MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiệm kỳ Thủ tướng và 5 bài học sâu sắc

Thẳng thắn thừa nhận những hạn chế yếu kém trong nhiệm kỳ điều hành vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã rút ra những bài học sâu sắc trong công tác điều hành.

Tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ lớn trong nhiệm kỳ vừa qua mà Thủ tướng Chính phủ đã làm được. Đây là nền tảng giúp cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá cao, bảo đảm các cân đối lớn.

Theo đó, mặt bằng lãi suất duy trì mức ổn định, tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ được đảm bảo, góp phần giữ vững giá trị đồng tiền Việt Nam. Hoạt động thu chi ngân sách được quản lý để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Chi ngân sách được cơ cấu lại trong đó tập trung ưu tiên cho con người, an sinh xã hội, và đẩy mạnh huy động vốn ngoài Nhà nước.

Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gắn với hỗ trợ phù hợp đối tượng chính sách, người nghèo. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thủ tướng cũng cho biết, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đã đạt được kết quả bước đầu.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cũng trong nhiệm kỳ, Thủ tướng cho biết đã rất chú trọng phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước, xã hội; xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo cũng được tăng cường. Đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế…

Tuy nhiên, nhìn lại nhiệm kỳ Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém. Đó là năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.

Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao. Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. N

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng.

Ngoài ra, những hạn chế cũng được Thủ tướng nhìn nhận như: xây dựng và thực thi pháp luật, kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước; vấn đề thanh kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; vấn đề quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội….

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên nhân của những hạn chế là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau; công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu; Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội có mặt chưa phù hợp…

Từ đó, những bài học trong quản lý điều hành được người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận:

Thứ nhất, quán triệt, thể chế hóa kịp thời, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, bám sát chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Đặc biệt chú trọng đánh giá đúng tình hình, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời với diễn biến mới của tình hình.

Thứ ba, trong điều kiện khó khăn càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện nhất quán, thiết thực phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Thứ tư, cùng với phát triển kinh tế phải tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, phải thường xuyên tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương và phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên