MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành da giày: Cơ hội lớn nhưng hưởng lợi không nhiều

Năm 2015 được coi là một năm có nhiều đột phá đối với ngành da giày với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như EU, Mỹ, ASEAN... đã được kí kết và chuẩn bị kết thúc đàm phán. Mặc dù cơ hội là rất lớn nhưng khả năng hưởng lợi của các DN vẫn còn hạn chế.

Trong các Hiệp định thương mại tự do đã và đang được đàm phán, Hiệp định được các DN da giày mong chờ nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Năm 2015, dự kiến sản lượng XK của ngành da giày sẽ tăng trưởng mạnh với lượng đơn hàng khá dồi dào. Hiện các DN da giày tại TP.HCM đã có đơn hàng đến hết quý II. Tuy nhiên, theo các DN, sản lượng tăng nhưng kim ngạch XK của ngành da giày trong năm 2015 dự kiến sẽ không tăng nhiều do giá XK không tăng, cùng với việc tăng chi phí đầu vào khiến cho các DN XK da giày sẽ còn gặp không ít khó khăn.

Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư kí Hội Da giày TP.HCM, phần lớn các DN da giày còn mơ hồ về TPP, với tâm lí Hiệp định vẫn còn đang trong quá trình đàm phán nên các DN chưa thực sự quan tâm.

Mới chỉ có một số ít DN có tiềm lực mạnh đã có những động thái đón đầu cơ hội như đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu như Công ty Giày Gia Định, Công ty Việt Á Châu, Công ty Đông Hưng... tuy nhiên số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy một số DN đã có sự chủ động hơn về nguồn nguyên phụ liệu nhưng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước cũng chỉ là các loại nguyên phụ liệu đơn giản như đế giày, khoen, khuy, khóa, lót giày, thùng carton... còn nguyên  liệu chính là da và nguyên liệu giả da thì vẫn phụ thuộc phần lớn vào NK. Hiện nay cả nước cũng đã có khoảng 10 DN thuộc da nhưng cũng mới chỉ đáp ứng cho hàng sản xuất phục vụ thị trường nội địa và XK tại chỗ.

Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Khánh, đầu tư vào ngành thuộc da Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn do các DN Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, không đủ sức đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc chưa có các tiêu chuẩn rõ ràng về chất thải cũng đang hạn chế sự phát triển của ngành thuộc da. Đây cũng là lí do khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này dù đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng và đang được Việt Nam khuyến khích.

Là một trong số ít các DN tích cực chuẩn bị đón đầu TPP, Công ty Giày Gia Định đã sớm đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hiện DN này cũng đang tiếp tục đầu tư một cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu tại tỉnh Bình Dương dự kiến đến tháng 4-2015 có thể đi vào khai thác. Ông Nguyễn Chí Trung, Tổng giám đốc Công ty Giày Gia Định cho biết, cụm công nghiệp này đi vào hoạt động không chỉ giúp Công ty nâng cao hơn nữa tỉ lệ nội địa hóa (hiện nay tỉ lệ nội địa hóa là 60%) để đáp ứng được yêu cầu của TPP mà còn cung cấp được một số lượng lớn nguyên phụ liệu cho các DN khác trong ngành.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, “việc đón đầu hội nhập đã được chúng tôi chuẩn bị từ lâu. Với chủ trương mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ, trong những năm gần đây chúng tôi đã tăng cường các hoạt động tiếp thị, tiếp xúc khách hàng, mở rộng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị... để nâng cao năng lực sản xuất. Với nhiều nỗ lực, trong năm 2014, chúng tôi đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu XK 20% so với năm 2013. Đặc biệt, trong năm 2014 chúng tôi cũng đã bước đầu chuyển hướng được thị trường XK. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2014  chúng tôi mới chỉ có 30% đơn hàng XK từ thị trường Mỹ thì đến 6 tháng cuối năm 2014 đơn hàng XK vào Mỹ đã chiếm 50%. Sang năm 2015, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 15% đến 20% so với năm 2014, trong đó có 70% đơn hàng XK vào thị trường Mỹ”

Theo ông Nguyễn Chí Trung, khó khăn lớn nhất của các DN da giày khi đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu là về tài chính. Hiện nay hầu như các DN vẫn phải “tự bơi” do chưa có chính sách ưu đãi cho DN đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Mặc dù Chính phủ và Bộ Công Thương khuyến khích các DN đầu tư để đón đầu hội nhập nhưng muốn đầu tư được thì các DN phải được ưu đãi về lãi suất vì đây là vốn vay trung dài hạn. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế  để tạo điều kiện cho các DN đầu tư.

Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Văn Khánh cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ cho XK da giày hiện nay mới chỉ tập trung vào giải quyết phần ngọn là tiêu thụ sản phẩm, còn phần gốc là nguyên phụ liệu và công tác đào tạo thì lại chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Bùi Hồng Hòa, Giám đốc Công ty Giầy da Phương Quỳnh:

Các DN da giày nội địa sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, còn nếu đưa đi XK thì mới chỉ dưới dạng hàng gia công. Hơn nữa, các DN nước ta chưa đủ khả năng để có thể tự tạo thành những chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chủ yếu vẫn phải NK, đặc biệt là NK từ Trung Quốc. Điều đáng nói, việc NK nguyên phụ liệu hiện nay rất thuận lợi, nếu DN mình tự làm mà không cẩn thận, có khi không đẹp, không nhanh và không rẻ hơn hàng NK. Đây là vấn đề lớn khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Để tạo dựng được thương hiệu và phát triển bền vững, các DN nhỏ cần nhiều thời gian và nguồn lực tài chính hơn. Trước tình hình này, giầy da Phương Quỳnh đang vừa sản xuất dưới tên thương hiệu của mình, vừa làm gia công cho các thương hiệu uy tín khác.

Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phong Châu:

Trước yêu cầu của hội nhập, Công ty đã cố gắng đáp ứng khoảng 70% nguyên phụ liệu nội địa. Việc chủ động về nguồn nguyên phụ liệu trong nước không chỉ giúp tăng doanh thu cho DN mà còn giúp giao thương được nhanh chóng, thuận lợi. Hiện công ty đang tập trung vào các thị trường chiếm ưu thế như các nước trong khối TPP, Đông Nam Á và một số lượng ít sang Trung Quốc.

Đối với thị trường trong nước thì công ty chưa thực sự chú trọng vì thiếu nguồn vốn, hệ thống phân phối và vấn đề bản quyền còn yếu kém. Nhiều sản phẩm bán trong nội địa bị chính Trung Quốc nhái lại, bán với giá rẻ hơn. Còn nếu DN muốn sản xuất cho phân khúc cao hơn thì cần đầu tư bài bản.

Việc mở rộng các Hiệp định thương mại với thuế suất giảm nhưng lại mở ra những rào cản phi thuế quan. Phong Châu là DN đã có kinh nghiệm lâu năm, nắm được yêu cầu của từng thị trường nên không gặp nhiều khó khăn về vấn đề này. Tuy nhiên, nước ta lại chưa có nhiều trung tâm kiểm định, giám định chất lượng sản phẩm da giày đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Hiệp hội da giày Việt Nam đã có dự án giúp DN cập nhật thông tin, chuẩn hóa về hàm lượng hóa chất trên sản phẩm da giày theo quy định quốc tế.

Hương Dịu (ghi)

>>>Da giày Việt Nam: Cơ hội vàng từ các hiệp định thương mại

Theo Nguyễn Huế

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên