MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"ODA cũng là khoản nợ phải trả"

Việc sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua còn nhiều yếu kém như thất thoát, lãng phí, thiếu cạnh tranh; nhiều dự án sử dụng vốn ODA bị chậm tiến độ và đội vốn...

Phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (ngày 2/11/2015), đại biểu Lê Thị Công – Bà Rịa Vũng Tàu, đã bày tỏ ý kiến của mình xoay quanh vấn đề thu hút và giải ngân vốn ODA hiện nay.

Theo đại biểu, trong giai đoạn phát triển vừa qua, việc thu hút ODA đã đạt nhiều kết quả tích cực, tổng vốn ODA ký kết và giải ngân đều tăng cao.

Trong điều kiện nguồn ngân sách eo hẹp, để cân đối cho đầu tư, phải thừa nhận ODA là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên việc sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua còn nhiều yếu kém như thất thoát, lãng phí, thiếu cạnh tranh. Nhiều dự án sử dụng vốn ODA bị chậm tiến độ và đội vốn như tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội…

“Tâm lý coi ODA là khoản viện trợ cho không đã dẫn đến sử dụng lãng phí, không nhận thức được đó cũng là khoản nợ mà chúng ta phải trả” – Đại biểu Lê Thị Công nhận định.

Theo vị đại biểu này, nợ công quốc gia đang tăng cao; chiếm 61,3% GDP và dễ dẫn đến mất kiểm soát trong tương lai gần. Do vậy, để hạn chế những tác động tiêu cực dẫn đến vỡ trần nợ công, cần tăng cường kiểm soát và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, coi ODA là nguồn vốn quan trọng trong đầu tư phát triển, tránh lãng phí.

“ODA cũng là vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA có liên quan đến ngân sách, thu hút ODA có tác động đến nợ bên ngoài. Vì thế cần nâng cao hiệu quả sử dụng ODA, quy hoạch sử dụng ODA trong chiến lược phát triển của bộ, ngành địa phương” – Đại biểu Công cho biết.

Bên cạnh đó, Đại biểu Lê Thị Công cũng nhấn mạnh, vay ODA cần được thống nhất, minh bạch, cần tăng cường quản lý nhà nước về ODA. Đồng thời, đặt kế hoạch giảm dần việc vay vốn ODA; nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý Nhà nước về ODA.

Ngoài ra, cần hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế quản lý tài chính, giải quyết tốt vấn đề giữa vay và trả nợ. Tổ chức, rà soát danh mục đầu tư có lựa chọn, từng bước hạn chế sử dụng nguồn vốn ODA, giảm sức ép với nền kinh tế, sử dụng đúng mục đích hiệu quả; tránh thất thoát lãng phí.

Trước đó, số liệu được cung cấp từ Bộ Tài chính cho biết: Năm 2015, tổng huy động vốn qua các nguồn ước tính khoảng 660.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2014.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, Luật Quản lý nợ công đã bộc lộ một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh rằng: Nguồn vốn huy động trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi; Việt Nam đã bước vào nhóm có thu nhập trung bình. Nhiều khả năng, nguồn vốn vay ODA sẽ giảm dần và tiến đến chấm dứt từ sau năm 2017, chuyển sang vay thương mại theo cơ chế thị trường.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên