Nghị định mới về PPP: “Không có chuyện độc quyền nhà nước chuyển sang độc quyền tư nhân”
Theo ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc nhà nước nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, dịch vụ công cho nhà đầu tư tư nhân sẽ phải dựa trên cơ sở những điều kiện kiểm soát hết sức chặt chẽ. Do vậy, không cần lo lắng độc quyền nhà nước chuyển sang độc quyền tư nhân.
- 17-03-2015Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP
- 06-03-2015Tại sao tư nhân lại trông đợi ở PPP?
- 05-03-2015Nghị định PPP: Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án
Tóm tắt:
- Theo ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước khi ban hành Nghị định 15/2015/ND-CP, Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp lý quy định về đầu tư.
- Nếu như trước đây chỉ có các dạng hợp đồng cơ bản như BOT, BTO và BT thì Nghị định mới có thêm các loại hợp đồng khác như BOO, O&M, BLT, BTL…
- Việc nhà nước nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, dịch vụ công cho nhà đầu tư tư nhân sẽ phải dựa trên cơ sở những điều kiện kiểm soát hết sức chặt chẽ. Do vậy, không cần lo lắng độc quyền nhà nước chuyển sang độc quyền tư nhân.
- Một điểm mới trong quy định về lĩnh vực đầu tư của Nghị định mới này chính là thu hút đầu tư tư nhân vào các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Sáng nay (25/3), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị giới thiệu Nghị định 15/2015/ND-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/ND-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Trong phần giới thiệu Nghị định 15/2015/ND-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước khi ban hành Nghị định 15/2015/ND-CP, Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp lý quy định về đầu tư.
Ở nước ta, ngay từ thời bao cấp, tinh thần hợp tác công tư với quan điểm nhà nước và nhân dân cùng làm đã tồn tại từ rất lâu. Từ năm 1993, Chính phủ đã có văn bản đầu tiên ban hành chính sách về hình thức đầu tư BOT áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Không có chuyện độc quyền nhà nước chuyển sang độc quyền tư nhân
Theo ông Hoàng Mạnh Phương, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) không chỉ gồm các hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT… Các hình thức hợp đồng trong Nghị định mới đã được quy định cụ thể hơn.
Nếu như trước đây chỉ có các dạng hợp đồng cơ bản như BOT, BTO và BT thì Nghị định mới có thêm các loại hợp đồng khác như BOO, O&M, BLT, BTL… Ngoài ra, trên thực tế, nhà đầu tư có thể đề xuất các loại hợp đồng khác dựa trên các điều kiện quy định của Nghị định.
Tại Hội nghị, trả lời thắc mắc về việc liệu nhà nước có nhượng toàn bộ quyền khai thác, quản lý công trình, dịch vụ công cho nhà đầu tư tư nhân hay không? Có phải từ độc quyền nhà nước sẽ chuyển thành độc quyền tư nhân, ông Phương khẳng định, “Sẽ không có chuyện độc quyền nhà nước chuyển thành độc quyền tư nhân”.
Đây là nhà nước nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, dịch vụ công cho nhà đầu tư tư nhân nhưng trên cơ sở những điều kiện kiểm soát hết sức chặt chẽ. Mọi dịch vụ cung cấp của nhà đầu tư phải dựa trên quy định của nhà nước, do vậy sẽ không cần lo lắng về độc quyền tư nhân.
Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Ông Phương cho biết, theo quy định tại Nghị định số 15/2015/ND-CP, các lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) khá đa dạng, bao gồm:
-Công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ có liên quan.
-Hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nghĩa trang
-Nhà máy điện, đường dây tải điện
-Công trình kết cấu hạ tầng y tết, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và các dịch vụ liên quan, trụ sở của cơ quan nhà nước
-Công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin tập trung.
Đặc biệt, theo ông Phương, một điểm mới trong quy định về lĩnh vực đầu tư của Nghị định mới này chính là thu hút đầu tư tư nhân vào các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Quy định mới về sử dụng vốn nhà nước cho các dự án PPP
Tại hội nghị, ông Hoàng Mạnh Phương cho biết, theo quy định tại Nghị định 15, đầu mối quản lý hoạt động về PPP chính là ban chỉ đạo về PPP được thành lập và hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng quy định, nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư gồm: vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ và các nguồn vốn khác.
Về sử dụng vốn nhà nước đầu tư cho các dự án PPP, ông Phương cho biết, trước đây theo Nghị định 108 quy định chỉ sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, giải phóng mặt bằng và bồi thường tái định cư.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định PPP, nhà nước có thể góp vốn đễ hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, những khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận; hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Bên cạnh đó, do thời gian của các dự án PPP đều kéo dài từ 20-30 năm nên việc đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các dự án là vô cùng khó khăn. Do đó, Nghị định cũng quy định, các dự án được xem xét bảo đảm cân đối ngoại tệ gồm: dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc chương trình đầu tư của Chính phủ và các dự án quan trọng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyệt Quế