MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Phát thèm” với xuất khẩu của doanh nghiệp FDI

Ở một số địa phương, hoạt động XK phụ thuộc hoàn toàn vào khối DN FDI khi khối DN này chiếm đại đa số kim ngạch XK toàn tỉnh. Trong khi đó, DN “nội” vẫn đang lúng túng tìm cách vượt khó.

Theo đại diện của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu (XK) của Samsung đạt khoảng 26 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng kim ngạch XK cả nước.

Năm 2015, Samsung dự kiến kim ngạch XK đạt 30 tỷ USD. Nếu tính riêng đóng góp của nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT) cho XK của tỉnh Thái Nguyên thì kim ngạch XK của SEVT đã chiếm tới 99% kim ngạch XK của tỉnh này.

Thái Nguyên chính là điển hình rõ rệt của việc XK phụ thuộc vào DN FDI. Nhưng Thái Nguyên không phải là ngoại lệ.

Trong một báo cáo gần đây về hoạt động đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng thừa nhận thực tế giá trị kim ngạch XK của tỉnh chủ yếu do khu vực đầu tư nước ngoài tạo ra.

Nếu như năm 2010 kim ngạch XK của khu vực FDI mới đạt 2,38 tỷ USD thì ước cả năm 2015 đạt 22,33 tỷ USD, chiếm tới 99,2% toàn tỉnh. Mặt hàng XK chủ yếu là điện thoại và linh kiện điện tử với trên 90% giá trị XK.

“Tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào sự tăng trưởng của khu vực vốn đầu tư nước ngoài, do vậy tăng trưởng có yếu tố chưa bền vững” – UBND tỉnh Bắc Ninh thừa nhận thực tế.

Thực trạng này cũng tồn tại ở UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Đánh giá số thu thuế từ XNK năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Trong những năm qua, số thu thuế từ hoạt động XNK chủ yếu tập trung ở các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy như Honda, Toyota, Piagio...”.

Khi có những thay đổi liên quan đến chiến lược của các DN này, số thu của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngay lập tức sụt giảm. Điều này khiến Vĩnh Phúc không khỏi “đau đầu” khi đặt ra các chỉ tiêu thu từ XNK cho năm 2016.

Từ thực tế ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, hay Vĩnh Phúc, cũng không mấy ngạc nhiên khi kim ngạch XK của khu vực FDI “áp đảo” hoàn toàn DN “nội” xét trên bình diện toàn nền kinh tế nước ta.

Theo đánh giá mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng vừa qua, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục khẳng định thế mạnh và vai trò trong tăng trưởng XK của Việt Nam. XK của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 9 tháng năm 2015 đạt 85,2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70,6% tổng kim ngạch XK.

Các mặt hàng XK chủ lực của các DN khu vực đầu tư nước ngoài là: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may… “Đặc biệt trong lĩnh vực XK mặt hàng điện thoại và linh kiện, khu vực đầu tư nước ngoài gần như chiếm thế độc tôn, điển hình là dự án sản xuất điện thoại của Samsung” – Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: 9 tháng năm 2015, tốc độ tăng trưởng XK của các nhóm hàng điện thoại và linh kiện, điện tử máy tính và linh kiện trong khu vực đầu tư nước ngoài vẫn đang ở mức rất cao, tương ứng tăng 34,3% và 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, một số DN lớn FDI như Samsung đã góp phần đáng kể trong tăng trưởng XK trong lĩnh vực này.

Nhiều vấn đề đặt ra

DN FDI đang giữ thế “thượng phong” ở Việt Nam khiến bản thân DN “nội” không tránh khỏi tâm lý bất an. Tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Euromoney tổ chức ngày 30-9, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã nhận xét: Tỷ trọng FDI trong nền kinh tế Việt Nam hiện tại khá lớn, làm mất đi nhiều cơ hội phát triển của DN. Đây là điều mà hầu hết các DN Việt Nam đều hết sức trăn trở. Ông Vũ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phải được dẫn dắt bởi những tập đoàn của Việt Nam thì mới có thể tự chủ lâu dài được.

Ông Vũ cũng cho rằng, DN Việt Nam hoạt động minh bạch, thuế đóng đủ nhưng với các DN FDI chuyện chuyển giá khá phổ biến. DN Việt Nam tuổi đời ngắn, tiềm lực yếu, sức lực cũng đã yếu qua thời gian khó khăn vừa qua nên khó cạnh tranh được với DN FDI chuyển giá.

Do vậy, ông Vũ kiến nghị: “Về trung hạn và dài hạn, chính sách của Nhà nước cần thúc đẩy sự phát triển của các DN nội địa nhưng thực sự, hiện nay, Việt Nam như đã thành một nơi để các DN nước ngoài khai thác tối đa lợi thế. Chẳng hạn DN ngành thép chúng tôi đã không còn dư địa phát triển, các ngành khác cũng vậy”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi đó đã bày tỏ đồng tình với quan điểm phải phát triển DN trong nước bởi DN trong nước mới tạo ra thương hiệu sản phẩm của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên hay nước mắm Phú Quốc chứ không phải Samsung. Song ông Vinh cũng thẳng thắn cho rằng phát triển DN “nội” không đồng nghĩa với việc “bế quan tỏa cảng” DN FDI.

“Việt Nam thu hút FDI là để tạo cạnh tranh, kéo khu vực trong nước đi lên, phải làm sao DN trong nước đi nhanh hơn, chứ không thể đóng cửa với FDI. Điều đáng tiếc là kỳ vọng thu hút FDI để từ đó kéo sự phát triển của khu vực DN trong nước đã chưa thể thực hiện được” – Ông Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Ngoài ra, một vấn đề cũng được Cục Đầu tư nước ngoài bày tỏ sự băn khoăn. Đó là trong một vài năm tới khi các nhà máy của DN FDI đã hoạt động ổn định, tốc độ tăng trưởng XK không thể đột biến như trước đây. Khi ấy, dù giá trị tuyệt đối đóng góp vào kim ngạch XK chung của cả nước vẫn cao, nhưng xét về gia tốc tăng thêm thì không thể cao như trước.

Mặt khác, việc khối DN FDI chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch XK của Việt Nam cũng dễ hiểu bởi các DN FDI có có tiềm lực tài chính mạnh, đặc biệt là có lợi thế về thị trường XK. Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: Nhóm hàng XK lớn mà DN FDI đang giành lợi thế phần lớn lại là gia công, lắp ráp. Do vậy, XK nhiều, mà NK cũng nhiều.

“Trong thời gian tới, cần phải nghiên cứu kỹ xu hướng các DN FDI XK lớn, nhưng gia công nhiều, để làm sao tạo điều kiện cho các DN trong nước đầu tư chiều sâu, đáp ứng nhu cầu nguyên, phụ liệu cho khối DN FDI này” – Cục Đầu tư nước ngoài nêu rõ định hướng.

Trong một cuộc họp quan trọng tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: Khu vực FDI chiếm tới gần 70% XK có nghĩa tăng trưởng không dựa vào nội lực mà là dựa vào nước ngoài.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa của các DN lớn có dấu hiệu tăng tích cực, tuy nhiên tỷ lệ trên bao gồm cả DN Việt Nam và DN FDI đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Tỷ lệ tham gia của DN Việt Nam trong liên kết với các DN FDI là không đáng kể (Canon có 10 DN trong nước, Samsung có 4 DN trong nước tham gia cung cấp sản phẩm hỗ trợ).

Bên cạnh đó, DN Việt Nam chỉ chủ yếu là những ngành đòi hỏi kỹ thuật rất đơn giản. Còn với những linh kiện, phụ tùng đòi hỏi độ chính xác cao thì chủ yếu là NK hoặc do DN FDI trong nước cung cấp.

 

Theo Lương Bằng

Báo Hải Quan

Trở lên trên