Nhóm chuyên gia kinh tế xác định tầm nhìn cho TP.HCM
TP.HCM sẽ chọn tầm nhìn, mục tiêu nào để hướng đến trong chặng đường phát triển 30 năm tới? TP.HCM cần thể hiện sự “tư duy vùng kinh tế”, để cả vùng kinh tế cùng bật lên...
- 24-08-2015TP.HCM muốn cạnh tranh thì phải liên kết vùng
- 17-08-2015Nghiên cứu thành lập đặc khu kinh tế TP.HCM
- 03-08-2015Vốn nước ngoài liên tiếp đổ vào TP.HCM
Sáng 23-8, lãnh đạo TP.HCM đã dành hơn bốn giờ để nghe và phản biện công trình nghiên cứu của một nhóm chuyên gia kinh tế về vấn đề TP.HCM sẽ chọn tầm nhìn, mục tiêu nào để hướng đến trong chặng đường phát triển 30 năm tới.
Đề tài nghiên cứu “Đánh giá sức mạnh cạnh tranh của TP.HCM và gợi ý định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2045” đã được nhóm tác giả: Huỳnh Thế Du, Nguyễn Xuân Thành, Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - FETP), Huỳnh Trung Dũng (ĐH RMIT Việt Nam) thực hiện và trình bày trước lãnh đạo TP.
Công trình nghiên cứu này nhằm xác định được tầm nhìn và hướng phát triển cho TP, như ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - chia sẻ: “TP muốn tìm đến những nghiên cứu có tính độc lập, khách quan và những cách tiếp cận mới nhất”.
“Nếu chọn hướng đi đúng và cách làm phù hợp thì 10 năm đủ để tạo ra những thay đổi hay nền tảng căn bản của một đô thị hiện đại và 30 năm là đủ để chuyển từ một đô thị ở thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất
TS Huỳnh Thế Du
“Cạnh tranh lấn át hợp tác”
TS Huỳnh Thế Du - giám đốc đào tạo của FETP, thay mặt nhóm nghiên cứu - đã đưa ra nhóm 11 TP lớn trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á cùng với Mumbai của Ấn Độ và xác định đây là đối tác đồng thời là đối thủ để TP.HCM cạnh tranh trong 30 năm tới. Nếu nhìn vào bảng xếp hạng cạnh tranh hiện tại, TP.HCM đang bị tụt rất xa so với 12 TP này.
Trong đó, Manila xếp trên TP.HCM một bậc nhưng có GDP gần gấp đôi TP. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn cho rằng trong vòng một thập niên nữa, TP.HCM phải đạt được mục tiêu có những nền tảng ngang bằng của một TP trung bình trong khu vực. Và đến năm 2045 trở thành một đô thị có sức cạnh tranh cao và đáng sống.
Một trong những “việc cần làm ngay” để đạt được mục tiêu này, theo TS Huỳnh Thế Du là: “TP phải khơi lại tính tiên phong, khả năng dẫn dắt của TP và thực hiện bằng được liên kết vùng”.
Vấn đề cơ chế, chính sách dành cho TP đang như một “chiếc áo chật”, TS Huỳnh Thế Du đưa ra giải pháp dung hòa là bên cạnh việc tìm tòi và kiến nghị với trung ương cần “tìm hiểu những gì TP có thể làm trong khuôn khổ pháp luật sẽ dễ dàng và khả thi hơn”.
Đối với vấn đề liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thấp, TS Huỳnh Thế Du nhận định do “cạnh tranh đang lấn át hợp tác”. Vì vậy, ông đề nghị cần thay đổi tình trạng này bằng cơ chế chia sẻ nguồn thu trên cơ sở dân số và mức độ đóng góp trong những vấn đề hợp tác vùng, thay vì “tranh giành dự án” như hiện nay.
TS Huỳnh Thế Du cũng cho rằng TP cần tạo dựng sự đồng thuận kết hợp với việc đưa sự kỳ vọng của người dân TP theo hướng tích cực và thực tế. Theo ông, triết lý phát triển phải luôn tạo được cảm xúc trong nhân dân. “Dường như đang thiếu vắng sự tham gia một cách hồ hởi và coi đó là một phần việc hay niềm tự hào đối với quá trình phát triển của TP trong người dân” - TS Huỳnh Thế Du nói.
Đông Á hay Đông Nam Á?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - marketing, tỏ ra thận trọng trước mục tiêu 30 năm nữa TP.HCM cạnh tranh ngang bằng với tốp 12 TP lớn ở Đông Á và Đông Nam Á. “GDP của TP.HCM hiện bằng 1/2 Manila, 1/3 Jakarta, 1/4 Bangkok và 1/5 Kuala Lumpur... Còn so với các TP Đông Á thì còn diệu vợi hơn.
Như vậy, nên chăng chỉ đặt tầm nhìn hướng đến là các TP của Đông Nam Á?”. Tuy nhiên, PGS.TS Phan Thanh Bình - ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc ĐHQG TP.HCM - lại hoan nghênh nhóm nghiên cứu khi cho rằng tầm nhìn của công trình nghiên cứu đã thoát ra khỏi không gian hạn hẹp của Đông Nam Á và hướng đến Đông Á.
