MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó chủ nhiệm UBKT Quốc hội: "Hiệp hội mía đường đã làm được những gì?"

Theo Phó chủ nhiệm UBKTQH Nguyễn Đức Kiên, Hiệp hội và các doanh nghiệp mía đường đang kêu than nhiều quá, trong khi họ chưa làm được gì nhiều cho cây mía và người nông dân.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó chủ nhiệm UBKT Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, người nông dân trồng mía là thiệt thòi và đáng cảm thông nhất. Nhưng Hiệp hội mía đường thì  “không thông cảm được”.

Không thể bắt nhà nước dàn hàng ngang ra biên giới chống đường lậu

"Hàng hóa sẽ từ nơi có giá thành thấp chảy đến nơi có giá thành cao. Nó sẽ tạo thành 1 sự liên thông trong thị trường  trong  nước, rồi đến liên thông trong khối. Quy luật đấy không tránh được. Nếu đã gọi nó là quy luật của nền kinh tế thị trường thì bản thân hiệp hội mía đường đã làm gì để cho nó phù hợp với quy luật ấy? Hay là chúng ta tiếp tục đề nghị hải quan, biên phòng, quản lý thị trường dàn hàng ngang ra ở biên giới để ngăn cấm đường nhập lậu?

Chúng ta quên mất 1 điều quy luật về giá trị là khi giá trị lợi nhuận của 1 kg đường từ biên giới Campuchia vào VN, nếu 1 kg đường người ta bỏ tiền ra 10.000 đồng, bán được 12.000 đồng thì lãi 20% . Thế thì so với sản xuất ở trong nước có cái nào lợi nhuận được như thế không. Đây là bài toán lợi nhuận của sản xuất kinh doanh nó quyết định hoạt động của sản xuất kinh doanh.

Vậy phải hỏi sao giá đường trong nước của chúng ta cao hơn nước ngoài, để chúng ta bị thẩm lậu, chảy ngược vào? Bản thân Hiệp hội mía đường thừa biết trong dây chuyền để tạo thành chuỗi giá trị để tạo thành 1 sản phẩm 1 kg mía đường thì khâu nào là khâu cần cải tiến để giá đường có sức cạnh tranh, sao không làm?"

Hiệp hội doanh nghiệp đường đã làm được những gì?

"Vấn đề ở đây doanh nghiệp đã gắn trách nhiệm của mình với người nông dân để đưa giống mía mới vào chưa? Có quy trình sản xuất mía phù hợp và có thời điểm thu mua mía rải ra trong một giới hạn có thể để đảm bảo chữ đường không mất đi không, không bị giảm khi nông dân thu hoạch không? Và còn trách nhiệm của cơ quan quản lý là thực hiện ở những cánh đồng lớn trồng mía, để cơ giới hóa, để giảm chi phí nhân công như thế nào?.

Bây giờ Nhà nước điều hành thông qua chính sách thuế. Chúng ta nhìn lại xem nhà nước thu gì nhiều của người nông dân trồng mía không? Còn Hiệp hội mía đường đã làm gì để nâng cao chất lượng mía đường? Hiệp hội, các DN đã đầu tư, ứng dụng  khoa học công nghệ như thế nào, nghiên cứu ra sao?

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đứng ra vay tiền của các tổ chức tín dụng để đưa cho người mua giống mía tốt, mua phân tốt, khuyến khích áp dụng quy trình mới cho người nông dân và nhà nước chấp nhận cái chi phí đấy, cái lãi vay đấy được tính vào giá thành của 1 kg đường, nhà nước có ngăn cấm đâu? Tại sao Hiệp hội không làm để tạo thành chuỗi sản phẩm liên kết, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh?

Bối cảnh kinh tế khó khăn này đòi hỏi từng doanh nghiệp, từng hiệp hội phải nâng cao trách nhiệm của mình đối với xã hội hơn nữa, nâng cao trách nhiệm với đất nước hơn nữa; Bây giờ chúng ta vẫn còn quen nếp cơ chế  kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hơi khó một tý lại yêu cầu nhà nước phải thế này phải thế kia. 

Trong nền kinh tế thị trường vai trò của nhà nước rất hạn chế, quy luật của thị trường chi phối tất cả. Nhà nước chỉ tạo ra môi trường để cho các thành phần và nhà nước sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhóm số đông, và yếu thế. Chứ Nhà nước không thể đi can thiệp vào từng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được”.

Thanh Uyên

uyenlt

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên