“Nếu không có biện pháp mạnh, lạm phát sẽ tăng cao”
Trao đổi với phóng viên, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dấu hiệu về lạm phát trong quý I-2016 đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại và có khả năng tăng cao trong năm 2016 nếu như chúng ta không có giải pháp ngay từ bây giờ.
- 27-03-2016Hết thời lạm phát thấp?
- 24-03-2016Tổng cục thống kê: Lạm phát năm nay sẽ ở mức rất cao
- 07-03-2016Lạm phát thấp, lãi suất vẫn cao
- 28-01-2016Biến siêu lạm phát thành ... giảm phát
Kết thúc quý 1-2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,46%, thấp hơn tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011, theo ông đâu là nguyên nhân?
Như chúng ta biết nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nhất thế giới, lên đến 70%. Do đó biến động của nền kinh tế thế giới luôn tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Nhìn lại những tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế các nước lớn như: EU, Nhật... gặp khó. Ngân hàng Trung ương châu Âu phải cắt giảm lãi suất đưa về 0%, còn ngân hàng Trung ương của Nhật Bản giảm lãi suất xuống âm 0,1%; nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm và nền kinh tế của Nga, Brazil suy thoái… Những tác động này đã ảnh hưởng đến chỉ số tăng GDP chưa đạt được mong muốn.
Bên cạnh đó, Việt Nam ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khắc nghiệp gây hạn hạn đã tác động đến sản xuất nông nghiệp khiến cho quý 1, ngành nông nghiệp không những không tăng trưởng mà còn giảm mạnh xuống âm 2,69%.
Điều này cho thấy, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2016 ở mức 6,7% sẽ là thách thức cho Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Vậy theo ông Chính phủ sẽ phải tập trung vào các giải pháp gì?
Chính phủ cần kiên trì với giải pháp tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm pháp, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng mức hợp lý. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi dấu hiệu lạm phát trong quý I-2016 đã bắt đầu tăng trở lại và có khả năng tăng cao trong năm 2016 nếu như chúng ta không có giải pháp ngay từ bây giờ.
Tôi cho rằng, cần lưu ý điều chỉnh các mặt hàng thiết yếu, tránh điều chỉnh dồn dập, gây lạm phát tâm lý và làm cho lạm phát tăng cao. Ngoài ra cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh; Tạo nguồn vốn thấp để DN tiếp cận và đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hướng tới phát triển bền vững…
Thực tế, một trong những điểm yếu của DN Việt Nam là công nghệ, máy móc thiết bị. Trong khi nhiều DN không dám đầu tư khi không có nguồn vốn lớn và nhất là lãi suất thiếu ổn định. Do đó phải làm sao để có nguồn vốn đầu tư cho DN với mức lãi suất ổn định và thấp, giống như gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng sẽ khuyến khích DN đầu tư dài hạn.
Như ông đã đề cập đến vấn đề cải cách nhằm giúp DN nâng cao sức cạnh tranh nhưng thực tế có nhiều chính sách cải cách do Trung ương ban hành nhưng khi thực thi ở địa phương đã không đến được với DN, thưa ông?
Đánh giá nhiệm kỳ 5 năm qua của Chính phủ, nhiều ĐBQH cho rằng nhiệm kỳ còn một số tồn tại lớn như: Công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực: đầu tư, môi trường, giao thông, đô thị… Điển hình là tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp. Công tác quản lý công chức, viên chức còn hạn chế...
Bên cạnh đó là nợ công hiện nay đang mức cao, áp lực trả nợ lớn. Trong khi đó, chi tiêu cho bộ máy hành chính quá lớn mà chưa đem lại nhiều lợi ích phục vụ nhân dân, DN. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính gắn với hiệu quả công tác; gắn tiền lương thu nhập với nhiệm vụ hoàn thành hay không hoàn thành thì mới giúp đội ngũ cán bộ hướng tới phục vụ nhân dân, giảm bớt tình trạng tiêu cực như thời gian vừa qua.
Tôi cho rằng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải sẵn sàng cách chức cấp dưới nếu không hoàn thành nhiệm vụ mà một số bộ, ngành đã quyết liệt thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Báo Hải Quan