MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những trăn trở của vị "tư lệnh" ngành thanh tra

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, chất lượng một số kết luận thanh tra còn chưa cao, hiệu quả thanh tra trách nhiệm còn thấp, số vụ việc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan điều tra còn ít… là những bất cập, hạn chế mà ngành thanh tra cần khắc phục trong thời gian tới.

Phát hiện tham nhũng còn yếu, tỉ lệ thu hồi chưa cao!

Theo ông, bên cạnh những thành tích đã đạt được, ngành thanh tra còn có những bất cập, hạn chế gì cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Bên cạnh những kết quả và thành tích đạt được thì trong tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra cũng còn một số bất cập, hạn chế mà ngành thanh tra còn phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, chất lượng một số kết luận thanh tra còn chưa cao; không ít cuộc thanh tra còn kéo dài thời gian kết luận; hiệu quả thanh tra trách nhiệm còn thấp; số vụ việc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan điều tra còn ít; kết quả xử lý sau thanh tra mặc dù được nâng lên nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu.

Công tác quản lý Nhà nước về khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; một số thủ trưởng cơ quan Nhà nước chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn; một số vụ việc giải quyết còn chậm, chưa bảo đảm thời gian quy định; công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao; việc phát hiện hành vi tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao; pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn bất cập; tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, các quy định về tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra chưa đủ mạnh và đầy đủ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của thanh tra. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức trong thanh tra mặc dù có cố gắng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ còn mức độ.

Tổ chức, bộ máy nhiều cơ quan thanh tra chậm được kiện toàn, có những nơi còn thiếu cán bộ thanh tra, thanh tra viên; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ trong toàn ngành.

Một trong những khâu quan trọng đối với công tác thanh tra là phát hiện những sơ hở của cơ chế, chính sách để kiến nghị các cấp hoàn thiện thể chế pháp luật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng chống tham nhũng. Nội dung này được thực hiện như thế nào thời gian qua, thưa Tổng Thanh tra?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Đúng như vậy, ngành thanh tra qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra và phòng chống tham nhũng của ngành không chỉ phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, mà còn phát hiện những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoàn thiện.

Nhiệm vụ của ngành thanh tra trong thời gian tới rất nặng nề, vậy các mục tiêu chiến lược mà ngành đang ra sức phấn đấu hoàn thành trong thời gian tới là gì?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Ngày 8/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2213/QĐ-TTg về việc ban hành Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ với những vấn đề cần tập trung sau: Xác lập địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính tập trung, thống nhất, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra.

Xây dựng ngành thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan thanh tra.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiếp tục kiện toàn về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về tiếp công dân, xử lý sau thanh tra ở các cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương theo Luật Thanh tra và pháp luật khác có liên quan nhằm thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung quản lý nhà nước về tiếp công dân và về thanh tra. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, xây dựng các cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất theo cấp hành chính gồm 2 cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thanh tra Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện việc quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập; xác minh nguồn gốc tài sản có dấu hiệu bất minh và xem xét, làm rõ các hành vi tham nhũng.

Kiện toàn tổ chức thanh tra bộ, ngành theo quy định của pháp luật về thanh tra và các pháp luật chuyên ngành, khắc phục những hạn chế về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ đắc lực công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập; các cơ quan thanh tra Nhà nước chú trọng việc phát hiện các sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng các kiến nghị qua hoạt động thanh tra.

Đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thanh tra trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra, công khai kết quả, quyết định xử lý về thanh tra; tập trung xem xét tính hợp pháp, chính xác của các kết luận thanh tra nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra lại hoặc kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định.

Thanh tra các cấp chủ động thực hiện thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hoàn thiện và đẩy mạnh việc triển khai các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra theo hướng tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và các biện pháp xử lý trách nhiệm.

Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực của mọi tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, kỷ cương pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó là nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập Học viện Thanh tra; đổi mới chương trình, nội dung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của ngành.

Thưa Tổng Thanh tra, nhìn lại giai đoạn 2011-2015, đâu là những trăn trở mà ông và cán bộ ngành cần thực hiện?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trăn trở lớn nhất đối với người đứng đầu ngành thanh tra là thực trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng chưa được đẩy lùi, vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, và đang là vấn đề bức xúc của dư luận.

Tình hình khiếu nại, tố cáo mặc dù có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ việc phát sinh vẫn còn cao.

Tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra còn hạn chế, chưa tạo sự kết nối hệ thống thông suốt, đồng bộ trong toàn ngành. Chất lượng, năng lực của không ít cán bộ thanh tra còn hạn chế, có trường hợp còn yếu kém, vi phạm.

Mong muốn của tôi là trong thời gian tới ngành thanh tra phải có quyết tâm cao, đoàn kết, thống nhất, nêu cao trách nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Lê Sơn

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên