Nghệ An: Thu thuế về đích trước một tháng, xin cứu đói 4.200 tấn gạo
Các tỉnh đang xin gạo cứu đói đồng thời cũng báo cáo một bức tranh kinh tế xã hội thật tươi sáng!
Theo tin tức hồi cuối tuần trước, 11 tỉnh ở miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã xin Bộ Lao động và Thương binh Xã hội hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên Đán và giáp hạt 2014. Các tỉnh này gồm: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Kom Tum.
Người viết đã thử thu thập một số số liệu về tình hình kinh tế, xã hội của các địa phương này, để xem những tỉnh này khó khăn đến đâu. Hóa ra, những con số thu thập do các địa phương tự báo cáo lại thể hiện một bức tranh vô cùng tươi sáng về tình hình chung của địa phương và đời sống của người dân.
Các nét sáng trong bức tranh được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ đói nghèo, và sản lượng lương thực.
Về chỉ tiêuthu ngân sách, trong 10 tỉnh có số liệu, trừ Ninh Bình và Kon Tum không đạt được như kế hoạch đề ra (Ninh Bình 93% dự toán, Kon Tum 88% dự toán) thì 8 tỉnh còn lại đều đạt hoặc vượt con số thu ngân sách Trung Ương giao.
Ví dụ Lào Cai vượt 50,6%; Lai Châu vượt 35%; Bình Thuận vượt 10,7%; Nghệ An vượt 8%; Phú Yên vượt 4,15% so với kế hoạch của tỉnh (vượt 37,4% KH TW giao); Yên Bái vượt 2% tỉnh giao (vượt 23% TW giao); Ninh Thuận vượt 5,1% và Quảng Bình vượt không đáng kể so với dự toán của tỉnh.
Tỉnh xin cứu đói nhiều nhất là Nghệ An (4.200 tấn gạo). Trùng hợp là, mới đây trên website của Bộ Tài Chính có bài tuyên dương “Cục thuế Nghệ An: Về đích trước 1 tháng” với nội dung đến tháng hết tháng 11/2013, số thu NSNN tỉnh này đã vượt dự toán.
Ngoài ra, những tỉnh này đều đạt đượctốc độ tăng trưởng kinh tếkhá nhanh trong năm vừa qua. Chẳng hạn, Lai Châu đạt 14,1%; Phú Yên 12,5%; Kon Tum 12,4%; Yên Bái 10,51% (đứng thứ 4 toàn vùng Tây Bắc); Ninh Thuận 10,5%; Ninh Bình 10,02%, Bình Thuận: 8,6%; Nghệ An 7%...
Tỷ lệ hộ đói nghèo của 11 tỉnh đều giảm khá nhiều trong năm 2013, trung bình từ 2% đến trên 5%. Điển hình như Lào Cai báo cáo giảm 5,3% số hộ nghèo (kế hoạch là 5%), Yên Bái giảm 3,85% (vượt kế hoạch 0,35%), Quảng Bình giảm 3,5%; Phú Yên giảm 2,66%; Ninh Thuận giảm 2,01% (kế hoạch 2%) ...
Cùng với đó thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Trong đó phải kể đến Yên Bái, mức thu nhập bình quân/người tăng 3,5 triệu đồng so với 2012, đạt mức 20,14 triệu. Quảng Bình cũng vượt 3 triệu đạt 22,5 triệu. Lào Cai tại thời điểm 8 tháng đầu năm ước đạt thu nhập bình quân trên người là 24,9 triệu đồng. Ngoài ra, Nghệ An đạt 23,57 triệu đồng (tăng 2,35 triệu đồng/ người); Ninh Thuận 23,5 triệu; Lai Châu 14,5 triệu tăng 2,3 triệu đồng so với năm trước…
Xét yếu tố gần gũi hơn quyết định đến việc gạo ăn Tết là tổng sản phẩm lương thựccủa các tỉnh này. Trên báo Yên Bái có viết: “Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 282,97 ngàn tấn, tăng 9.570 tấn so với năm 2012, vượt kế hoạch 10,3% và là tỉnh có tổng sản lượng lương thực đứng thứ 5 trong vùng”. Sản lượng lương thực có hạt ở Lào Cai 101,2% kế hoạch.
Hay như Nghệ An, dù sản xuất nông nghiệp gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 1.178.614 tấn, tăng 0,6% cùng kỳ. Quảng Bình cũng là tỉnh gặp khó khăn về thiên tai nhưng sản lượng lương thực vượt kế hoạch 1,5% (kế hoạch 27 vạn tấn) … Xem ra, lương thực ở các địa phương này tương đối dồi dào.
Nhìn chung, qua những báo cáo của các địa phương đều thể hiện chiều hướng đi lên tích cực, đạt được những bước phát triển nhảy vọt trên cả mặt kinh tế và xã hội. Thế nên, năm hết Tết đến vẫn phải ngửa tay xin gạo cứu đói cho dân âu cũng là điều khó hiểu.
Có lẽ phải xem lại tính trung thực của các báo cáo tươi sáng kể trên, cũng như hiệu quả cách thức tổ chức và quản lý ở những địa phương này.
Theo Hải Thanh