MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần có vốn

Khi Việt Nam mở cửa sâu rộng hơn, thách thức sẽ thuộc về doanh nghiệp vừa và nhỏ yếu về vốn, công nghệ và kém về năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ với PV, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, ví doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở Việt Nam giống như các đầu ngón tay, ngón chân con người; còn vốn là máu nhưng máu không chảy xuống tới đầu ngón tay, ngón chân nên DN gặp rất nhiều khó khăn.

Phải tháo gỡ nút thắt này mới mong DN cạnh tranh và phát triển được trong hội nhập. Và nếu không có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển với những chính sách ưu đãi về vốn lãi suất thấp, DN vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều nguy cơ trên sân nhà.

Đừng để lợi thế chỉ dành phần nước ngoài

Theo ông Yasuzumi Hirotaka, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… có hiệu lực, nhiều DN nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam khiến hoạt động thương mại tăng lên, người tiêu dùng hưởng lợi nhưng chỉ những DN mạnh mới có thể tận dụng được cơ hội.

“Trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa có nền tảng vững chắc, DN còn yếu về nội lực thì nguy cơ bị lu mờ, phải rút khỏi thị trường là rất lớn. Trong 1-2 năm tới, thị trường thấy rõ điều này nên ngay từ bây giờ rất cần những chính sách kịp thời của Chính phủ Việt Nam hỗ trợ, tạo nền tảng vững chắc hơn cho DN nội địa, nhất là DN ngành công nghiệp phụ trợ. Như tại Nhật Bản, khoảng 4 triệu DN vừa và nhỏ đều được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp từ các chính sách của Chính phủ” - lãnh đạo JETRO tại TP HCM chia sẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận nếu không phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để có những DN vừa và nhỏ Việt Nam chen chân trong các chuỗi cung ứng, sản xuất của tập đoàn đa quốc gia, nguy cơ lợi thế về thuế suất từ TPP, các FTA sẽ chỉ dành cho DN nước ngoài.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn, phân tích khi các FTA có hiệu lực, doanh số ngành dệt may được dự báo có thể đạt mốc 30 tỉ USD vào năm 2020 với giá trị nguyên phụ liệu cần có là 21 tỉ USD. Do đó, rất cần phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với yêu cầu xuất xứ theo cam kết trong FTA để DN ngành dệt may tận dụng và khai thác cơ hội.

“Đầu tư công nghiệp hỗ trợ cũng giúp DN rút ngắn thời gian sản xuất, chủ động kiểm soát chất lượng và cân bằng lợi thế cạnh tranh với các DN ngoại. Hiện nay, dệt may có kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ USD nhưng phần lớn nguyên phụ liệu đều nhập khẩu từ nước ngoài nên giá trị gia tăng không cao” - ông Hùng nói.

Cần quỹ cho vay ưu đãi hiệu quả

Tại diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản ngày 19-1, tổ chức ở TP HCM, lần đầu tiên một đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP đang được soạn thảo với kỳ vọng có nhiều đột phá, ưu đãi cho 6 nhóm ngành gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm và dệt may - da giày.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết đề án sẽ trình UBND TP xem xét ngay trong tháng 2-2016. Đây là bước đi tiếp theo của TP sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ tháng 11 năm ngoái.

Sở Công Thương cũng vừa tiến hành khảo sát 1.000 DN trong số 6.000 DN hoạt động về công nghiệp hỗ trợ ở TP HCM để tìm hiểu thực trạng, các rào cản phát triển công nghiệp phụ trợ và đề xuất hướng tháo gỡ.

Rất nhiều lần JETRO Nhật Bản đề xuất lập một quỹ đầu tư cho vay với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy DN công nghiệp hỗ trợ phát triển, đồng thời đưa vào đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ mà TP đang xây dựng. Bởi nhiều DN vừa và nhỏ Việt Nam luôn trong vòng luẩn quẩn: không có tài sản thế chấp nên tiếp cận vốn rất khó, mà không có vốn thì đừng nói chuyện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Nút thắt chính là tài sản thế chấp. Và các quỹ hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng ra đời. Tuy nhiên, không ít quỹ hỗ trợ đang hoạt động như quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, quỹ khoa học công nghệ hay quỹ ưu đãi vốn theo chương trình kích cầu của TP… nhưng chưa hiệu quả và không nhiều DN tiếp cận được.

Ở Nhật Bản, theo vị lãnh đạo JETRO tại TP HCM, hệ thống chính sách của nhà nước mềm dẻo và linh hoạt hơn khi nhiều DN không có tài sản thế chấp vẫn được vay vốn. Trong khi ở Việt Nam, trách nhiệm của những cá nhân xét duyệt cho vay có thể bị xử lý hình sự nên buộc DN muốn vay vốn phải có tài sản bảo đảm.

“Khi đi vay, có những DN thành công và cả thất bại nhưng nhiều DN thành công sẽ đóng thuế và tiếp tục phát triển nền công nghiệp của Việt Nam. Lợi ích nền kinh tế có được sẽ lớn hơn những khoản cho vay bị rủi ro nên chính sách cần có tư duy mềm dẻo hơn” - ông Yasuzumi Hirotaka chia sẻ.

Nên có luật về công nghiệp hỗ trợ

Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, ông Vũ Văn Hòa, nhìn nhận nên chăng cần một quỹ hỗ trợ DN ngành công nghiệp phụ trợ đủ tầm, quy mô lớn với chính sách thông thoáng và thủ tục đơn giản hơn và lãi suất ưu đãi, thay vì quá nhiều quỹ nhưng lại phân tán nguồn lực và không hiệu quả.

Ông Nguyễn Phương Đông lý giải mô hình quỹ nào muốn hoạt động cũng phải dựa trên quy định của pháp luật và TP HCM cũng chỉ có khả năng trong chừng mực nhất định. Như nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ sau bao nhiêu năm mới được ban hành nhưng chỉ là tiền đề chứ chưa giải quyết được căn cơ bài toán phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện vẫn cần luật về công nghiệp hỗ trợ và cả luật DN vừa và nhỏ mới có thể tạo ra những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho DN.

 

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên