Nông nghiệp của chúng ta đang thiếu gì?
Việt Nam có những lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp, nhưng lại đang thiếu lực lượng chủ công, quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp.
- 21-11-2015Vì sao nông nghiệp không còn là "trụ đỡ" của nền kinh tế?
- 18-11-2015“Bơi” trong hội nhập, nông nghiệp Việt Nam cần gì và "sợ" gì?
- 07-10-2015Nông nghiệp đón “sóng” TPP: Lúa gạo hưởng lợi, mía đường “lâm nguy”
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu phải “tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
Dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ NNPTNT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giao nhiệm vụ “từng lĩnh vực đều phải rà soát lại, có cơ chế, chính sách để người nông dân, doanh nghiệp phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn, với tinh thần không chỉ tạo thuận lợi tốt nhất mà còn hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp phát triển”.
Câu chuyện của Công ty Thực phẩm Xanh (Green Food) dưới đây có thể là một ví dụ khá điển hình cho vấn đề này.
Từ chuyện dừa Bến Tre đi Mỹ
Doanh nghiệp có trụ sở ở Bình Dương này đã chủ động đặt mua dừa xiêm của Bến Tre một cách ổn định với giá sàn, rồi xuất khẩu qua thị trường Mỹ.
Mặc dù bước đi này mới chỉ đạt kết quả ban đầu, nhưng đã cho thấy không ai có thể làm thay doanh nghiệp, kể cả nhà nước, nhà khoa học và nhà nông. Nói thì đơn giản, nhưng theo ông Nguyễn Phát Quang - Chủ tịch Công ty, để dừa Bến Tre vào được thị trường Mỹ, doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều rào cản. Những khó khăn này xuất hiện ngay từ khâu chọn giống dừa cho tới khi chạm trán các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ.
Với người nông dân, doanh nghiệp phải ổn định được giá thu mua dừa để họ yên tâm sản xuất dù trúng mùa hay mất mùa, thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Điều này rất quan trọng với người nông dân, vì họ không thể giao dịch trực tiếp với các đơn vị quốc tế để đảm bảo quyền lợi của mình. Cũng doanh nghiệp đàm phán mua vật tư nông nghiệp để cung cấp cho người nông dân với giá thấp nhất. Hơn nữa, doanh nghiệp bắt đầu mua bảo hiểm nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh vốn luôn đe dọa ngành sản xuất nông sản.
Nhìn rộng hơn, doanh nghiệp nông nghiệp có thể là câu trả lời cho nhiều vấn đề đang đặt ra với ngành nông nghiệp Việt Nam, cũng là những vấn đề mang tính sống còn trong một quốc gia mà nông nghiệp là lợi thế, đồng thời đa số người dân vẫn coi nông nghiệp là sinh kế chính.
Khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng hơn bao giờ hết, với các Hiệp định TPP, FTA Việt Nam-EU, với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)…, cơ hội và thách thức đan xen, thì xét theo lĩnh vực, nông nghiệp là đáng lo ngại nhất. Dù Việt Nam là một trong các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản, nhưng nông nghiệp Việt Nam về cơ bản vẫn là sản xuất tiểu nông, chưa theo các chuẩn mực quốc tế.
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến chi phí cao, năng suất thấp và khó đảm bảo an toàn thực phẩm. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, đa phần nông sản xuất khẩu dưới dạng gia công, dạng thô chưa tăng giá trị, chưa có thương hiệu, không đảm bảo chất lượng…
Nền nông nghiệp như vậy không thể sản xuất hàng hóa, càng không thể cạnh tranh.
Trước tình hình trên, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013. Nhiều chính sách đã được bổ sung, điều chỉnh như chính sách phát triển thủy sản (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014), chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013)…
Thực tế, đã có nhiều mô hình liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân hay hợp tác bốn nhà (khoa học, quản lý, doanh nghiệp, nhà nông) được triển khai, với nhiều mô hình sản xuất như mô hình cánh đồng lớn, mô hình chuỗi sản xuất khép kín, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm…
Thế nhưng nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn chưa phát triển được thế mạnh về nông nghiệp. Lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp không ổn định do bị các khâu trung gian và phần tăng chi phí đầu vào “ăn” nên đời sống qua người nông dân Việt Nam chưa cao. Điệp khúc “ được mùa - mất giá”; “ được giá - mất mùa” vẫn tiếp tục…
Không thể thiếu các doanh nghiệp
Có thể khái quát được nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Đó là chúng ta vẫn đang thiếu lực lượng chủ công quan trọng nhất: lực lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Rõ ràng là doanh nghiệp có những lợi thế lớn hơn nhiều so với các chủ thể khác trong xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, tiếp thị sản phẩm…
Cũng chỉ doanh nghiệp có đủ nguồn lực để áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến giống, vật tư, kỹ thuật, tài chính… vào các khâu sản xuất, kinh doanh. Do am hiểu thị trường, doanh nghiệp có thể chủ động ký kết hợp đồng mua bán trước hoặc sau khi thu hoạch sản phẩm, chủ động giải quyết được đầu ra cho nông sản.
Để đột phá phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn, cần tiến hành hàng loạt các giải pháp then chốt, như thực hiện quy hoạch chi tiết tổng thể ruộng đất, vùng nuôi trồng. Đồng thời tổ chức lại hệ thống phân phối (theo cơ chế thị trường), tạo điều kiện cho người nông dân mua vật tư nguyên liệu với giá cả hợp lí, giảm bớt tối đa phải thông qua nhiều tầng nấc trung gian làm giá thành tăng cao như hiện nay bằng cách tổ chức nhiều sàn giao dịch vật tư nông nghiệp công khai tại các vùng sản xuất nông sản phẩm trọng điểm, kể cả tổ chức gọi thầu quốc tế cung cấp vật tư nông nghiệp…
Thông qua các sàn giao dịch nông sản vật tư nông nghiệp, các doanh nghiệp có quyền chủ động mua vật tư giá thấp nhất, cạnh tranh nhất, đồng thời bán được nông sản thành phẩm giá tốt nhất.
Đặc biệt, Nhà nước cần chủ động hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp. Trong đó, cần chú ý tới vấn đề nguồn vốn dài hạn, lãi suất thấp. Điều cũng rất quan trọng là có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, doanh nghiệp có thể mời gọi người nông dân góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất ruộng dài hạn.
Nhiều người đã biết Israel là quốc gia khởi nghiệp. Nhưng ít ai biết rằng, mọi ứng dụng công nghệ cao ở Israel đều bắt đầu với ngành nông nghiệp, thậm chí khi đất đai hạn hẹp và thiếu nước, Israel vẫn trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về nông nghiệp. Nguyên Tổng thống Israel Simon Peres nhận xét, nhiều người vẫn xem nông nghiệp đồng nghĩa với lạc hậu về công nghệ, nhưng họ đã lầm: 95% bí mật làm nên năng suất nông nghiệp phi thường của Israel không gì ngoài công nghệ.
Chúng ta không thể giải quyết bền vững các vấn đề của nông nghiệp nếu thiếu các doanh nghiệp nông nghiệp. Nhưng rộng hơn thế, phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp có thể là giải pháp rất quan trọng cho Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.