Ngành thanh tra và 5 thành tích nổi bật
Trong 5 năm qua, ngành thanh tra đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được giao. Tuy nhiên, soi rọi kỹ cho thấy nhiều vấn đề nổi cộm đang đặt ra, đòi hỏi ngành phải tích cực hơn nữa mới có thể đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
- 25-01-2016Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm tại 7 đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB-XH
- 25-01-2016Không có chuyện Ngân hàng Nhà nước thanh tra Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
- 20-01-2016Đề xuất kỷ luật 8 cán bộ thanh tra trong vụ nhà 8B Lê Trực
Thẳng thắn nhìn lại nhiệm kỳ của mình, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã có cuộc trao đổi cởi mở với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xung quanh những vấn đề “nóng” của ngành mà ông làm “tư lệnh”.
5 thành tích nổi bật của ngành thanh tra
Thưa Tổng Thanh tra, ông đánh giá như thế nào về những thành tích nổi bật mà ngành thanh tra đạt được trong nhiệm kỳ 2011-2015?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trong nhiệm kỳ qua, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã có nhiều đổi mới, nỗ lực, phấn đấu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, với những thành tích nổi bật sau:
Thứ nhất, từng bước đổi mới công tác thanh tra theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội và thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực. Chất lượng kết luận các cuộc thanh tra được nâng lên, các kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi hơn.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm trên 265.000 tỉ đồng, gần 320.000 ha đất; đã kiến nghị thu hồi trên 135.000 tỉ đồng, 25.000 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính gần 39.000 tỉ đồng; xử lý khác gần 130.000 tỉ đồng, 294.000 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 7.738 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 351 vụ, 397 đối tượng.
So với nhiệm kỳ trước thì kết quả thanh tra phát hiện vi phạm về tiền tăng gấp 3,5 lần; xử lý vi phạm đối với cá nhân tăng gấp 2 lần; xử lý sau thanh tra và thu hồi tài sản tham nhũng tăng tỉ lệ thực hiện từ 50% lên 70%.
Thứ hai, ngành thanh tra vừa làm tốt vai trò tham mưu; vừa chủ động hướng dẫn các ngành, các cấp và giúp thủ trưởng các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong nhiệm kỳ đã tiếp trên 1,9 triệu lượt công dân, trên 23.000 lượt đoàn đông người, tiếp nhận gần 690.000 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết trên 218.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86%. Qua đó đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 2.353 tỉ đồng, 1.295 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 3.171 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 194 vụ, 448 người.
Điểm nổi bật nhất là Thanh tra Chính phủ ban hành 2 kế hoạch (1130, 2100) để hướng dẫn, phối hợp các ngành, các cấp kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đã giải quyết 514/528 vụ việc theo Kế hoạch 1130, đạt 97,3%; kiểm tra, rà soát 503 vụ việc theo Kế hoạch 2100, qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần làm giảm bớt khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương và giảm tình hình khiếu kiện phức tạp ở nhiều địa phương.
Thứ ba, ngành thanh tra vừa thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, vừa hướng dẫn các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, vừa tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng.
Nhận thức về pháp luật phòng, chống tham nhũng được nâng lên; nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện và phát huy tác dụng tích cực, trong đó tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước được nâng lên rõ rệt, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được ban hành. Các hoạt động về hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng gắn với thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng được mở rộng, tăng cường.
Điểm nổi bật là qua thanh tra đã phát hiện 415 vụ, 705 người có dấu hiệu tham nhũng với số tiền 786 tỉ đồng, 10 ha đất; kiến nghị thu hồi 756 tỉ đồng, 6,3 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 26 tập thể, 632 cá nhân, xử lý trách nhiệm 168 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 167 vụ, 273 đối tượng; so với nhiệm kỳ trước thì kết quả phát hiện tham nhũng tăng rõ rệt.
Thứ tư, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đặc biệt chú trọng và tăng cường hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành nhằm tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, cũng như trong tổ chức và hoạt động của ngành.
Trong đó, đã trình Quốc hội thông qua 4 luật; trình Chính phủ ban hành 14 nghị định, một chương trình hành động; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định, 2 chỉ thị, 2 đề án; ban hành 33 thông tư, thông tư liên tịch, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ công tác ngành thanh tra.
Thanh tra Chính phủ đã xây dựng ban hành rất nhiều Thông tư hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ trong ngành thanh tra. Điểm nổi bật là Thanh tra Chính phủ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tạo lập cơ sở cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra trong tương lai.
Thứ năm, công tác tổ chức cán bộ và xây dựng ngành thanh tra tiếp tục được quan tâm đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, tổ chức, bộ máy của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương được quan tâm củng cố, kiện toàn.
Vấn đề kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành được siết chặt; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp thanh tra, tiêu chuẩn về các chức danh thanh tra, trang phục thanh tra được thiết lập và đưa vào áp dụng.
Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI), đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng cơ quan, đơn vị thanh tra ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Có thể nói hoạt động của ngành thanh tra trong 5 năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, vai trò, vị thế của thanh tra được nâng lên, góp phần vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào ngành thanh tra ngày càng được củng cố, tăng cường.
Ghi nhận thành tích đó, ngành thanh tra vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, đánh dấu cho bước trưởng thành, lớn mạnh của ngành, tiếp tục viết thêm những trang sử vàng của ngành Thanh tra Việt Nam trong quá trình 70 năm hình thành và phát triển.