Ông Phùng Quốc Hiển: Dự án gì mà nay rơi thanh sắt, mai rơi thanh dầm thì nguy hiểm quá
Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư kéo dài dự án thi công và đội vốn, gây mất an toàn trong thi công.
- 15-03-2016Chủ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trần tình về những sai phạm
- 11-03-2016Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ do Tổng thầu Trung Quốc nợ hơn 500 tỷ đồng
- 10-03-2016“Phải Thanh tra toàn diện công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông”
- 10-03-2016Công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông: Thiếu an toàn, nhiều sai phạm
Liên quan đến hàng loạt sai phạm của dự đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Công ty Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) và Công ty cổ phần nhà X4 (nhà thầu phụ) triển khai, nhiều câu hỏi đặt ra: Quốc hội có tổ chức giám sát công trình này trong thời gian tới hay không?
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội – ông Phùng Quốc Hiển cho biết việc Quốc hội có giám sát hay không phải trên cơ sở kế hoạch được đưa ra. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu chậm tiến độ, nâng giá hợp lý, mất an toàn lao động, thì cần phải xem xét.
“Cấp độ Quốc hội có giám sát hay không còn phụ thuộc vào các ủy ban. Nếu các ủy ban thấy rằng cần thiết phải tiến hành, giám sát ở cấp độ ủy ban. Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đang bàn để giám sát việc sử dụng vốn ODA. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông là một trong những công trình có vốn ODA. Tôi nghĩ rằng khi đủ điều kiện cần thiết thì tiến hành" – ông Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có hoạt động thanh, kiểm tra với dự án này, do đó việc giám sát dự án này sẽ được Quốc hội khóa mới xem xét đưa vào kế hoạch. Trong đó một số vấn đề đặt ra với dự án này đó là việc sử dụng nguồn vốn, khi tổng vốn đầu tư tăng lên, chậm thi công và tính an tonaf của dự án không đảm bảo.
Ông Hiển đặt câu hỏi: “Tổng mức đầu tư lên thì mức tăng đó có hợp lý hay không, vì sao lại tăng hay anh bỏ thầu thấp để trúng thầu nhưng cuối cùng anh lại kéo dài thời gian để mà nâng mức tổng đầu tư lên thì đây là yếu tố cần được xem xét một cách kỹ lưỡng trong quy trình điều tra”.
Do đó, ông Hiển cho rằng cần phải làm rõ lý do khiến chủ đầu tư kéo dài tiến độ thi công so với kế hoạch. Việc đưa công trình chậm tiến độ vào khai thác, tức là hiệu quả sử dụng không đúng kế hoạch, rõ ràng là có lãng phí.
Tuy nhiên, không chỉ băn khoăn về việc đội vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách quan ngại hơn đến tính an toàn trong thi công của công trình này. Dẫn chứng là có nhiều vụ việc vật liệu thi công rơi xuống đường, gây hư hỏng phương tiện và thậm chí gây thiệt hại về người, đã đặt ra nhiều dấu hỏi lớn trong việc đảm bảo an toàn khi thi công.
“An toàn phải là trên hết. Nhưng dự án gì mà nay rơi thanh sắt, mai lại rơi thanh dầm thì nguy hiểm quá. Việc này, tổng thầu phải tính giải pháp nào đó hợp lý hơn, điều quan trọng nhất tính mạng con người cần phải đặt lên hàng đầu. Tôi thấy nhiều khi có đoạn không thi công mà vẫn rào chắn rất là nhiều khiến ùn tắc giao thông, cho nên phải điều chỉnh lại” – Ông Hiển đề nghị.
Trước đó, nhiều sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đưa ra. Bên cạnh việc mất an toàn trong thi công, thì việc đội vốn và chậm tiến độ đã khiến cho người dân bức xúc. Cụ thể, dự án này đã đội vốn lên từ 553 triệu USD lên 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD).