Nhiều dự án lọc dầu… đủng đỉnh
Hàng loạt dự án dầu khí trọng điểm có nguy cơ chậm tiến độ nếu không quyết liệt đốc thúc triển khai
- 14-06-2015Sẽ thử áp bồn dầu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vào tháng 8
- 07-05-2015Gazprom đàm phán mua cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất
- 30-04-2015Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại đề nghị giảm thuế
Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí (ban chỉ đạo) vừa có báo cáo tình hình triển khai các dự án trọng điểm về dầu khí. Trong đó, báo cáo đề cập đến nguy cơ trễ tiến độ của nhiều dự án như: dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu miền Nam...
Nhiều lý do
Với dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), ban chỉ đạo cho rằng việc tiến hành đàm phán với Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) của Nga về thỏa thuận khung mua 49% cổ phần Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có nguy cơ bị kéo dài và khó hoàn thành trong thời gian hiệu lực của bản thỏa thuận là ngày 30-6-2015. Nguyên nhân là do kết quả định giá của hai bên còn nhiều khác biệt, đồng thời việc xử lý các khoản nợ của BSR tương đối phức tạp.
Về tiến độ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có vốn đầu tư 9,9 tỉ USD, ban chỉ đạo cho biết sau khi có bản điều chỉnh thì tiến độ tổng thể của dự án tính đến hết tháng 4-2015 đạt 44,79%, không chậm và bảo đảm hoàn thành trong 40 tháng (tính đến mốc hoàn thành cơ khí). Tuy nhiên, nếu đối chiếu với bản tiến độ gốc thì tính đến hết tháng 4-2015, dự án đã bị chậm hơn 5,5 tháng, chỉ đạt 44,79% so với kế hoạch.
“Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu do sự cố từ phía các công ty chế tạo, giao nhận thiết bị. Chẳng hạn một số nhà sản xuất Hàn Quốc như TSM, Wooyang bị phá sản, việc đình công tại Công ty Hyundai Heavy Industries, xưởng sản xuất của Posco Plantect tại Ulsan phải đóng cửa do khủng hoảng tài chính...” - đại diện ban chỉ đạo phân tích.
Ngoài ra, bản báo cáo cũng ghi nhận tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án chưa bảo đảm và yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa quyết liệt hơn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng toàn bộ khu C của dự án trước ngày 30-6.
Vướng mắc ở dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) có vốn đầu tư 2,7 tỉ USD lại nằm ở việc nhà đầu tư Qatar chưa tiến hành xong việc sáp nhập đối tác góp vốn QPI vào công ty mẹ là Tập đoàn QP.
Do đó, nhà đầu tư này vẫn chưa cử nhân sự tham gia ban lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn, dẫn đến công tác phê duyệt, thông qua các nghị quyết của hội đồng thành viên tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn chưa được thực hiện và có khả năng ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Lỡ cơ hội phát triển ngành hóa dầu
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng các dự án đều đóng vai trò quan trọng và có giá trị tiền đề trong chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020. Chính dựa trên những hiệu quả dự báo được của các dự án mà chiến lược được bổ sung thêm hàng loạt dự án khác như Vũng Rô (Phú Yên), Nam Vân Phong (Khánh Hòa)...
“Sự chậm trễ tiến độ các dự án lọc hóa dầu trước mắt chưa tác động nhiều đến những mục tiêu vĩ mô bởi hiệu quả của hầu hết dự án vẫn còn nằm trong phần đánh giá dự kiến. Tuy nhiên, đối với kỳ vọng phát triển ngành hóa dầu thì việc này khiến chúng ta đi chậm lại” - ông Ngãi nói.
Phân tích cụ thể, ông Ngãi cho rằng lợi nhuận chủ yếu của các nhà máy lọc hóa dầu không nằm ở phần lọc dầu với các sản phẩm xăng, dầu mà nằm ở phần hóa dầu như sản xuất ra nhựa đường, polyme… Việt Nam đang phải nhập nhựa đường, sợi để dệt vải và cả polyme để sản xuất đồ nhựa…, vì vậy cần có một số nhà máy lọc hóa dầu đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết. Nếu tiến độ chậm thì chắc chắn sẽ làm chậm quá trình phát triển ngành hóa dầu hiện còn rất non kém.
Các chuyên gia cũng cho rằng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện mới đáp ứng được một phần nhu cầu xăng, dầu trong nước. Do đó, triển khai thêm các dự án là cần thiết nhưng phải bảo đảm tiến độ cam kết cũng như đánh giá kỹ các tác động đến môi trường.
“Chúng ta có tiềm năng hóa dầu thì không lý do gì không phát triển để đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu cho ra đời hàng loạt dự án rồi để chậm trễ thì rõ ràng chúng ta bỏ công sức thu hút đầu tư mà không có kết quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến nguồn lực trong nước. Do đó, đốc thúc các dự án chậm tiến độ còn quan trọng hơn việc phê duyệt và đưa các dự án vào quy hoạch” - vị chuyên gia từng công tác trong ngành dầu khí nêu ý kiến.
Tiền vay, chậm là chết ngay!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Hòa, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, cho biết việc nhà máy lọc hóa dầu chậm tiến độ là có nhưng không có chuyện chậm tới 5,5 tháng. “Báo cáo này hôm rồi các đồng chí lãnh đạo có vào làm việc với nhà thầu và công ty, không làm việc với ban nên không được thông qua. Đây là một dự án lớn, về môi trường, về an toàn lao động họ làm rất tốt. Tiền của liên doanh họ vay nước ngoài nên chậm họ chết ngay” - ông Hòa phân bua.
Đối với dự án tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, ông Đặng Minh Thông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết những vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ không chỉ nằm ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng mà còn từ phía nhà đầu tư. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã cơ bản giải quyết xong vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân.
T.Tuấn - N.Giang