MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp không còn gì hấp dẫn?

Đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp đã tuột dốc “không phanh” trong suốt 15 năm qua.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư tính đến tháng 8/2014 có 512 dự án FDI trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,4 tỷ USD, chiếm 3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 10 trong số 18 ngành kinh tế đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế:

Thứ nhất, tỷ trọng vốn FDI trong nông nghiệp là rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng ngày càng giảm.Cả nước hiện có 16.910 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép đầu tư với tổng vốn 243tỷ USD trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có 509 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 3,39 tỷ USD, chỉ chiếm 3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đăng ký. Bình quân hàng năm, toàn nghành thu hút được khoảng 20 dự án và 130 triệu USD mỗi năm.

Thực tế, nhịp độ thu hút vốn ĐTNN vào lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp đã đạt mức cao giai đoạn 1991 đến 2000, tuy nhiên, giai đoạn gần đây, thu hút ĐTNN vào lĩnh vực này đã giảm mạnh. Cụ thể nếu như cách đây 15 năm, FDI vào nông lâm ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nước thì trong 3 năm gần đây chiếm chưa đến 0,5%.

Thứ hai, chất lượng của các dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ. Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD.

Thứ ba, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI tập trung chủ yếu ở các dự án thu hồi vốn nhanh như chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn FDI vào nông nghiệp; trong khi các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn rất khiêm tốn.

Thứ tư, các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chủ yếu đến từ các nhà đầu tư của khu vực Châu Á có nền công nghệ chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia… các nước phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, EU không mặn mà đầu tư.

Nói về thực trạng đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp giảm mạnh, Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trên thực tế đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, phân tán, thiếu tính liên kết, phối hợp và không chuyên nghiệp, chưa tạo ra sức thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật ở nông thôn hiện nay rất kém, muốn “đến” với nông dân, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư thêm nhiều hạng mục ngoài công trình, chi phí lớn.

Nguyên nhân chủ quan được cho là nước ta thiếu chiến lược, định hướng rõ ràng trong việc thu hút FDI vào nông nghiệp. Cho đến nay ngành nông nghiệp vẫn thiếu một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn FDI vào nông nghiệp-nông thôn một cách rõ ràng nhằm xác định vị trí của nguồn vốn FDI đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành nông nghiệp, những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp như Hoa Kỳ, Canada, Australia và châu Âu.

Thêm vào đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư FDI trong nông nghiệp thiếu rõ ràng và minh bạch. Các chính sách ưu đãi chưa nhiều, không nhất quán, vùng nguyên liệu manh mún...

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng trong thời gian tới phải tích cực vận động, xúc tiến FDI vào nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cần phát triển một hệ thống quản lý và xúc tiến FDI đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam cũng như các nước vùng lãnh thổ có tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp, quảng bá hình ảnh nông nghiệp Việt trong mắt bạn bè thế giới.

Trong khí đó,GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam có một đặc thù riêng, khác với các ngành công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư FDI vào nông nghiệp xét trong cơ cấu đầu tư FDI vào Việt Nam rất thấp chỉ chiếm 0,5%.

Xét về lâu dài, muốn phát triển nông nghiệp toàn diện thì nên dựa vào sức của chính mình, Việt Nam đã từng được đánh giá là một quốc gia có tiềm lực trở thành một cường quốc về nông nghiệp nhưng đến nay kết quả chưa được như mong đợi. Muốn làm được việc này phải đi vào những vấn đề cốt lõi chứ không thể hời hợt chung chung, không tái cơ cấu được nông nghiệp thì sẽ không bao giờ một nền nông nghiệp hiện đại, năng suất cao”, GS. Nguyễn Mại nói.

>>>Cấm DN FDI thu mua nông sản: Chắc gì nông dân lợi!

Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên