MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ODA và quyền lựa chọn

“Nhật Bản tôn trọng quyết định của nước nhận viện trợ về việc có áp dụng các khoản vay kèm các điều khoản ràng buộc hay không. Chúng tôi tin rằng nhà thầu Việt Nam có thể thực hiện nhiều dự án ODA”, ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết.

 

Có một số quan ngại rằng vốn vay ODA hiện tại sẽ là gánh nặng trả nợ cho thế hệ Việt Nam tương lai, nhất là khi có sự suy giảm các khoản ưu đãi vì Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình. Vậy quan điểm của nhà tài trợ thế nào, thưa ông?

Khi nối lại ODA cho Việt Nam vào năm 1992, Nhật Bản bắt đầu bằng việc hỗ trợ tái thiết và nâng cấp các công trình hạ tầng chính như Quốc lộ cao tốc 1 và 5 cũng như các nhà máy nhiệt điện nhằm tạo cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững.

Sau hai thập kỷ Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã và đang chuyển dần sang hỗ trợ phát triển các hạng mục hạ tầng chiến lược đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao và hỗ trợ mềm để hỗ trợ chính sách của Chính phủ là Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Vay nước ngoài (bao gồm cả ODA) đôi khi bị chỉ trích là nhân tố chính dẫn đến sự gia tăng nợ công nhanh chóng. Nhưng ý kiến cho rằng, ODA là yếu tố chính làm tăng nợ công là không chính xác. Chúng tôi hy vọng rằng, sẽ có các cuộc thảo luận toàn diện và đầy đủ hơn về sự cần thiết của việc tái cơ cấu nợ Chính phủ bằng cách sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.

Nhìn nợ công của Việt Nam giai đoạn từ năm 2010 đến 2014, theo Bộ Tài chính, nợ trong nước đã tăng hơn 150%, còn nợ nước ngoài tăng có 76%. Nợ trong nước tăng nhanh do Việt Nam tăng phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp nhất là khoảng 5% và kỳ hạn thường ngắn hơn 5 năm. Trái phiếu đã làm tăng nghĩa vụ trả nợ, khiến tình hình ngân sách trở nên căng thẳng hơn.

Trong khi đó, dư nợ vay ODA Nhật Bản tăng từ 9.139 triệu USD năm 2010 lên 11.849 triệu USD năm 2014, tuy nhiên tỷ trọng vốn vay ODA Nhật Bản trong tổng nợ công giảm từ 16% năm 2010 xuống 11% năm 2014. Với ODA Nhật Bản, dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng lãi suất cho dự án cơ sở hạ tầng là 0,1-1,4%, với lĩnh vực môi trường, xây dựng bệnh viện và trường đại học chỉ là 0,3%. Thời hạn vay dài nhất lên tới 40 năm, có 10 năm ân hạn, cũng là một điều kiện rất ưu đãi.

Có ý kiến rằng các khoản vay ODA luôn có các điều khoản ràng buộc như sử dụng tư vấn, thiết kế, nhà thầu và các thiết bị của nhà tài trợ nên ODA không rẻ, không mang lại hiệu quả thực sự tốt cho Việt Nam?

Trước hết, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Nhật Bản tôn trọng quyết định của nước nhận viện trợ về việc có áp dụng các khoản vay kèm các điều khoản ràng buộc hay không.

Vốn vay ODA Nhật Bản ràng buộc được gọi là “Điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế (STEP)”. Hình thức này áp dụng cho các dự án cần tận dụng một cách đáng kể công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản dựa trên yêu cầu của nước nhận viện trợ về việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ vượt trội của Nhật Bản. Điều kiện chính của khoản vay STEP là: Thứ nhất nhà thầu chính sẽ là các công ty Nhật hoặc liên doanh giữa công ty Nhật và Công ty Việt Nam. Thứ hai không dưới 30% hàng hóa sẽ có xuất xứ từ Nhật Bản

Các khoản vay STEP chỉ được dành cho các dự án có yêu cầu công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản. Trong tổng số vốn vay đã cam kết từ năm 2010 đến 2014, tỷ trọng của các khoản vay STEP chỉ khoảng 40% còn 60% số vốn vay không có điều khoản ràng buộc hay hạn chế gì về quốc tịch nhà thầu hay nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chúng tôi đề nghị quý vị xác nhận tỷ lệ vốn vay ràng buộc của các nhà tài trợ khác để hiểu được tính mở và công bằng của ODA Nhật Bản.

