Nếu không hội nhập sẽ bị cô lập
"Chưa bao giờ thế giới lại hội nhập sâu rộng như vậy, bất cứ sản phẩm nào cũng được làm theo chuỗi. Nếu mình không hội nhập sẽ bị loại ra khỏi nền kinh tế toàn cầu".
- 23-10-2014“Muốn hội nhập thành công doanh nghiệp Việt phải biết chọn thực đơn phù hợp”
- 21-10-2014Nhà ngân hàng tương lai 2014: Con đường hội nhập
Tại cuộc toạ đàm "Cộng đồng ASEAN 2015, chiến lược nào cho doanh nghiệp Việt” diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, các chuyên gia kinh tế cùng hàng trăm doanh nghiệp có mặt đã cùng mổ xẻ về chiến lược hội nhập ASEAN cho doanh nghiệp Việt.
Bốn trụ cột lớn của hội nhập AEC 2015
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hội nhập đang gõ cửa rất mạnh và không còn nhiều thời gian để chần chừ. Trên thực tế, một số nước ở ASEAN đã có mặt kinh doanh ở Việt Nam từ nhiều năm nay, tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Maylaysia đã tăng tốc đổ bộ vào việt Nam. Về dân số, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực nên thị trường có nhiều triển vọng trong con mắt của nhiều nhà đầu tư ASEAN.
"Không còn thời gian nữa, hội nhập đang đến quá gần rồi nhưng tôi cảm tưởng nhà nước, doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc gia nhập AEC 2015", bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng có 4 trụ cột lớn trong việc hội nhập AEC 2015.
Trụ cột 1: Yếu tố thị trường
-Thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất: 10 nền kinh tế trong ASEAN phải mở cửa cho nhau, phải tự do hoá về hàng hoá về cơ bản, thuế suất sẽ được giảm trong khung 0-5%, hầu hết các dòng thuế sẽ về 0%. Hiện 6 nước đã gia nhập trước đó thuế hầu hết các mặt hàng đều là 0%. Ở Việt Nam hiện nay đã có 85% dòng thuế đạt chuẩn của ASEAN.
-Thị trường dịch vụ: Các nước e ngại hơn về mở cửa. Số doanh nghiệp Việt Nam tham gia về dịch vụ khá lớn, 50% doanh nghiệp làm về thương mại dịch vụ nên tạo ra sức ép mạnh về cạnh tranh khốc liệt.
-Đầu tư: luồng vốn đầu tư sẽ nhiều hơn nhiều hơn. Việt Nam đã qua Lào, Campuchia,…đầu tư bây giờ có thể qua các nước phát triển hơn đầu tư nhiều hơn.
-Tự do di chuyển về con người: Việt Nam thiếu đội ngũ lao động chuyên môn, chất lượng nhân lực kém. Vì vậy, lao động Việt khó có thể làm việc ở các nơi có thu nhập cao trong khối AEC 2015.
Trụ cột 2: Cạnh tranh khốc liệt hơn: Việt Nam sẽ phải cạnh tranh về mọi mặt với hàng loat các nước ASEAN. Bà Lan cho rằng điều này các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận bởi trong nền kinh tế hiện đại đứng đơn lẻ sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Trụ cột 3: Phát triển đồng đều, nhiều chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. ASEAN đã có chương trình cho 4 nước phát triển sau phát triển kinh tế, hội nhập cùng cộng đồng, xoá bớt khoảng cách với 6 nước đã gia nhập trước.
Trụ cột 4: Cùng AEC hội nhập kinh tế toàn cầu, hiện đã đã có 6 hiệp định FTA và đang tiếp tục cùng 6 nước trong AEC đàm phán mở rộng, đến 2015 sẽ có nhiều hiệp định được thống nhất sẽ đưa nền kinh tế ASEAN hội nhập mạnh mẽ hơn vào kinh tế toàn cầu.
"Về cơ bản có 4 trụ cột vậy, ngay với VIệt Nam phải biết cái nào là thách thức, cơ hội. Nhà nước đã khá chậm chạp trong việc điều chỉnh chính sách phù hợp với AEC”, bà Phạm Chi Lan nói.
Nếu không hội nhập sẽ bị cô lập
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà cho hay trong câu chuyện hội nhập ASEAN, ở tầm vĩ mô, Chính Phủ Việt Nam đã chấp nhận đánh đổi nhưng vấn đề mà nhiều người thắc mắc đó là Việt Nam được bao nhiêu trong cuộc chơi này.
Nếu như một nước nào có hoàn chỉnh về nền kinh tế tri thức sẽ hội nhập nhiều hơn, lợi nhiều hơn và ngược lại. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng trong bối cảnh hiện nay nếu không hội nhập sẽ bị cô lập.
"Hội nhập là câu chuyện của ngày mai rồi, quan trọng là chuẩn bị lộ trình này đến đâu. Doanh nghiệp phải đối diện với việc hạ thuế, dỡ bỏ mọi chính sách bảo hộ. Như vậy cạnh tranh rất khốc liệt, những cái doanh nghiệp, tổ chức ảnh hưởng nhiều nhất thì chưa thấy. Tôi hình dung mình dễ dàng triển khai hàng hoá vào các nước khu vực khác nhưng khi ta chưa kịp nghĩ, các nước khác với trình độ cao hơn đã làm trước chúng ta rồi”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa để ý đến câu chuyện hội nhập, không chuẩn bị cho tương lai đến khi hội nhập ập tới lại nói không sẵn sàng. Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy, gần 75% doanh nghiệp không quan tâm đến việc hội nhập.
Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ CMC cho biết hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội. Còn nhớ thời gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt rất hào hứng, tin tưởng cao nhưng khi AEC 15 chuẩn bị đến nơi rồi, có vẻ doanh nghiệp không quan tâm lắm. Theo ông Chính, thuế chỉ là một trong những khía cạnh mở cửa kinh tế AEC bên cạnh các yếu tố như lao động được tự do di chuyển, thị trường được mở rộng.
"Trong mở cửa cơ hội thách thức đan xen. Trong hội nhập, các quốc gia đơn lẻ không có chỗ trong kinh tế toàn cầu. Ngay cả Samsung cũng phải xây dựng hệ thống sinh thái. Mỗi doanh nghiệp có sức mạnh cạnh tranh riêng, sản phẩm hay…kết hợp với nhau cung cấp cho xã hội, đây là mô hình phát triển rất bền vững. Việt Nam bắt buộc phải hội nhập, doanh nghiệp dù ít dù nhiều không tham gia vẫn phải chịu tác động từ sự thay đổi mới này”, ông Chính nói.
Ông Chính lấy ví dụ, Việt Nam có 100 triệu dân, mở cửa hội nhập sẽ có 600 triệu dân. Sản phẩm dịch vụ phi biên giới sẽ là đặc trưng, bây giờ người nông dân có 1 sản phẩm vượt trội có thể được thị trường 5 tỉ dân sử dụng mà không có bất cứ một rào cản nào.
"Tôi cảm thấy rất tiếc, cơ hội chỉ đến khi có sự chuẩn bị tốt. Tôi cảm thấy chưa chuẩn bị đầy đủ cả về Chính Phủ và cộng đồng doanh nghiệp mà rõ ràng hội nhập là một xu hướng bắt buộc, chẳng lẽ người ta đến nhà anh mà anh lại không mở cửa. Bây giờ chuẩn bị là đã muộn”, ông Chính nói.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng dù bây giờ chuẩn bị cũng đã quá muộn rồi nhưng muộn còn hơn không, chuẩn bị không bao giờ là thừa.
Chỉ muốn ra biển lớn
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: "Tôi cảm thấy một cái điều không hay một chút nào đó là người Việt Nam hơi coi thường ASEAN, lúc nào cũng có tư tưởng muốn ra hẳn biển lớn, sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... Xung quanh láng giềng cho là nhỏ, coi thường. Nhao đi xuất khẩu xa xôi bỏ lỡ nhiều thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài họ vào”.
Theo đó, bà Lan phân tích hiện nay xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu sang Mỹ, EU, Nhật Bản chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu, trong khi khối ASEAN chỉ chiếm 22%. Từng nước có thể là nhỏ, nhưng cộng lại cả khối ASEAN gần 600 triệu dân là lớn. Về thị trường hàng hoá, ASEAN đứng thứ 7 trên thế giới, sắp tới sẽ là thị trường chiếm 30% thương mại toàn cầu. Điều này thực sự rất đáng để quan tâm.
Hơn nữa, theo bà Lan làm ăn với các nước ASEAN có nhiều mặt lợi hơn: cạnh tranh không lớn, yêu cầu không cao như các nước Nhật Bản, EU, Mỹ…, chi phí vận chuyển thấp nên rủi ro thương mại rất thấp.
"Nền kinh tế phải đi dần từ thấp, trung, cao cứ chọn nơi vừa tầm với với mình trước từ đó vượt lên. Phải áp dụng nguyên lí bó đũa, chứ cạnh tranh từng nước thì yếu nên chúng ta mới phải ngồi lại với nhau để hướng đến mục đích lớn hơn là đưa cả khối hội nhập ra toàn cầu”, bà Lan nêu.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, chưa bao giờ thế giới phát triển theo chuỗi như bây giờ. Bất kể sản phẩm nào cũng phải làm theo chuỗi, nên nhìn thấy khả năng của ASEAN. Mình phải nghiêm túc, thách thức không quá lớn mà không vượt được thì làm sao ra sân chơi lớn, sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều.
Hướng Dương