Ngành dệt may: Chủ động vào sân chơi mới
Những vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra và ngành dệt may Việt Nam hy vọng sẽ có bước đột phá lớn.
Các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam cũng đã lên kế hoạch để thâm nhập vào sân chơi mới đầy tiềm năng mà cũng nhiều thách thức này.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may hiện là một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước với 4.000 doanh nghiệp, doanh thu đạt 20 tỷ USD/năm, chiếm 15% GDP và hiện Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản.
Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh và tăng liên tục. Chỉ trong vòng 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã tăng hơn gấp 2 lần, đạt 217,6% .
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của TPP thì lợi ích từ việc xuất khẩu vô cùng lớn. Điều đáng nói là nếu gia nhập thị trường TPP, ngành dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, dự kiến từ 8,6 tỷ USD năm 2013 sẽ tăng lên khoảng hơn 20 tỷ USD trước năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam- vấn đề hiện tại là ngành dệt may Việt Nam còn đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Rất nhiều các nguồn nguyên liệu đầu vào xuất xứ từ các nước không nằm trong sân chơi TPP, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Do vậy, muốn phát triển nguồn nguyên, phụ liệu trong nước đòi hỏi sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong ngành. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm nhập siêu...
Để vượt qua được những rào cản và đón bắt những cơ hội mà TPP mang lại, các doanh nghiệp dệt may đã ý thức rõ được hướng đi và đã có lộ trình riêng của mình.
Đối với khu vực doanh nghiệp FDI, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... tiếp tục mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Dù không có trong những nước tham gia đàm phán TPP nhưng nhiều doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm của Trung Quốc cũng tận dụng TPP, đầu tư nhiều nhà máy dệt nhuộm lớn tại Việt Nam...
Là công ty chuyên sản xuất - kinh doanh vải, tất cả các sản phẩm vải của Công ty cổ phần TCE Vina Denim (Hàn Quốc) sản xuất lại đều sử dụng nguyên liệu sợi được sản xuất tại Việt Nam. Do đó, điều kiện về nguyên tắc xuất xứ hàng hóa không ảnh hưởng tới việc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu vào các nước trong TPP. Ngược lại, nếu Việt Nam đàm phán thành công và trở thành thành viên trong TPP, khi đó, thuế suất 0% sẽ là một cú hích lớn cho cơ hội nhận thêm nhiều đơn hàng từ thị trường TPP.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ đầu tư 17.000 tỷ đồng trong hai năm (2013-2014) cho các dự án phát triển nguyên phụ liệu cho ngành may mặc bao gồm quy hoạch phát triển vùng trồng bông, kéo sợi, dệt và nhuộm vải thành phẩm, sản xuất phụ liệu cho ngành may. Bên cạnh đó,Vinatex còn rất chú trọng vào khâu đào tạo nguồn nhân lực cấp trung và cấp cao để đảm bảo sự ổn định của nguồn lao động.