Phát triển kinh tế 2016: Phụ thuộc nhiều vào cải cách
Dù kỳ vọng nhiều vào những cơ hội tốt đẹp sẽ làm thay đổi kinh tế đất nước trong năm 2016, song cả chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, kinh tế Việt Nam bứt phá được hay không phụ thuộc chủ yếu vào những cải cách tiếp theo thế nào.
- 09-02-2016Doanh nghiệp Việt lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2016
- 08-02-2016AEC - "Tia sáng" cho các nền kinh tế ASEAN năm 2016
- 03-02-2016Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2016
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể đưa môi trường đầu tư, kinh doanh ngang bằng ASEAN 4 (4 nước dẫn đầu ASEAN). Theo ông Vinh, đây là mục tiêu tham vọng.
“Trên cơ sở văn bản pháp lý, chúng ta đã ngang bằng 4 nước dẫn đầu ASEAN, nhưng để triển khai môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng trên thực tế không dễ. Đây là thách thức trong điều hành. Nếu không có giải pháp đột phá để chấn chỉnh, xử lý cơ quan thi hành pháp luật, để luật pháp được thực thi nghiêm túc, chắc chắn chúng ta không đạt được mục tiêu này. Mong muốn, tuyên bố thôi, còn doanh nghiệp và người dân chưa được hưởng điều này”, ông Vinh nói.
Về giải pháp trong năm 2016, ông Vinh cho rằng, dù năm qua kinh tế vĩ mô ổn định nhưng không nên coi thường, vì những yếu tố bất ổn vĩ mô vẫn rình rập. Nợ công đang ở trần cho phép, nhưng nếu không kiểm soát tốt sẽ dễ dàng vượt qua giới hạn và gây hậu quả; nợ xấu ngân hàng vẫn là rào cản cho tiếp cận của doanh nghiệp.
Động lực chính cho tăng trưởng: Năng suất lao động
Nói về động lực cho năm mới, theo ông Vinh, giải pháp quan trọng nhất dù rất khó nhưng phải làm là nâng cao chất lượng tăng trưởng của Việt Nam. Việt Nam giờ không thể tăng trưởng theo chiều rộng nhờ tăng vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên (dầu khí, than…).
Thay vào đó, phải quan tâm nhiều hơn tới tăng năng suất lao động quốc gia, đó là động lực chính cho tăng trưởng năm 2016 và các năm tiếp theo. Để làm được điều này, ông Vinh cho rằng, phải dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; phá bỏ những rào cản để thúc đẩy khoa học công nghệ thành động lực và nguồn lực phát triển đất nước. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện thể chế, hội nhập có kế hoạch hành động chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực để tận dụng cơ hội và hạn chế khó khăn.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nói rằng năm 2016, Việt Nam sẽ phải đối mặt thách thức lớn nhất là quyết tâm cải cách chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, nhận thức chưa đầy đủ về cơ hội, thách thức, yêu cầu của thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như vai trò của nhà nước, Chính phủ trong điều hành kinh tế.
Theo ông Cung, đây là bài học để quá trình cải cách diễn ra tập trung và thực chất hơn trong giai đoạn từ 2016 về sau. “Hướng tới vai trò và lợi ích cốt lõi của cộng đồng doanh nghiệp là nguyên tắc căn bản của các biện pháp cải cách, điều chỉnh chính sách thời gian tới. Nếu làm được sẽ không chỉ làm mới động lực tăng trưởng, còn tạo niềm tin cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Cung nói.
Theo dự báo của CIEM, năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,82%, lạm phát khoảng 4,3%, đầu tư/GDP khoảng 31%, tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10%, thâm hụt thương mại khoảng 4 tỷ USD.