Theo ông Bình, một số TP Đông Nam Á dù phát triển hơn TP.HCM nhưng đang gặp rất nhiều vấn đề và TP.HCM cần phải có bước nhảy, nhưng không nên đi theo con đường mà họ đã đi.
Nhắc lại đoạn hồi ký của ông Lý Quang Diệu khi cố thủ tướng Singapore so sánh: “Vào năm 1975, TP.HCM có thể ganh đua với Bangkok, nhưng giờ đây 1992, TP này đã tụt lại về sau 20 năm”, ông Bình nhấn mạnh: “Tầm nhìn là điều quan trọng nhất.
Phải xác định và đeo đuổi đến cùng tầm nhìn của mình”. Theo ông, để đưa TP.HCM đến được tầm nhìn này thì chính quyền TP phải chia sẻ được tầm nhìn với người dân TP, để mỗi người đều cảm thấy được dự phần vào mục tiêu chung của TP.
Trao đổi với các đại biểu về mục tiêu này trong công trình nghiên cứu, TS Nguyễn Xuân Thành, giám đốc FETP, nói đặt tầm nhìn Đông Á trong mục tiêu của TP.HCM không phải chỉ có GDP mà còn là vấn đề TP đáng sống.
Ông Thành đưa ra ví dụ Manila hiện nay có GDP cao hơn TP.HCM nhưng có đến phân nửa TP là các khu ổ chuột, trong khi TP.HCM đã giải quyết tốt vấn đề này. Hoặc Jakarta cũng có GDP vượt trội so với TP.HCM nhưng đánh giá về “một TP đáng sống” thì TP.HCM đã ngang bằng và cũng không bị rơi vào tình trạng “bãi đậu xe khổng lồ” mà Jakarta đang gặp phải.
Nên chọn người có ý tưởng
Là người đầu tiên trong các lãnh đạo TP đưa ra phản biện với nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - đề nghị nhóm nghiên cứu phải chỉ rõ hơn những nguyên nhân làm cho TP.HCM chậm phát triển hơn các TP khác trong khu vực.
Đặt vấn đề rộng hơn ngoài đề án nghiên cứu, bà Tâm nói dòng chảy chất xám đang đổ về TP, nhưng bà có cảm giác đâu đó vẫn còn sự thụ động, thậm chí “cơ hội” trong tư duy. “Có hay không việc người làm khoa học không vì khoa học thật sự mà làm cho đẹp lòng người lãnh đạo? Nếu đúng là có điều đó thì sẽ là cản trở rất lớn trong quá trình phát triển” - bà Tâm đặt vấn đề.
Nhắc đến một sự cản trở khác trong tư duy, PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng để đạt được tầm nhìn đang đặt ra, TP.HCM cần thay đổi tư duy về việc tuyển dụng. “Không nên chọn người “an toàn” mà phải là người có ý tưởng” - ông Bình đề nghị về chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai.
PGS.TS Phan Thanh Bình cũng nhắc lại việc TP.HCM đang đề xuất với trung ương phải có cơ chế điều phối vùng kinh tế, rồi đề tài nghiên cứu này cũng nhắc nhiều đến tư duy nhiệm kỳ đang cản trở việc phát triển của vùng kinh tế. Nhưng để vùng kinh tế bật lên, bản thân TP.HCM cũng cần phải thể hiện sự “tư duy vùng kinh tế”, chấp nhận sự hi sinh nhiều hơn để cả vùng kinh tế cùng bật lên.
Phải khơi thông được sức dân
Đánh giá về đề tài nghiên cứu, ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy - nói: “Đề tài đã cho một lượng tri thức rất cao, gợi mở nhiều vấn đề cho lãnh đạo TP”.
Ông Thưởng chia sẻ việc xác định tầm nhìn dài hạn và triết lý phát triển của TP phải tạo ra cảm xúc xã hội, giải phóng được năng lượng, khơi thông sức dân. “Bây giờ làm thế nào để TP phát triển xứng đáng với tiềm năng lợi thế, xứng đáng với niềm tin cậy của cả nước, mong muốn của người dân là câu hỏi canh cánh của lãnh đạo TP” - ông Thưởng bày tỏ.
Ông Thưởng cũng thừa nhận TP.HCM là nơi có cơ hội làm ăn rất nhiều, nhưng lại không phải là nơi có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất.
“Hồi tôi làm ở Quảng Ngãi, cả tỉnh chỉ có 3.000 doanh nghiệp, họ gặp khó thì tỉnh sẵn sàng lập tổ công tác xuống giải quyết ngay. Nhưng TP.HCM có 300.000 doanh nghiệp không làm được như vậy. Nhưng không làm được thì TP phải làm gì để doanh nghiệp được quan tâm, tháo gỡ?” - ông Võ Văn Thưởng tự đặt câu hỏi cho chính lãnh đạo TP.