Ngành đường và 'chiếc áo' bảo hộ
Ngành mía đường đi vào con đường trì trệ, cạnh tranh “giẫm chân” nhau, nông dân thiệt thòi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ cần một chính sách mới để có thể cạnh tranh sòng phẳng với đường thế giới.
Nông dân “chết mòn”
Ông Nguyễn Quang Hợp, một nông dân trồng mía lớn ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành (Tây Ninh), đem đến hội nghị về nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành đường hôm qua lời phàn nàn, nông dân trồng mía đang “chết mòn” vì chính sách của các nhà máy.
Theo ông, ngành mía đường của ta không thể cạnh tranh được với Thái Lan vì giá thành cao, thậm chí cũng khó cạnh tranh với đường của Campuchia.
“Chính sách của nhà máy đang khiến nông dân chết dần chết mòn. Có nơi diện tích cây mía đang giảm 40%, nông dân đang quay lưng với mía. Nhà máy nên quan tâm, phân chia lợi nhuận cho nông dân. Chứ trồng một héc - ta, cả năm trời mới thu được mười mấy triệu, sao mà làm được”- ông Hợp nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Liêm, Chủ tịch, Tổng giám đốc Cty CP Đường Khánh Hòa, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng thừa nhận “lãnh đạo các nhà máy cần suy nghĩ lại”. “Chúng ta có ăn cắp của nông dân vì chữ đường không? Vì sao nông dân không còn hứng thú”- ông Liêm nói.
Còn Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn - ông Lê Văn Tam cũng cảnh báo rằng, mía đường giúp nông dân hưởng lợi, nhưng chính họ cũng có thể quay lưng lại với ngành đường. “Hiệp hội Mía đường Việt Nam mà không có ai đại diện, nói lên tiếng nói của nông dân thì không thể làm được” ông Tam nói.
Trong khi đó, nội bộ ngành đường cũng thừa nhận đang “lục đục”. Ông Đỗ Thanh Liêm cho rằng, cần một nghị định để “dẹp loạn” trong ngành. Cuộc chơi này nếu không chỉnh đốn lại, một số nhà máy đường sẽ teo tóp.
Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ nói rằng: “Trong mối quan hệ nông dân với nhà máy, nông dân thiệt thòi nhiều hơn. Rất nhiều nhà máy “chơi bài chữ đường” với nông dân. Thậm chí, giữa nhà máy với nhà máy tranh mua, tranh bán. Chính chúng ta chơi chúng ta chứ ai”.
“Chiếc áo” bảo hộ lớn cỡ nào?
Không ít ý kiến cho rằng, thời gian qua, ngành mía đường đang khoác chiếc áo bảo hộ. Theo ông Đỗ Thanh Liêm, Việt Nam đang có bảo hộ, nhưng không cao hơn so với Mỹ, EU, thậm chí như Thái Lan… “Chúng ta trước đây mở cửa he hé, nhưng sau mở toang cho đường lậu với trên 500 nghìn tấn mỗi năm”- ông Liêm nói.
Theo lãnh đạo Cty CP Đường Khánh Hòa, ngành mía đường không sống vì bảo hộ, mà thực ra đang khốn đốn vì chính sách xuất nhập khẩu. Ông Liêm nói: “Người ta không sợ chết vì yếu kém. Mà yếu kém chết là đúng. Có những năm, đường sản xuất dư thừa, xin Bộ Công Thương xuất khẩu tiểu ngạch giải quyết tồn kho cho DN, bộ này không cho. Bộ Công Thương còn bảo để đường cho các nhà sản xuất trong nước. Cuối cùng bị lỗ. Nhưng bên cạnh đó, Bộ Công Thương lại cấp giấy phép tạm nhập tái xuất mấy chục tấn. Những cái đó, làm suy kiệt bà con nông dân trồng mía”.
Ông Phạm Quốc Doanh cũng không đồng tình việc nhập khẩu đường trong hạn ngạch theo cơ chế xin cho của Bộ Công Thương thời gian qua. Theo ông, Luật Thương mại, nghị định cũng có quy định, việc nhập đường theo hạn ngạch phi thuế quan đó phải đấu thầu. “Tôi được biết, năm 2014, nếu nhập được 1.000 tấn đường, sẽ lãi được 1 tỷ đồng. Ai chả thích. Tôi biết có doanh nghiệp được cấp 5.000 tấn, được lãi 5 tỷ đồng, sướng hơn vật lộn với nhà máy, nông dân mới lãi được 1 tỷ”- ông Doanh nói.
Theo Phạm Anh
Tiền Phong