MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài thuế - phí, còn 2 lý do nữa khiến doanh nghiệp Việt không lớn nổi mà ngày càng “bé li ti”

Theo TS. Võ Trí Thành, môi trường kinh doanh mà thuế - phí chiếm phần lớn chỉ là 1 trong 3 lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
110 bài viết

Doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được và đang bị “li ti hóa”, sẽ khó để bắt được nhịp công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay”, chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành đưa ra nhận định tại Diễn đàn Hiệp định TPP – Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam sáng nay, 1/3.

Theo TS. Thành, các nghiên cứu hiện nay chỉ ra 3 lý do khiến doanh nghiệp Việt không lớn lên được về cả năng lực lẫn quy mô.

Thứ nhất, đó là nhóm vấn đề của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Vấn đề quyền tài sản; Bất bình đẳng trong cạnh tranh; và Khó tiếp cận các nhân tố sản xuất như lao động, công nghệ, vốn, đất đai… nhóm vấn đề này đã được đề cập tới trong báo cáo Việt Nam 2035 vừa được WB công bố.

Thứ 2 là vấn đề kết nối, học hỏi.

“Có một điều đáng buồn là chúng ta có 1 cách nhìn rất đối địch giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Cạnh tranh là có, chiến đấu là có, nhưng dù yêu, dù ghét cũng phải bắt tay để học hỏi, kết nối, bởi họ là mạng, chuỗi, là công nghệ mới, tiêu chuẩn mới…”, ông Thành nói.

“Chúng ta không thể tách họ ra. Có phê phán hay nhìn họ với ánh mắt không thiện cảm cũng phải bắt tay họ. Cái bắt tay chưa chắc đã đem lại thành công, nhưng không bắt tay chắc chắn không thành công”.

Một tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) của Hàn Quốc đã rất thẳng thừng với doanh nghiệp Việt Nam khi nhắn nhủ rằng: Các bạn hãy mời các TNCs vào, cạnh tranh với các TNCs và để có thể chiến thắng các TNCs.

“Nếu nói tỷ trọng FDI trong nền kinh tế, một trong nền kinh tế có tỷ trọng FDI lớn nhất thế giới là Singapore. Người dân Singapore rất sướng và nước Singapore rất độc lập, tự chủ về kinh tế. Thành phố có tỷ trọng FDI lớn nhất thế giới là Dubai. Và kinh tế của họ rất phát triển”.

“Vấn đề là cách chơi thế nào, năng lực trong nước của chúng ta ra sao. Kinh nghiệm của đoàn đàm phán các FTA cho thấy: Đã học thì nên chơi với người tốt nhất”, ông Thành nhấn mạnh.

Lý do cuối cùng được nhắc đến mới là môi trường kinh doanh, với chi phí giao dịch và các loại thuế - phí của Việt Nam rất lớn.

“Tôi muốn nói rằng: Khó khăn, thách thức trong hội nhập là vô cùng lớn, nhưng chúng ta phải tự tin. Chưa chơi mà đã không tự tin thì chắc chắn là thua, nhưng cần phải tự tin có cơ sở”, ông Thành nhắn nhủ.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên