Niềm tin đang chờ những hành động
Thay vì liên tục có ý kiến cho rằng Chính phủ phải quyết liệt hơn trong việc tạo dựng niềm tin như những năm qua, thì năm nay, niềm tin của xã hội và người dân đang được củng cố, tiếp thêm động lực để “gỡ” điểm nghẽn cho kinh tế - xã hội phát triển.
TS.Võ Trí Thành |
TS.Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Câu trả lời từ thực tiễn
Hai năm qua người ta nói khá nhiều đến sự suy giảm niềm tin. Vậy theo góc nhìn của ông?
Trước hết phải khẳng định một điều, thời gian qua chúng ta đã hơi lạm dụng từ đồng thuận và nhìn vào đồng thuận để đánh giá niềm tin. Không thể có một xã hội tất cả đều đồng thuận. Trong xã hội, có nhiều đối tượng khác nhau và mỗi nhóm đối tượng lại có một cảm nhận và cách ứng xử khác nhau.
Trong gần hai năm qua, niềm tin bị lay động ghê gớm với nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động như: Kinh tế suy giảm, làm ăn khó khăn... Bên cạnh đó, có thêm tác động bởi hình ảnh không chuẩn mực của một số người cũng như khoảng cách giữa “nói và làm”. Nghị quyết có, chính sách có, sự hy vọng và chờ đợi ở Nghị quyết, ở chính sách cũng có… nhưng cuối cùng thực tế đã không diễn ra như mong đợi, vì hành động quá chậm hoặc không hành động gì cả.
Và vấn đề này không phải một lần, mà đã không ít lần như thế và diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Những điều đó dẫn tới sự thất vọng và thiếu tin tưởng. Chưa kể có kẻ cố tình đưa ra thông tin nhiễu loạn, nhằm trục lợi cho nhóm lợi ích cá nhân… như đã từng xảy ra trên thị trường tài chính.
Vậy niềm tin của ông?
Tôi là người Việt Nam và tôi là người lạc quan.
Tôi đã từng trải qua thời kỳ đất nước trong chiến tranh và đã có quãng thời gian dài đi du học, cũng là người may mắn đã có rất nhiều chuyến công tác nước ngoài và cũng là người theo sát quá trình đàm phán hội nhập và những chuyển biến trong chính sách, trong điều hành ở từng giai đoạn và thời điểm.
Những năm tháng đã sống, những công việc đã làm và những trải nghiệm thực tế đã cho tôi có một góc nhìn đất nước từ quá khứ đến đất nước trong bối cảnh khu vực và toàn cầu ngày nay. Vì thế, tôi nhìn thấy khoảng cách giữa “nói và làm” nhưng tôi cũng hiểu rõ những động thái thay đổi chính sách, cách điều hành và tôi luôn khách quan khi đưa ra đánh giá hiệu quả của những thay đổi đó.
Đất nước đã phát triển như hôm nay cho dù chậm dù nhanh, cho dù còn ngổn ngang nhiều việc phải làm nhưng tôi lạc quan và tin tưởng bởi tôi là người Việt. Dân tộc Việt Nam không thua kém về trí tuệ, có khả năng tiếp thu tốt, có tính thích ứng cao, nhưng có hạn chế tầm nhìn dài hạn. Nhưng sự thích ứng đã tạo nên sức sống mạnh mẽ.
Niềm tin cho 2014 theo ông là...?
Theo tôi, niềm tin đã nảy mầm, đang tăng lên mặc dù còn nhiều rủi ro, nghi ngại. Tôi nói vậy, bởi hệ thống chính trị này và những người có trách nhiệm đang hiểu được vấn đề mà đất nước đang mắc phải và xác định hướng giải quyết.
Nhìn thấy rõ nhất là sự chuyển mạnh từ hào hứng tăng trưởng “vô lối” sang gỡ những nút thắt tăng trưởng và phát triển như thực hiện cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực...
Thứ hai là quyết tâm và ý chí chính trị được thể hiện ở Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và các bài nói của lãnh đạo và gần đây là thông điệp của Thủ tướng.
Sự thay đổi và quyết tâm đó cũng đã được truyền tải thành những văn bản chỉ đạo điều hành, những chương trình hành động chỉ rõ việc cần làm và bước đi. Ví dụ như, cải cách khu vực DNNN, tái cấu trúc hệ thống tài chính-ngân hàng... Cho dù việc triển khai trên thực tế còn chậm, nhưng cũng đã làm được một số việc quan trọng trong những việc phải làm.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là những người có trách nhiệm đã hiểu được vấn đề.
Thứ ba, đó là các bộ ngành đã có những động thái kết nối, bắt tay để hướng đến sự cùng điều hành nhịp nhàng, phối hợp chính sách tốt hơn.
Thứ tư, là niềm tin đã có thêm điểm tựa để trở lại, đó chính là các áp lực từ những cam kết hội nhập, từ những đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ và chất lượng cải cách trong từng ngành và trong cả nền kinh tế. Áp lực nữa là sự đánh giá uy tín, tín nhiệm của xã hội với những người đứng đầu với những hành động quyết sách họ đã làm và hiệu quả mang lại cho nền kinh tế.
TS. Lê Đình Ân |
TS. Lê Đình Ân
Niềm tin là “van” của dòng vốn
Nhớ lại hồi giữa năm ngoái, ông đã từng khuyến nghị “Chính phủ cần phải làm quyết liệt hơn nữa trong việc tạo dựng niềm tin. Đừng để yếu tố niềm tin trở thành điểm nghẽn của tăng trưởng”?
Người dân tin, DN tin, nhà đầu tư có niềm tin mới dốc túi, bỏ vốn đầu tư. Khi đó mới có sức bật mới. Trong 2 năm qua, sự thiếu vắng niềm tin đã dẫn đến thái độ tiêu cực, nhà đầu tư, người dân và DN “cố thủ” không dám đầu tư, không tin tưởng để cố gắng hành động vượt khó nên không thể phát huy được nguồn sức mạnh tiềm tàng và càng làm suy giảm thêm niềm tin.
Nếu lòng tin của nhà đầu tư, của DN giảm sút thì đây chính là điểm nghẽn nguy hiểm của tăng trưởng.
Hai năm qua cố gắng của Chính phủ không phải nhỏ, giải pháp, chính sách đúng đã có nhưng không được thực hiện đúng như các tuyên bố, cam kết trong các văn bản chính sách đó. Và tính minh bạch công khai kém, tính giải trình của một số người đứng đầu kém. Cộng thêm bối cảnh kinh tế khó khăn và hành động thực sự không như lời nói, không như Nghị quyết hay sự chỉ đạo khiến niềm tin không chỉ lung lay mà giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hiệu quả quản lý điều hành, kỷ luật kỷ cương không nghiêm cũng làm xói mòn niềm tin của dân và DN.
Và bây giờ, ông nói gì về vấn đề “niềm tin”?
Ngay đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài viết thể hiện quan điểm khi triển khai Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp điều hành để hướng hành động của Chính phủ vào những việc trọng tâm để thực hiện.
Có 4 vấn đề quan trọng là: minh bạch, dân chủ, cạnh tranh và phối hợp điều hành. Trong kinh tế, dân chủ là sự công khai minh bạch về chính sách về thông tin để tạo lòng tin. Số liệu thống kê phải chính xác, sự phối hợp chính sách và điều hành giữa các bộ ngành phải nhịp nhàng. Sự phối hợp giữa chính sách và hành động phải rõ ràng. Làm được như thế là một bước tiến khẳng định niềm tin.
Một khi số liệu thống kê còn thiếu chính xác như khi kinh tế suy giảm nhưng số liệu thất nghiệp không giảm, số liệu giải quyết việc làm tăng... sẽ còn tạo ra cảm giác “không đúng”, “bị che giấu”. Hay như việc cải cách DNNN, đã có quan điểm rõ ràng qua nhiều Đại hội Đảng nhưng thực hiện chậm. Lần này, Thông điệp đầu năm của Thủ tướng cho thấy, Chính phủ đã rất kiên quyết thực hiện và việc phải công khai, minh bạch danh sách DN phải cổ phần hóa và tỷ lệ vốn Nhà nước cần nắm giữ, hy vọng niềm tin đang được nhen lên.
Đặc biệt, với động thái chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng và những cái bắt tay liên kết giữa các bộ trưởng, nhất là giữa Thống đốc NHNN với Bộ trưởng Bộ Tài chính mới đây, cùng những kết quả được thể hiện ở hai tháng qua đã giúp nhen lại niềm tin trong dân chúng.
Còn niềm tin của riêng ông?
Tôi tin rằng khi niềm tin trong lòng dân, của đội ngũ doanh nhân được phục hồi thì nền kinh tế sẽ có sức bật mới. Nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội những tháng gần đây, kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm qua, mặt bằng lãi suất giảm, tái cơ cấu nền kinh tế đã có những kết quả bước đầu, an sinh xã hội được đảm bảo… cho thấy quyết tâm cao trong chuyển chính sách. Từ tập trung tăng trưởng cao sang ổn định kinh tế vĩ mô là sự lựa chọn đúng đắn, đáng ghi nhận giúp niềm tin trở lại.
Tuy nhiên, niềm tin chỉ được khẳng định khi có hành động thực sự. Và bên cạnh những điểm tích cực của tình hình kinh tế 2 tháng qua, cũng còn có những lo ngại bởi tổng cầu yếu, khả năng phục hồi tăng trưởng yếu, lạm phát vẫn rình rập… Quan trọng hơn cả là niềm tin tăng lên đến đâu phụ thuộc vào những hành động cải cách quyết liệt thực sự.
Người dân, các doanh nhân đã hồi phục niềm tin, nhưng vẫn đang chờ đợi để tìm dấu hiệu khẳng định: Họ chờ đợi đúng.
Có nhiều nhân tố để khẳng định năm 2014-2015, nền kinh tế sẽ phục hồi dần. Tốc độ tăng trưởng, niềm tin của thị trường được củng cố và DN có triển vọng phát triển bền vững hơn. Tất cả những điều này đặt vào kỳ vọng những nỗ lực của Chính phủ trong đổi mới mạnh mẽ thể chế, đảm bảo sự vận hành của cơ chế thị trường và sự lành mạnh trong cạnh tranh như Thông điệp của Thủ tướng đưa ra. Chúng ta hy vọng. Đại biểu Quốc hội, TS.Trần Du Lịch |
Linh Đan - Minh Ngọc