MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Trần Đình Thiên: Phải 'cưỡng chế' tái cơ cấu

Trao đổi với chúng tôi,TS Trần Đình Thiên cho biết, để tái cơ cấu phải tiếp cận từ trên xuống, không tiếp cận từ dưới lên theo đề xuất tái cơ cấu, nghĩa là phải cưỡng chế tái cơ cấu, buộc phải tái cơ cấu.

Nhìn lại một năm diễn ra quá trình tái cơ cấu nói chung và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, rõ ràng chúng ta chưa tái cơ cấu được gì nhiều, riêng khâu làm đề án đã mất quá nhiều thời gian.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để thành công trong quá trình tái cơ cấu, không được đặt riêng tái cơ cấu doanh nghiệp ra thành một việc làm như trong năm vừa qua.

"Nói về tái cơ cấu trong điều kiện khó khăn và chúng ta chưa làm được gì đáng kể so với mục tiêu, phải xem xét lại cách thức tổng thể của quá trình tái cơ cấu không phải chỉ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phân bổ nguồn lực, không phải chỉ việc này mà còn nhiều việc khác", ông Trần Đình Thiên nói.

PGS TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, các Tập đoàn, Tổng công ty hầu hết đều có đề án nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Cụ thể là vấn đề nguồn lực, vốn.

"Chúng ta không thể làm đồng khởi vì nguồn lực không đủ, bản thân các doanh nghiệp nhà nước đang có vấn đề về vốn, ngân sách cũng đang yếu nên vấn đề nguồn lực quốc gia dành cho tái cơ cấu là rất thiếu, doanh nghiệp đủ nguồn lực thì việc này dễ hơn nhiều.

Chúng ta không thể tái cơ cấu theo kiểu đại trà, muốn nhanh cũng không được. Tuyệt đối không thể làm 100% doanh nghiệp ngay lập tức mà phải dựa vào thực tiễn", ông Thiên nhấn mạnh.

Vấn đề thứ 2, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thiên, phải tiếp cận tái cơ cấu từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên theo đề xuất tái cơ cấu thì lúc này áp lực tái cơ cấu mới mạnh. Nhu cầu khách quan từ dưới lên tức là từ cuộc sống nhưng áp lực phải từ trên xuống, như thế mới gọi là cưỡng chế tái cơ cấu, buộc phải tái cơ cấu nếu không sẽ rơi vào tình trạng dưới đi xin tái cơ cấu là rất khó.

Ông cũng đồng tình với thông điệp của Thủ tướng năm 2014 và coi đây là điểm mấu chốt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chính là cơ chế điều hành giá cả phải thay đổi, phải cạnh tranh tự do và giá phải là giá thị trường.

"Giá là nền tảng để các doanh nghiệp có thể vận hành theo cơ chế thị trường nhưng chưa có giá thị trường thì doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu sẽ vận hành theo cơ chế nào khi than, điện, đất cát, xăng dầu vẫn theo cơ chế điều hành giá hành chính méo mó, lãi suất, tỷ giá vẫn lệch?" PGS.TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.

"Thủ tướng đã nhắc đến nhiệm vụ đầu tiên phải cơ cấu giá, hệ thống giá, cơ chế cạnh tranh sau đó mới nói đến doanh nghiệp nhà nước và đây là logic đúng cần phải làm theo", PGS.TS Trần Đình Thiên tin tưởng.

Thoái vốn ngoài ngành chắc chắn sẽ khác

TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tin rằng kỳ này câu chuyện thoái vốn ngoài ngành chắc chắn sẽ khác đi chứ không như những lần trước nữa.

Theo TS Vũ Viết Ngoạn, việc liên tục chỉ đạo tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành tại các hội nghị đã thể hiện quyết tâm rất cao của Thủ tướng.

Một trong những nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu thoái vốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước tập trung vào việc chính yếu. Không thể có vốn phân tán ra nhiều lĩnh vực. Công tác quản trị kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty do nguồn lực cũng có hạn, cho nên không quá phân tán, ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư.

Bích Ngọc

Theo Nguyên Thảo

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên