MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành bán lẻ điện máy vẫn là mảnh đất đầy “màu mỡ”?

Bất chấp việc hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ điện máy rơi vào vòng xoáy phá sản, tìm hướng liên doanh liên kết, mảnh đất kinh doanh điện máy vẫn được đánh giá là rất mầu mỡ và còn nhiều tiềm năng.

Sự sôi động của thị trường với nhu cầu tiêu dùng được cải thiện đã giúp cho bức tranh kinh doanh điện tử - điện máy duy trì đà khởi sắc trong nửa đầu năm nay.

Nhiều hệ thống lớn tăng trưởng cao

Thế giới Di động, doanh nghiệp lớn nhất trong ngành với 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh, đạt 10.900 tỷ doanh thu trong nửa đầu năm 2015, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai hệ thống nhỏ hơn, gồm FPT Shop và Trần Anh cũng công bố mức tăng trưởng lần lượt là 63% và 43%.

Mức tăng trưởng này đến đồng thời từ 2 yếu tố là đà tăng trưởng ngành được duy trì cũng như việc các doanh nghiệp đều tiếp tục mở thêm rất nhiều điểm bán lẻ mới.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Vũ, Tổng Giám đốc MediaMart, cho biết kế hoạch doanh thu đặt ra trong năm nay là 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm DN này đã thực hiện được 70% kế hoạch và duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận khá với khoảng 10%.

Với những DN quy mô nhỏ cung cấp các dòng sản phẩm chuyên biệt, thì mức doanh thu và lợi nhuận cao hơn rất nhiều do tiết kiệm được chi phí bán hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Thái Hoàng (phân phối điều hòa), doanh thu trong 6 tháng đầu năm tăng tới 30% và lợi nhuận tăng 25%.

Theo vị này, hầu hết các DN kinh doanh điện máy – điện tử hiện đều đang có lãi.

Cũng bởi, không chỉ tiềm năng thị trường rất mầu mỡ, nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, mà sự phục hồi của nền kinh tế đã giúp cho mức tiêu thụ với các sản phẩm này tăng lên.

Do đó, với những DN biết cách khai thác tốt tính mùa vụ hay xu hướng các dòng sản phẩm, thì khoản lợi nhuận mà DN có được sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nắm doanh số thị phần, sẽ làm chủ cuộc chơi

Những khoản doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khá ấn tượng của hầu hết các DN cho thấy, bức tranh bán lẻ điện máy đang rất “sáng”.

Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của Nielsen cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm điện thoại, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng đang ngày càng tăng lên, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ điện máy.

Dẫn chứng với ngành hàng điện thoại, tỷ lệ người sử dụng smartphone đã tăng từ 30% trong năm 2012 lên 52% trong năm 2014. Dự kiến trong vòng 2 năm tới việc lựa chọn sử dụng sản phẩm này sẽ còn tiếp tục tăng đến 22%.

Với ngành điện tử, điện lạnh và điện gia dụng, các dòng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ lên ngôi khi người tiêu dùng ưu tiên sử dụng. Có tới 91% cho rằng ưu tiên các sản phẩm công nghệ, ví dụ như dòng sản phẩm ti vi 4K có tới 79% người tiêu dùng muốn mua.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhiều nhà bán lẻ điện máy đã cung cấp ra thị trường những sản phẩm phù hợp nhu cầu. Theo ông Vũ, lượng tiêu thụ ti vi 4K tại MediaMart tăng mạnh, đã giúp doanh thu tăng đáng kể.

Xu hướng thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc tạo giá trị gia tăng của sản phẩm đang là cách mà DN bán lẻ điện máy khai thác để mang lại lợi nhuận cao nhất.

Ông Tô Chính Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Chiến lược và Marketing Hệ thống siêu thị điện máy HC, nói với phóng viên rằng nhu cầu toàn ngành điện máy vẫn ở mức 20%/năm. Đặc biệt, một số ngành như thiết bị di động tăng trưởng lên tới trên 40%.

Vị lãnh đạo của MediaMart cũng nhìn nhận, tiềm năng thị trường điện máy đang mở ra cơ hội cho tất cả các DN.

Tuy nhiên, đây là cuộc chơi khốc liệt, nên miếng bánh ngon chỉ dành cho những DN chiếm được thị phần tốt nhất, có chiến lược kinh doanh tốt. Vì khi nắm được thị phần và có uy tín nhất định, DN mới có thể kiểm soát được cả nhà cung cấp và hoạt động bán ra.

“Cuộc đua của các nhà bán lẻ điện máy là cuộc cạnh tranh về thị phần. Khi có được thị phần tốt, DN có thể đàm phán với hãng để đưa ra các mức hỗ trợ khác nhau. Nhiều đơn vị bán lẻ đưa ra mức giá bán rất rẻ, nhưng lợi nhuận vẫn cao nhờ thị phần tốt nên có lợi thế để đàm phán và được hãng hỗ trợ”, ông Vũ cho biết.

Cùng quan điểm, ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing của Trần Anh cũng cho rằng sức mạnh của DN bán lẻ điện máy cũng sẽ nằm ở doanh số. Khi doanh số lớn, độ phủ rộng thì sẽ quyết định đến sự hỗ trợ của nhà sản xuất đối với các nhà bán lẻ.

Theo vị lãnh đạo của HC, quy luật chung của thị trường điện máy là không bao giờ phát triển thấp hơn 2 lần GDP. Do đó, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn được dự báo tăng trưởng từ 6 – 7% trong giai đoạn 2015 – 2020, thì sức mua với điện máy vẫn sẽ dao động quanh mức 20% cho 5 năm tới.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên