MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS.Trần Đình Thiên: Nền kinh tế đang có một quỹ đạo không bình thường

Theo ông Thiên, “nguy hiểm” ở chỗ, việc đánh giá nợ công hiện nay có xu hướng “xem nhẹ” – tức là đánh giá nguy cơ thấp hơn thực tế, ít căn cứ vào sức khỏe thực tế của nền kinh tế

Cũng như Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013, bài phát biểu của PGS.TS. Trần Đình Thiên tiếp tục thắp lửa Diễn đàn năm nay.

Theo ông Thiên, kinh tế năm 2013 đặc biệt khó khăn, nhưng có một số điểm sáng. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi đặt ra, đó là: Nền kinh tế đã thoát đáy hay chưa, đang đi xuống, hay ngừng đi xuống, nhưng vẫn trì trệ? Các điểm nghẽn đã cơ bản được giải quyết? Điểm sáng thực sự ở đâu và phải làm gì để tạo nên đột phá?

Những điểm sáng, theo ông Trần Đình Thiên, đáng chú ý là những dấu mốc sau:

- GDP vẫn tăng trưởng cao hơn năm 2013. Xu hướng tăng trưởng đi lên khá chắc chắn.

- CPI năm 2013 duy trì mức độ thấp. Riêng quý 1, CPI được tính toán thấp nhất trong 13 năm.

- Xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục tăng. Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu với sự đóng góp của khối FDI.

Tuy nhiên, nền kinh tế đã phải trả giá thế nào để có được sự phát triển đến như vậy? Đó là câu hỏi mà ông Trần Đình Thiên đặt ra. “Nền kinh tế đang có một quỹ đạo không bình thường. Cứ như một định mệnh nào đó” – ông Thiên vẫn tỏ ra hoài nghi.

Điểm gút quan trọng nhất cần giải quyết hiện nay theo ông Thiên là Nợ xấu và nợ công.

Quan điểm về nợ xấu và nợ công hiện chưa thực sự rõ ràng và khác với thông lệ quốc tế. Chuẩn mực đo không thống nhất, số liệu hiện vẫn có sự khác nhau giữa các thống kê. Quy mô nợ lớn, xu hướng gia tăng nhanh. Và “nguy hiểm” ở chỗ, việc đánh giá nợ công hiện nay có xu hướng “xem nhẹ” – tức là đánh giá nguy cơ thấp hơn thực tế, ít căn cứ vào sức khỏe thực tế của nền kinh tế, của NSNN và của doanh nghiệp.

Tồn kho bất động sản, tuy được cho rằng giảm đi, nhưng ông Thiên cho rằng giá trị vẫn lớn, đặc biệt trong tương quan giá trị tài sản doanh nghiệp. Dư nợ liên quan đến bất động sản cũng tăng lên. Điều này hết sức đáng quan ngại.

Vậy, nguy cơ nằm ở đâu?

- Quan niệm về nợ công hiện nay không cho phép đánh giá đúng nguy cơ.

- Tốc độ tăng nợ. Hiện nay chúng ta đang vay để trả nợ, chứ không phải là để sản xuất.

- Cơ cấu nợ: Tỷ trọng nợ ngắn hạn lớn gây áp lực trả nợ

- Năng lực trả nợ của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước hiện đang “có vấn đề”.

Số doanh nghiệp đóng cửa cao hơn, và quy mô chất lượng doanh nghiệp đóng cửa cao hơn năm trước. Trong khi đó, doanh nghiệp mới thành lập lại có quy mô và chất lượng giảm dần. 

Về giải quyết nợ xấu, cách xử lý hiện tại phù hợp với tình trạng ngân sách và sức khỏe Ngân hàng, doanh nghiệp yếu, bảo đảm an toàn hệ thông nhưng quá chậm, không tháo gỡ được cục máu đông. Dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục suy yếu và đóng cửa. Ông Thiên đề nghị cần bổ sung biện pháp quyết liệt, triệt để để giải quyết nợ xấu trong vài năm, bằng "tiền tươi thóc thật". Nguồn tài chính có thể bằng cách bán tài sản Nhà nước (Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước), hoặc vay từ các tổ chức nước ngoài...

Minh Thư

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên