Nước sông Đà dùng ống Trung Quốc: Không thể giao khoán cho doanh nghiệp
Trước lo ngại của dư luận về loại ống gang do nhà thầu Trung Quốc cung cấp mà chủ đầu tư dự án nước sạch sông Đà số 2 lựa chọn, nhiều người cho rằng, không thể giao khoán cho doanh nghiệp.
- 29-03-2016Dự án nước sông Đà 2: Chưa ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc
- 25-03-2016Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại toàn bộ dự án nước sông Đà
- 25-03-2016Ống nước sông Đà: 'Không thể vì rẻ mà coi nhẹ chất lượng'
- 24-03-2016Nhà thầu Trung Quốc làm đường ống nước Sông Đà 2: Điều gì ẩn sau sự "ham rẻ"?
Phải lấy dự án ống số 1 làm bài học
Trao đổi với phóng viên , ông Trần Quang Hưng- nguyên Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nói rằng, nếu loại ống gang dẻo DN1800 của nhà thầu Trung Quốc trên thế giới ít quốc gia sản xuất được thì phải đặt câu hỏi tại sao các nước không sản xuất.
Bởi theo ông Hưng hiện hầu hết đang chuyển dần sang sử dụng loại ống nhựa tiêu chuẩn HDPE (ống nhựa cao cấp-PV), cho các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt vì nó vừa đảm bảo an toàn vừa có độ bền lâu dài: “Có thể do tâm lý từ sự cố đường ống số 1 làm bằng cốt sợi thủy tinh liên tục vỡ nên họ sợ, giờ thiết kế hướng sang loại ống gang dẻo. Nhưng ống nhựa HDPE rất phù hợp dùng để truyền tải nước sạch sinh hoạt mà Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được, kể cả đường kính lên tới DN2000 theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Hưng nêu ý kiến.
Theo ông Hưng, nếu sử dụng loại ống gang dẻo thì nên dùng ống của các nước thuộc nhóm G7 như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản... do ống gang dẻo mà các nước G7 sản xuất không những đáp ứng về mặt kỹ thuật mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
Ông Hưng cũng cho rằng, dự án nước sạch sông Đà số 2 về Hà Nội là dự án liên quan trực tiếp đến an toàn nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người dân Thủ đô nên Hà Nội cần phải hết sức quan tâm suy xét, không thể giao khoán cho chủ đầu tư: “Chính quyền phải có trách nhiệm với dân khi mà doanh nghiệp đưa sản phẩm đến cho dân của mình”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên , ông Chu Sơn Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng cho rằng, thành phố phải chỉ đạo, không “khoán trắng” cho doanh nghiệp, vì nước sạch là vấn đề an sinh xã hội. “Ở đây việc mua nước là thỏa thuận dân sự. Nhưng một mặt liên quan đến việc chỉ đạo, của cơ quan nhà nước để ổn định an sinh xã hội, mặt khác liên quan đến trách nhiệm của người cấp nước. Do vậy, cần phải giải quyết hài hòa cả hai nội dung này”, ông Hà nêu rõ.
Dừng triển khai đường ống khẩn cấp?
Vào thời điểm tháng 8/2015 khi mà đường ống dẫn nước sông Đà số 1 liên tục xảy ra sự cố vỡ đường ống làm ảnh hưởng tới sinh hoạt tới hàng nghìn hộ dân Thủ đô và trước việc thất hứa liên tục của chủ đầu tư về thời điểm khởi công dự án đường ống số 2, Hà Nội đã đưa ra phương án tự làm đường ống khẩn cấp chứ không ngồi chờ Vinaconex đầu tư đường ống số 2 để chia sẻ, giảm áp với đường ống số 1 của Vinaconex. Thời gian hoàn thành đường ống khẩn cấp là 3 tháng với công suất khoảng 80-100.000m3 nước sạch/ngày đêm.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên , các cơ quan chức năng Hà Nội cho hay, do Vinaconex đang triển khai làm đường ống số 2 nên thành phố phải xem xét để không đầu tư dàn trải: “Trường hợp chủ đầu tư họ không làm thì thành phố mới làm đường ống khẩn cấp. Thành phố sẽ tập trung làm các dự án nước sạch khác”, vị cán bộ thành phố Hà Nội cho biết.
Một lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố cho biết, hiện chưa có chỉ đạo cụ thể về đường ống khẩn cấp nhưng trong trường hợp chủ đầu tư Vinaconex không làm hoặc triển khai chậm dự án đường ống số 2 thì thành phố mới làm. “Chủ trương làm đường ống khẩn cấp của Hà Nội đã được Thành ủy Hà Nội đồng ý. Giờ tạm dừng để xem Vinaconex triển khai như thế nào có đáp ứng được yêu cầu của thành phố hay không khi ấy mới xem xét có tiếp tục hay không tiếp tục làm đường ống khẩn cấp này”, vị cán bộ cho biết.
Cty Nước sạch Viwasupco thừa nhận, dù nhà máy nước vẫn chưa phát hết công suất nhưng vẫn không truyền tải được. Đặc biệt, đường ống truyền tải giai đoạn 1 yếu làm cho hệ thống không thể phát huy hết hiệu quả. “Sản phẩm của công ty sản xuất ra mang tính đặc thù, tính xã hội cao. Sản lượng bán vẫn chưa cân xứng với khả năng cung cấp của nhà máy…”, đại diện Viwasupco nói.
Tiền Phong