Những điểm sáng về xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2014
Từ năm 2012, VN bắt đầu chuyển sang vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với các nước trên thế giới. Năm 2012, cả nước xuất siêu 749 triệu USD; năm 2013 xuất siêu 300.000 USD và năm 2014 ước xuất siêu 1,984 tỷ USD.
Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD; vượt 3,16 điểm phần trăm so với kế hoạch (kế hoạch năm là 145,4 tỷ USD) và tăng 13,6% so với năm 2013 (tương ứng tăng 18 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu của khối FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 101,6 tỷ USD; tăng 15,2% so với năm 2013; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 48,44 tỷ USD; tăng 10,4% so với năm trước. Đặc biệt, năm 2014, cả nước có 23 nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến: Năm 2014, nhóm này vẫn thể hiện vai trò “trụ cột” trong hoạt động thương mại của Việt Nam với giá trị xuất khẩu ước đạt 110,26 tỷ USD; chiếm gần 73,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước và tăng 15,4% so với năm trước.
Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao và là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Những mặt hàng chủ lực có quy mô xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị … có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành; tăng từ 14-20%, đã đóng góp lớn vào bức tranh tăng trưởng chung của cả nước năm 2014.
Bên cạnh đó, những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn như: điện thoại linh kiện (tăng 13,4%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 10%) …
Nhóm hàng nông lâm, thủy sản: Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 22,2 tỷ USD; chiếm 14,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 12,4% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao so với năm trước như: hạt tiêu tăng 35,5%; rau quả tăng 36,7%; hạt điều tăng 22,4%; cà phê tăng 30,8% …
Nhóm nhiên liệu và khoáng sản: Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 8,84 tỷ USD; chiếm gần 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và giảm 8,1% so với năm trước. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu giảm ở cả 4 mặt hàng xuất khẩu chính của nhóm như than đá giảm 41,1%; xăng dầu các loại giảm 26,1% …
Nhóm hàng hóa khác ước đạt 8,73 tỷ USD; chiếm 5,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 22,1% so với năm 2013. Đây là nhóm có tốc độ tăng cao nhất trong các nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2014.
Tỷ trọng xuất khẩu của 4 nhóm hàng hóa chính năm 2014 (Nguồn số liệu: Bộ Công thương)
Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước năm 2014 ước đạt 148 tỷ USD; tăng 12,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI ước đạt hơn 84,56 tỷ USD; chiếm 57% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước và tăng 13,6%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 63,49 tỷ USD; chiếm 43% tổng kim ngạch và tăng 10,2% so với năm 2013.
Đối với nhóm hàng hóa cần nhập khẩu (đa số là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu): Kim ngạch nhập khẩu năm 2014 ước đạt hơn 130,3 tỷ USD; chiếm 88% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 11,4% so với năm trước. Trong đó, một số mặt hàng đạt tốc độ tăng mạnh so với năm 2013 như thủy sản tăng 47,6%; ngô tăng 71,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 33,6%; phôi thép tăng 43,3%; nguyên phụ liệu dệt ma, da giày, bông các loại đều tăng trên 20%.
Đối với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu năm 2014 ước đạt hơn 6,15 tỷ USD; chiếm hơn 4,1% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 12,9% so với năm trước. Trong đó, tăng chủ yếu ở các mặt hàng như hàng rau quả tăng 28,1%; linh kiện phụ tùng ô tô tăng 25,4%.
Đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này năm 2014 ước đạt 6 tỷ USD; chiếm hơn 4% tổng kim ngạch nhập khẩu và giảm 4,2% so với năm trước. Các mặt hàng tiêu dùng đã giảm nhưng các mặt hàng chủ yếu như điện thoại di động và ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn tăng (tốc độ tăng lần lượt là 21,2% và 9%).
Tỷ trọng nhập khẩu các nhóm hàng năm 2014 (Nguồn số liệu: Bộ Công thương).
Như vậy, năm 2014 được ghi nhận là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, năm 2007 cả nước nhập siêu với tỷ lệ 29,1%; năm 2008 tỷ lệ 28,8%; năm 2009 tỷ lệ 22,5%; năm 2010 tỷ lệ 17,5%; năm 2011 tỷ lệ 10,1% so với kim ngạch xuất khẩu.
Từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu chuyển sang vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với các nước trên thế giới. Năm 2012, cả nước xuất siêu 749 triệu USD; năm 2013 xuất siêu 300.000 USD và năm 2014 ước xuất siêu 1,984 tỷ USD.
>>>Xuất nhập khẩu cuối năm 2014: Bước đi nào cho trọn?
Trang Anh