MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trương Đình Tuyển: Động lực chủ yếu phải là kinh tế tư nhân

"Quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không còn chính xác. Điều cần thay đổi là phải lấy kinh tế tư nhân làm động lực chủ yếu, phải có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” – Cựu Bộ trưởng Thương mại nhấn mạnh.

Sáng nay (21/4), Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 đã chính thức khai mạc tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động”, Diễn đàn đã quy tụ hàng trăm chuyên gia kinh tế, cũng như các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Việt Nam đến tham luận và chia sẻ về thực trạng và giải pháp cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Quang cảnh Diễn đàn kinh tế mùa xuân sáng 21/4.

Quang cảnh Diễn đàn kinh tế mùa xuân sáng 21/4.

Trong tham luận trình bày tại diễn đàn, Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển – người được mệnh danh là “ông WTO của Việt Nam” nhận định, kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2014 ổn định hơn, xu hướng phục hồi tăng trưởng khá rõ.

Cụ thể, theo ông Tuyển, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt những bước tiến quan trọng. Thông qua, sửa đổi 29 luật, trong đó có những luật quan trọng như luật DN, luật đầu tư, luật đầu tư công, luật đấu thầu, luật kinh doanh bất động sản, đã tạo ra khuôn khổ thể chế mới cho hoạt động kinh doanh.

Tuy đạt được những cải thiện nhất định nhưng Việt Nam vẫn chưa tạo được chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện đột phá chiến lược có ý nghĩa quan trọng nhất - đột phá tạo sức lan tỏa đến hai đột phá khác là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.

Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng trên 30% GDP, nhiều hàng hóa và dịch vụ  DNNN vẫn chiếm vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường và chèn lấn khu vực tư nhân, chưa có đổi mới về hệ thống chính trị, tạo “đường dẫn” cho cải cách hành chính đến với thị trường, người dân và doanh nghiệp.

Tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa có chuyển biến mạnh. Trong năm 2014, tái cơ cấu đầu tư công vẫn chi được thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đây chưa phải là nội dung cơ bản của tái cơ cấu đầu tư, mới chỉ là xác lập trật tự đầu tư cho phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn.

Tuy nhiên trong năm 2014 Chính phủ đã trình Quốc Hội ban hành nhiều văn bản pháp luật về đầu tư đã “chạm” đến tái cơ cấu đầu tư (luật đầu tư, luật đấu thầu, luật đầu tư công). Trong tháng 1/2015, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định về hợp tác công tư PPP.

Mặc dù vậy, nếu không đổi mới về quy hoạch, trong đó lấy quy hoạch vùng làm trọng tâm và đổi mới hệ thống phân cấp thì tình trạng phân tán vẫn có thể diễn ra.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu các định chế tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại mới thể hiện chủ yếu ở hai nội dung: xử lý nợ xấu và sát nhập các ngân hàng thương mại yếu kém.

Về xử lý nợ xấu, chủ yếu vẫn là cơ cấu nợ lại nợ và “nhốt” nợ vào VAMC. Sau những kết quả tích cực trong các năm 2011-2013,  năm 2014 không sát nhập thêm ngân hàng thương mại nào. Tuy nhiên,  trong năm 2014 NHNN đã xây dựng phương án để 2015 sát nhập nhiều ngân hàng thương mại yếu kém.

Tái cơ cấu DNNN chủ yếu mới thể hiện trên 2 tiêu chí là cổ phần hóa và thoái vốn. Tính đến 24/3/2015 cả nước đã thoái vốn được 4.937 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tỷ lệ bán phần vốn nhà nước quá thấp, thì CPH như hiện tại chỉ mới dừng lại ở mục tiêu huy động vốn, không có ý nghĩa tái cơ cấu thực chất vì không tạo ra đột phá trong đổi mới quản trị và phân định lại chức năng chủ sở hữu Nhà nước với đại  diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Theo đánh giá của ông Tuyển, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, xu hướng phục hồi tăng trưởng là khá rõ nhưng chưa thể nói nền kinh tế đã đi vào quỹ đạo phát triển bền vững. Tuy nhu cầu nội địa có xu hướng phục hồi nhưng còn chậm, tăng trưởng trong năm 2014 chủ yếu là xuất khẩu tăng. Trong khi đó xuất khẩu lại phụ thuộc vào thị trường thế giới và đang tăng chậm lại.

Bên cạnh đó, chủ trương nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng không được thể hiện trong  phát triển kinh tế. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực FDI tăng liên tục từ 15,6% năm 2005 lên xấp xỉ 20% năm 2013. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014,  khối FDI chiếm gần 68%.

“Với xu thế này, quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không còn chính xác. Điều cần thay đổi là phải lấy kinh tế tư nhân làm động lực chủ yếu, phải có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” – Cựu Bộ trưởng Thương mại nhấn mạnh.

>>>Vẫn có những cản lực cho sự phát triển của kinh tế tư nhân!

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên