MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp thời TPP: Lợi thế ít, thách thức nhiều

Ngày 4/2, đại diện 12 quốc gia ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho rằng, gia nhập TPP, Việt Nam có lợi thế trong xuất khẩu nông lâm thủy sản, tuy nhiên, ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói: Gia nhập TPP, Việt Nam có lợi thế tương đối về nông nghiệp so với hầu hết các quốc gia trong tổ chức. Nếu tận dụng được các cơ hội mở rộng thị trường từ TPP, nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục duy trì được mức độ thặng dư thương mại, thúc đẩy đóng góp của ngành cho tăng trưởng và ổn định xã hội.

Xét về các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào TPP, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, trong đó chủ yếu là tôm và cá tra là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba là các cây công nghiệp như cà phê, điều, tiêu, cao su. Gạo và rau quả là các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tương đối khiêm tốn.

Có thể thấy hiện nay hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các quốc gia TPP mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính và một số ít bạn hàng lớn. Tham gia TPP là một cơ hội tốt giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Australia, Canada, Mexico, Nhật Bản, đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mặc dù vậy, Việt Nam dường như chưa sẵn sàng tận dụng cơ hội này. Nhiều sản phẩm rau quả tươi sống của Việt Nam vẫn còn bị cấm nhập khẩu vào các thị trường lớn của TPP như Nhật Bản và Mỹ.

Xưa nay, gạo được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, tuy nhiên, như ông vừa nói, mặt hàng này đóng vai trò khiêm tốn. Vậy đâu là lý do, thưa ông?

Trong khối TPP, có bốn quốc gia có dư địa lớn về mặt thuế xuất nhập gạo gồm Nhật Bản, Mỹ, Mexico và Malaysia. Hai thị trường Nhật Bản và Mỹ được đánh giá là rất khó xâm nhập. Việc áp mức thuế xuất nhập khẩu gạo lên đến gần 400% cho thấy Nhật Bản luôn coi gạo là sản phẩm có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng và tìm mọi cách để bảo hộ. Theo công bố mới đây của chính phủ Nhật Bản, mặc dù nước này sẽ tăng lượng hạn mức nhập khẩu gạo hàng năm từ 87 nghìn tấn lên 850 nghìn tấn, nhưng chủ yếu cho phép hai quốc gia có thể xuất gạo vào là Mỹ và Australia.

Mexico là một thị trường tiềm năng cho gạo Việt Nam. Hiện nay, quốc gia này đang nhập khẩu gạo hạt tròn từ Mỹ và Uruguay với thuế suất 0%. Ngoài ra, Mexico cũng nhập gạo hạt dài từ Thái Lan với thuế suất 20%. Tuy nhiên, việc Mexico đặt lộ trình xóa bỏ thuế đối với gạo nhập khẩu trong vòng 10 năm sẽ không tạo điều kiện dễ dàng cho xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sang thị trường này trong ngắn hạn. Malaysia được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng nhất cho gạo của Việt Nam.


TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.

Nói đến nông sản xuất khẩu, cà phê Việt Nam xưa nay cũng tự hào đứng top đầu thế giới? TPP liệu có ảnh hưởng đến vị thế của mặt hàng này?

Các sản phẩm xuất khẩu từ cây công nghiệp cũng có thể được hưởng lợi gián tiếp từ cam kết cắt giảm thuế suất của TPP nhưng không cao. Riêng đối với cà phê, hiện nay mức thuế quan nhập khẩu cà phê tại Mexico còn rất cao, đối với cà phê hạt Robusta chưa rang, thuế suất là 20%. Theo cam kết TPP, Mexico đặt lộ trình giảm thuế rất dài, từ 5 đến

13 năm.

Năm 2014, Mexico đã nhập khoảng 6 triệu USD cà phê Robusta của Việt Nam để trộn với cà phê Arabica của Mexico với mục tiêu xuất khẩu. Vì vậy, khi thuế suất giảm nhiều khả năng Việt Nam sẽ chiếm được thị phần cà phê Robusta của Brazil (khoảng 38%). Tuy nhiên, đó là trong dài hạn, vì với lộ trình này của Mexico, trong ngắn hạn, cà phê Việt Nam rất khó cạnh tranh tại thị trường nước họ, cũng như để cạnh tranh tại thị trường Mỹ.

Còn về lĩnh vực chăn nuôi, việc Việt Nam gia nhập TPP như ông nói sẽ là một thách thức?

Nhìn chung, ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam tham gia TPP. Hiện nay, mặc dù các mức thuế suất đối với các sản phẩm chăn nuôi còn khá cao, nhưng giá trị nhập khẩu các sản phẩm này vẫn tăng nhanh trong thời gian qua. Nguyên nhân do năng lực sản xuất trong nước không theo kịp nhu cầu. Chất lượng, giá cả của các sản phẩm trong nước khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Trong thời gian tới, nếu rào cản thuế quan được dỡ bỏ, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ các sản phẩm thịt bò và sữa từ Australia và New Zealand, lợn, gà từ Mỹ và Canada trên thị trường trong nước.

Theo ông, ngành nông nghiệp cần làm gì để vượt qua những thách thức từ TPP?

Một trong những vấn đề nan giải nhất trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp là việc nông dân không tích tụ được ruộng đất sản xuất quy mô lớn. TPP tạo ra một cơ hội tốt để giải quyết vấn đề trên. Theo đánh giá của một số chuyên gia, ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ bùng nổ trên thị trường Hòa Kỳ. Một lực lượng lớn lao động nông nghiệp sẽ tham gia khu vực ngành nghề này. Nếu nhà nước có chiến lược phát triển và đảm bảo phúc lợi tốt cho người lao động, các lao động này có thể sẽ rời khỏi khu vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ làm ăn giỏi có thể tích tụ ruộng đất để trở thành những nông dân chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, một trong số những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam là khi TPP được ký kết, các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan. Để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường giá trị cao và quy mô lớn như Mỹ và Nhật Bản, những sản phẩm Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản… cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không, dù thuế xuất nhập khẩu của các thị trường này bằng 0% thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng không thể tiếp cận được.

Cảm ơn ông.

 

Để tận dụng tốt các cơ hội do TPP đem lại, nông nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hàm lượng chế biến, tăng khả năng cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam vẫn còn rất thấp.

 

 

 

Theo Trường Phong

Tiên phong

Trở lên trên