MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thủy sản được lợi gì từ FTA Việt Nam - EU?

Việc cắt giảm mạnh thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp cho xuất khẩu thủy hải sản sang EU rộng cửa hơn vào thị trường này.

Nội dung nổi bật:

- Thủy sản được EU xem là mặt hàng nhạy cảm và một số mã hàng bị áp hạn ngạch theo cam kết trong Hiệp định FTA Việt Nam - EU. Song VASEP vẫn nhận định đây là lợi thế cho ngành khi lượng hàng bị áp hạn ngạch được hưởng thuế 0%.

- Hiện có 461 DN thủy sản Việt Nam đủ điều kiện được cấp phép xuất khẩu vào EU, chỉ đứng sau Trung Quốc. Do đó, FTA với EU được nhận định sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành mở rộng thị phần tại EU.

- Tuy nhiên, những tiêu chuẩn trong FTA không chỉ là chất lượng sản phẩm, mà còn là những yêu cầu khắt khe với DN nên đây sẽ là thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam.


Ông Jean-Jacques Bouflet, trưởng bộ phận thương mại EU tại Việt Nam nói tại cuộc họp báo của Văn phòng EU tại Việt Nam vào ngày 5/8 rằng: Thủy sản là một trong những mặt hàng nằm trong diện “nhạy cảm” của EU.

Áp hạn ngạch càng có lợi

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các sản phẩm thủy sản xuất khẩu lại gặp khó ở thị trường này. Bởi mức thuế quan đối với thủy sản sẽ được dỡ bỏ dần trong vòng 7 năm. Chỉ một số mã nhạy cảm sẽ bị áp hạn ngạch (quota) với thuế suất 0%. Lượng nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ chịu mức thuế suất theo quy định.

Ông Bouflet cho biết với lĩnh vực thủy sản, quota nhập khẩu chỉ áp cho sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Riêng với sản phẩm cá da trơn sẽ không bị áp hạn ngạch mà được cắt giảm thuế quan theo lộ trình.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản sang EU trong 6 tháng đầu năm

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), nói với phóng viên rằng ngay cả khi EU áp hạn ngạch thì đây cũng là cơ hội cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Cũng bởi, ngoài lượng hàng xuất khẩu chịu mức thuế theo quy định, sẽ có một lượng hàng nhất định xuất theo hạn ngạch sẽ được hưởng thuế suất 0%. Đây chính là cơ hội cho DN thủy sản tận dụng ưu đãi giảm thuế để giảm giá bán sản phẩm trên thị trường.

“Việc ký kết với EU cũng là bước tiến đáng kể vì các đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản với Việt Nam chưa có FTA với EU. Do đó, Hiệp định này sẽ tạo ra lợi thế cho DN thủy sản Việt Nam”, ông Hòe đánh giá.

Theo đại diện của VASEP, Việt Nam đang là nước có số DN có đủ điều kiện được cấp phép xuất khẩu vào châu Âu là nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc. Hiện có khoảng hơn 461 DN đã đủ điều kiện vào EU (chiếm 75%).

Do đó, ông Hòe đánh giá, nếu so sánh với các nước xuất khẩu mạnh thì Việt Nam có số lượng DN đủ lớn để xuất khẩu vào EU. Đây là điều kiện căn bản để ngành thủy sản tận dụng lợi thế từ hiệp định này.

Không chỉ là bài toán sản phẩm

Xuất khẩu thủy sản sang EU đã đạt bước tăng trưởng khá tích cực khi các DN ngày càng đáp ứng được yêu cầu của EU về an toàn thực phẩm. Do đó, DN thủy sản đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ EU.

Với mức thuế suất thấp hơn 3,5% so với mức thuế thông thường trong GSP, đã có tới 80% hàng thủy sản tận dụng ưu đãi GSP.

Theo tính toán của Mutrap, việc tận dụng ưu đãi GSP có thể giúp ngành tăng thị phần từ 9,89% lên 19,01% tại EU.

Ông Bouflet cho biết, ngay cả khi FTA có hiệu lực thì các ngành đang được hưởng GSP vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi này. Đồng thời, các DN có quyền lựa chọn mức ưu đãi cao nhất cho sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo VASEP thì sẽ không dễ dàng để DN tận dụng được mức ưu đãi thuế trong FTA, khi EU đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, không chỉ với sản phẩm mà với cả DN.

Vị đại diện của VASEP chỉ ra, những tiêu chuẩn về sản phẩm như yêu cầu về chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, chất lượng, an toàn thực phẩm; các tiêu chuẩn với DN như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, sử dụng lao động...

“Những yêu cầu đặt ra không chỉ là an toàn thực phẩm nói chung, mà còn liên quan đến các vấn đề như chu trình sản xuất, trách nhiệm của DN. Đây là những thách thức với các DN thủy sản”, ông Hòe đánh giá.

Ông Bouflet cho biết, những yêu cầu về đánh bắt thủy hải sản sẽ nghiêm ngặt hơn, nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên. Các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội của DN cũng cao hơn, đảm bảo DN phải tuân thủ và bình đẳng trong cuộc chơi.

Theo số liệu từ VASEP, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu sang EU giảm ở hầu hết các mặt hàng. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 551,2 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do tác động của tỷ giá.

Tuy nhiên, tiềm năng thị trường EU vẫn rất lớn, khi nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản ngày càng tăng. Đặc biệt, từ mức thuế 10,8%, FTA với EU có thể giúp ngành thủy sản tăng thêm thị phần so với việc tận dụng ưu đãi từ GSP khi thuế về 0%.

Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, cùng với việc hoàn thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm, DN cần phải chú trọng nhiều hơn đến vấn đề liên kết giữa sản xuất, chế biến, giữa các DN với nhau để tận dụng cơ hội thị trường.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên