoát đáy, hoạt động sản xuất đã có dấu hiệu cải thiện trong quý 3-2013. Kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát thấp; tỷ giá ổn định; lòng tin của nhà đầu tư đã được củng cố.

Trên cơ sở đó, nhóm các tác giả nhận định, triển vọng đạt mức tăng trưởng 5,8% của Việt Nam năm 2014 là khả quan.

Báo cáo này cũng cho rằng, lạm phát sẽ ở mức 5% trong năm 2014. Năm này, nhiều vấn đề tồn đọng của nền kinh tế sẽ được giải quyết cơ bản, đó là thị trường ngân hàng với mức thanh khoản tăng; dư nợ tín dụng tăng 12,5%; nợ xấu được kiểm soát và giảm, dao động quanh mức 9-10%. Cụ thể, xử lý khoảng 106.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý khoảng 40.000 tỷ đồng. 

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thị trường chứng khoán chuyển biến tích cực, xu hướng hồi phục trên nền tảng các yếu tố vĩ mô ổn định; thị trường trái phiếu Chính phủ sôi động, hiệu quả sinh lời của Công ty Chứng khoán được cải thiện mạnh. Những cơ hội lớn về tài chính như huy động vốn tiếp xúc xu hướng tăng, thanh khoản dồi dào; quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng được đẩy mạnh, tổng cầu từng bước tăng lên.

Trước đó, tại báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố ngày 2-4, Ngân hàng HSBC đánh giá Việt Nam sẽ là một nền kinh tế phát triển với hai tốc độ. Đó là sự giẫm chân tại chỗ của một số ngành sản xuất trong nước, trong khi có sự bứt phá vượt trội về xuất khẩu. 

Báo cáo dẫn giải, kinh tế Việt Nam giống như một câu chuyện về đất nước chịu nhiều thua thiệt trong quá khứ, nhưng lại có một kết thúc thắng lợi: Tiền VNĐ trở nên mạnh hơn dựa vào cơ sở tỷ giá hối đoái hiệu quả thực sự trong khi đồng tiền của các nước láng giềng lại yếu đi; cán cân vãng lai và cán cân thanh toán cải thiện trong khi những nước khác giảm sút.

Tuy nhiên, báo cáo của HSBC cũng đặt ra câu hỏi: khi nào thì những cải cách ý nghĩa sẽ diễn ra để giúp Việt Nam thực hiện được tiềm năng của mình? Đồng thời đưa ra nhận xét: "Chính phủ Việt Nam không vội vã khi đang cố gắng để hạn chế các chi phí xã hội”. HSBC cũng cảnh báo, nếu không giải quyết được vấn đề nợ xấu và có các biện pháp cải cách mạnh mẽ thì hoạt động kinh tế trong nước vẫn giảm sút, trong khi xuất khẩu chắc chắn tăng.

Cũng vẫn theo HSBC, lui lại thời điểm đầu năm, ngày 3-1-2014, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của ngân hàng này đã công bố bản báo cáo về kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam với nhận định đáng chú ý: "Năm 2014 sẽ là năm của các nhà xuất khẩu”. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 20% trong năm 2014, từ mức tăng 15,4% trong năm 2013. Giới chuyên gia của HSBC nhấn mạnh, Việt Nam sẽ sáng hơn trong năm Giáp Ngọ.

Bẫy thu nhập trung bình cùng nỗ lực "bò trên con dốc tăng trưởng”

Ngày 15-4, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo "Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam”. Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thì trạng thái "bẫy thu nhập trung bình” là tình huống mang tính "tiến thoái lưỡng nan” trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, có khả năng làm giảm hiệu quả của các nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Số liệu dẫn ra tại Hội thảo cho thấy, trong tổng số 52 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình trên toàn thế giới thì 35 nền kinh tế đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình và chỉ có 13 nền kinh tế vượt qua bẫy để trở thành nước có thu nhập cao. Điển hình có 5 nền kinh tế thuộc châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì Việt Nam vẫn còn hàng chục năm để thoát "bẫy”. Song phải thẳng thắn nhìn vào thực trạng, mặc dù chúng ta vẫn đang phát triển nhưng tăng trưởng với hiệu suất lao động thấp, hiệu quả rất kém mà đây lại là các yếu tố trọng yếu để đưa một quốc ra vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, TS Hồ nói.

Còn TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương lại chỉ ra những vấn đề bức thiết cần phải giải quyết ngay. Theo TS Cung, Việt Nam cần phải đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, cần phải thực hiện các giải pháp mạnh tay để vượt qua những khó khăn nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng sau này.

Như vậy, bên cạnh thực tế nền kinh tế đã sáng lên, đã thoát đáy thì giới chuyên gia vẫn hết sức lo ngại về cung cách làm việc và ý chí vượt lên. Điều đó sẽ khiến tăng trưởng chậm lại, sau khi thoát đáy thì giai đoạn "bò trên con dốc tăng trưởng” lại là vấn đề hết sức gian nan. Nếu không nhận thức đầy đủ và không có quyết tâm cao, thoát khỏi tâm lý "nằm trong vịnh trú bão”, thì sau khi thoát đáy vẫn có thể lại rơi xuống đáy.

Tín hiệu vui từ hạt gạo, con cá

Một trong những minh chứng quan trọng cho thấy nền kinh tế đã sáng lên, chính là tại thời điểm này đã chấm dứt điệp khúc "được mùa rớt giá” đối với ĐBSCL vựa lúa, vựa cá của đất nước. Với chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa-gạo của Chính phủ, giá lúa tại ĐBSCL đã nâng lên. Tính trung bình, 1kg lúa tăng 300 đồng so với 1 tháng trước. Như vậy, cho dù người trồng lúa chưa có lãi 30% như kỳ vọng thì con số 20% có thể nói là cầm chắc trong tay.

Với con cá tra, ròng rã 3 năm qua người nuôi cá lỗ nặng do giá thấp, chỉ 21.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành trung bình 23.000 đồng/kg. Vì thế hàng loạt hộ nuôi cá tại ĐBSCL phải treo ao, treo hầm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3 đến nay, giá cá đã tăng trung bình 3.000 đồng/kg, lên mức 24-25.000 đồng/kg.

Một nguyên nhân quan trọng đem lại thành công đó là Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra, trong đó có quy định rõ về việc xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, HTX nuôi tôm và cá tra gặp khó trong sản xuất, kinh doanh. Quyết định này đã giúp cho hàng triệu hộ nuôi tôm và cá tra ở ĐBSCL gỡ khó, vực dậy ngành nghề.

Khi mà kinh tế khu vực nông nghiệp- nông thôn được vực dậy sẽ là trụ đỡ vững vàng cho nền kinh tế đất nước. Bởi với 70% dân số cả nước sống ở nông thôn, đồng thời nông sản là nguồn hàng xuất khẩu lớn. Vậy nên, thực tế "thoát đáy” từ khu vực này cũng chính là sự thoát đáy của nền kinh tế nước nhà.

Theo Nam Việt

cucpth

Đại đoàn kết

Trở lên trên