Ông Ngô Trí Long: Giá dầu giảm, kinh tế Việt Nam “được nhiều hơn mất”
Giá dầu giảm mang lai rất nhiều lợi ích. Đây là 1 yếu tố quan trọng đối với cả sản xuất và tiêu dùng. Khi giá dầu giảm sâu, tức là chi phí đầu vào giảm, tạo cơ hội cho chi phí sản xuất giảm, giá thành giảm, giá bán giảm và kết quả là doanh nghiệp đẩy mạnh được tiêu thụ.
- 07-02-2015Giá dầu thô giảm mạnh: Đừng chỉ lo thu ngân sách
- 06-02-2015Biến động giá dầu và các kịch bản tác động đến kinh tế VN trong năm 2015
- 02-02-2015Tháng 1/2015: Giá giảm, sản lượng khai thác dầu thô vẫn tăng
Nội dung đáng chú ý:
- Theo ông Ngô Trí Long, với kịch bản giá dầu 40USD/thùng, Nhà nước cần có chính sách và giải pháp cụ thể để đảm bảo đúng cân đối ngân sách và dự toán mà Quốc hội đã đưa ra.
- Giá dầu giảm có những khó khăn, thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam.
- Để tích trữ dầu thì có 2 yếu tố quan trọng cần phải xem xét. Thứ nhất là cơ sở về điều kiện vật chất, hạ tầng. Thứ hai là phải có khả năng dự báo chính xác.
Theo 2 chuyên gia kinh tế Bùi Trinh và Nguyễn Quang Thái, giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua được coi là một "dịp may hiếm có" đối với kinh tế Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau một thời gian dài khó khăn thì đã có những cơ hội để khởi sắc. Để nhìn nhận rõ hơn về những tác động của giá dầu đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.
Trong cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô và ngân sách theo kịch bản giá dầu 40USD/thùng. Kịch bản này có tác động gì đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, thưa ông?
Quốc hội đã đưa ra dự thảo về nguồn thu ngân sách năm 2015 dựa trên kịch bản giá dầu 100USD/thùng. Kịch bản này sẽ đảm bảo cân đối thu chi ngân sách đã đưa ra.
Hiện nay, nếu giá dầu xuống 40USD/thùng thì chắc chắn sẽ làm giảm nguồn thu, thâm thủng ngân sách lớn bởi các nguồn thu từ dầu giảm. Cụ thể, giá dầu giảm thì tổng giá trị giảm, từ 100USD xuống còn 40USD tức là giảm 60%.
Bên cạnh đó, giá giảm xuống 40USD thì không phải tất cả các mỏ dầu khai thác đều có lãi. Các mỏ dầu khai thác không có lãi hoặc không hiệu quả sẽ bị ngừng khai thác, do đó sản lượng cũng giảm. Giá giảm, sản lượng giảm thì đương nhiên nguồn thu giảm.
Ngoài ra, nguồn thu từ thuế cũng sẽ giảm. Trong bối cảnh sức cầu yếu như hiện nay, có 2 biện pháp kích cầu là giảm thế và tăng chi tiêu. Tuy nhiên tăng chi tiêu khá nguy hiểm, không hiệu quả. Do vậy, các quốc gia thường thực hiện giảm thuế.
Do vậy, với kịch bản giá dầu 40USD/thùng, Nhà nước cần có chính sách và giải pháp cụ thể để đảm bảo đúng cân đối ngân sách và dự toán mà Quốc hội đã đưa ra.
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong tháng 1 năm 2015, mặc dù giá dầu thế giới giảm sâu và có thời điểm chạm đáy 47USD/thùng nhưng sản lượng dầu thô khai thác của Việt Nam vẫn tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, tăng cường khai thác dầu thô có lợi cho Việt Nam hay không? Và nếu tiếp tục tăng cường khai thác thì kịch bản nào sẽ xảy ra?
Dầu là tài nguyên không tái tạo được. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, được coi như “vàng đen” của Việt Nam cho nên phải sử dụng có hiệu quả, không nên khai thác dầu một cách tràn lan và đem bán bằng mọi giá, dù là giá thấp. Nếu làm như vậy, vô hình chung đã làm tổn hại tài sản quốc gia.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từng cho biết, nếu giá dầu xuống khoảng 70USD/thùng là Việt Nam có lãi rất ít. Do đó, không nên tăng cường khai thác trong bối cảnh giá dầu giảm quá sâu.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá dầu giảm sâu là một "dịp may kiếm có" cho kinh tế Việt Nam. Ông có đánh giá thế nào về nhận định này? Theo ông, doanh nghiệp sẽ được lợi gì từ "dịp may hiềm có" này?
Giá dầu giảm có những khó khăn, thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó thách thức lớn nhất là nguồn thu bị giảm.
Ở chiều ngược lại, giá dầu giảm mang lai rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, đây là 1 yếu tố quan trọng đối với cả sản xuất và tiêu dùng. Khi giá dầu giảm sâu, tức là chi phí đầu vào giảm, tạo cơ hội cho chi phí sản xuất giảm, giá thành giảm, giá bán giảm và kết quả là doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ.
Đối với người tiêu dùng, giá cả đầu vào giảm thì chi phí cho các mặt hàng xăng dầu giảm, khoản tiền họ phải chi sẽ ít đi. Như vậy sẽ làm tăng thu nhập, góp phần tăng sức mua, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.
Giá dầu giảm thì thiệt hại lớn nhất là những quốc gia dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu. Đối với Việt Nam là nước vừa xuất vừa nhập khẩu dầu thì cái hại đó không quá lớn. Ở đây, cái lợi vẫn lớn hơn cái hại rất nhiều, tức là kinh tế Việt Nam “được nhiều hơn mất”.
Hàng năm Việt Nam tiêu dùng xăng dầu trong các lĩnh vực sản xuất, an ninh, quốc phòng … rất lớn. Bên cạnh đó, đối với tiêu dùng cá nhân, những khoản phải chi cho xăng dầu cũng giảm đáng kể. Trong lĩnh vực tài chính, muốn tăng thu thuế thì phải tạo ra nguồn thu. Hiện nay, khi giá dầu giảm sâu, chi phí đầu vào giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Và khi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì nguồn thuế cũng tăng, dĩ nhiên nền kinh tế sẽ được lợi.
Trong thông cáo báo chí phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1 năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề xuất tích trữ khoảng 1-1,5 triệu tấn dầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tích trữ dầu là hoàn toàn đúng. Để tích trữ dầu thì có 2 yếu tố quan trọng cần phải xem xét. Thứ nhất là cơ sở về điều kiện vật chất, hạ tầng. Thứ hai là phải có khả năng dự báo chính xác. Tuy nhiên, nghiên cứu dự báo giá dầu luôn là một bài toán khó.
Tích trữ ở thời điểm nào là hợp lý nhất, phải cân nhắc khi nào giá dầu gần chạm đáy thì mua vào và đợi đến khi giá “ngóc lên” thì bán ra. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách phải nắm được diễn biến cụ thể và thực tế. Bên cạnh đó, giá dầu biểu hiện “sức khỏe” của nền kinh tế nên nó cũng tác động rất lớn tới thị trường chứng khoán.
Trước “dịp may hiếm có” là giá dầu giảm, Chính phủ cũng như nhiều tổ chức kinh tế tại Việt Nam đều có chung nhận định rằng, khả năng đạt mức tăng trưởng 6,2% năm nay là khả thi. Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại đang có đề xuất tăng giá điện thêm khoảng 9,5%. Khi giá điện tăng thì dẫn đến chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp tăng, sẽ đẩy giá thành tăng và làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo ông, nếu giá dầu giảm mà giá điện tăng thì có ảnh hưởng gì đến “dịp may hiếm có” này hay không?
Tất nhiên sẽ có ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào việc giá dầu giảm đến đâu và EVN tăng giá điện bao nhiêu phần trăm.
Trong hoạch định kinh tế, cái quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo phải có định hình, tầm nhìn và một tư duy kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cần phải phát huy lợi thế so sánh, lấy năng suất lao động làm nền tảng, lấy hiệu quả làm đầu.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.
>>>Giá xăng dầu giảm kích thích kinh tế tăng trưởng
Nguyệt Quế (thực hiện)