Các khoản vay STEP có 3 ưu điểm lớn:

Đầu tiên, STEP có điều kiện rất ưu đãi: lãi suất chỉ là 0,1%, thời hạn 40 năm bao gồm 10 năm ân hạn. Chi phí tài chính của các chủ dự án sẽ giảm đáng kể so với việc sử dụng các nguồn tài chính khác. (Thể hiện ở bảng so sánh chi phí tài chính giữa STEP và trái phiếu Chính phủ).

Tiếp theo, STEP vẫn cho phép thực hiện các hợp đồng với liên doanh giữa các DN Nhật Bản và DN Việt Nam, nên các DN Việt Nam có thể mở rộng các cơ hội kinh doanh của mình thông qua các liên doanh Việt Nam – Nhật Bản.

Và quan trọng nhất: việc chuyển giao các công nghệ Nhật Bản thông qua liên doanh, góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật và năng lực quản lý xây dựng của DN Việt Nam.

Các nhà thầu Việt Nam có cơ hội thực hiện các dự án ODA không và qua cách thức nào, thưa ông?

Có. Với các khoản vay theo điều kiện thông thường, DN Việt Nam có thể tham gia với tư cách là nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ. Với dự án hình thức STEP, DN Việt Nam có thể tham gia với tư cách là thành viên của liên doanh Việt Nam – Nhật Bản hoặc là nhà thầu phụ.

Theo số liệu của JICA, giá trị các hợp đồng được thực hiện bởi các DN Việt Nam trong khuôn khổ các dự án vốn vay ODA Nhật Bản đang tăng theo từng năm, từ 31,2 tỷ Yên năm 2010 đến 73,5 tỷ Yên trong năm 2014. Đã có những DN Việt Nam thực hiện các dự án ODA lớn như trong dự án Đường cao tốc Bắc Nam, đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi do CIENCO 1 tham gia, đoạn TP. Hồ Chí Minh – Dầu Giây là CIENCO 4;  TVINACONEX ở Dự án Nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài...

Chúng tôi tin tưởng rằng, vốn vay ODA Nhật Bản có tính mở nhất đối với các DN Việt Nam so với các khoản vay của các đối tác phát triển khác. Xin được chia sẻ rằng, JICA công khai thông tin về nhà thầu của các hợp đồng có giá trị trên 100 triệu Yên Nhật trong báo cáo thường niên của mình.

Xin ông cho biết, để tham gia vào các dự án ODA Nhật Bản, các nhà thầu cần đáp ứng điều kiện và tiêu chí gì?

Việc đấu thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ được tài trợ bởi các khoản vay ODA Nhật Bản sẽ phải tuân thủ Hướng dẫn Đấu thầu áp dụng cho các Dự án vốn vay ODA Nhật Bản.

Các nguyên tắc cơ bản của đấu thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ là đảm bảo tính kinh tế, hiệu suất, công bằng và minh bạch. Các tiêu chí đấu thầu cho mỗi dự án/gói thầu được lập dựa trên quy mô thực tế, tính phức tạp, phương pháp/công nghệ hoặc các đặc điểm khác của dự án/gói thầu và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nói trên.

Với kinh nghiệm và năng lực đã được nâng cao của các DN Việt Nam thông qua hợp tác với các DN Nhật Bản trong việc thực hiện các dự án được tài trợ bởi vốn vay ODA Nhật Bản cho đến nay, chúng tôi tin rằng các DN Việt Nam có thể tự đảm đương và thực hiện nhiều dự án phức tạp hơn.

So sánh chi phí tài chính giữa STEP và trái phiếu

Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam trong việc sử dụng ODA hiệu quả hơn?

Liên quan đến vấn đề gia tăng nợ công, sự cần thiết phải sử dụng ODA hiệu quả đã và đang được thảo luận sâu sắc. JICA rất hoan nghênh những sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công.

Hy vọng Chính phủ sẽ có được một hệ thống phân bổ ngân sách có hiệu suất cao và thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công bao gồm cả các dự án ODA. Để lập được một Kế hoạch đầu tư công trung hạn vận hành tốt, ngoài việc xây dựng một kế hoạch đầu tư phù hợp thì kế hoạch trả nợ các khoản vay cho mỗi dự án đầu tư công và cải thiện chi tiêu thường xuyên cũng cần được chú trọng.

JICA đang chuẩn bị thành lập hệ thống giám sát dự án trên Web để theo dõi tiến độ đấu thầu của các gói thầu và tình hình thực hiện tất cả các dự án vốn vay ODA Nhật Bản. Bước tiếp theo, JICA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư trong việc nâng cấp chương trình này để áp dụng cho tất cả các dự án đầu tư công tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch.

Theo Đỗ Lê

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên