Phó Tổng Giám đốc EVN: Đáng lẽ ra giá điện phải tăng 12,8%
Chia sẻ tại cuộc họp báo công bố việc điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 6/3, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, các cho phí đầu vào cấu thành giá điện tăng trên 12% nhưng EVN chỉ đề xuất tăng giá điện thêm 9,5%.
- 06-03-2015Tăng giá điện: Hộ tiêu thụ dưới 50kWh sẽ phải trả thêm gần 5.000 đồng/tháng
- 06-03-2015Quản lý giá điện đã tiến dần tới giá thị trường
- 05-03-2015Tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3/2015
Nội dung nổi bật:
- Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, các chi phí đầu vào cấu thành giá điện tăng trên 12%, nhưng EVN chỉ đề xuất tăng 9,5%.
- Nếu tính đúng, giá điện phải tăng 12,8%.
- Cùng với việc kiểm soát các yếu tố chi phí cấu thành giá điện, EVN cũng tập trung nâng cao năng suất lao động nhằm tăng hiệu quả, giảm giá thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chiều nay (6/3/2015), Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN đã tổ chức họp báo công bố việc điều chỉnh giá điện. Tại cuộc họp báo, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết Chính Phủ đã chính thức đồng ý cho EVN tăng giá điện lên 7,5% từ ngày 16/3/2015.
Ông Tri cho biết từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 có nhiều yếu tố gây sức ép lên giá điện. Theo đó, nếu tính nguyên các chi phí đầu vào thì mức tăng giá điện phải là 12,8%.
"Giá điện lẽ ra phải tăng khoảng 12,8% nhưng chúng tôi kiến nghị tăng 9,5%; lợi nhuận chỉ đạt 3,5%. Tuy nhiên Chính Phủ đã quyết định tăng ở mức 7,5%. Vì vậy lợi nhuận EVN năm 2015 có thể đạt 1% vốn chủ sở hữu, khoảng 1.500 tỷ đồng”, ông Tri nói.
Theo Quyết định 69 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, hàng tháng EVN phải tính toán các chi phí phát sinh hoặc chi phí giảm do điều chỉnh yếu tố đầu vào. Nếu chi phí tăng trên 7%, EVN phải báo cáo Bộ Công thương phê duyệt điều chỉnh, nếu tăng trên 10% thì báo cáo trình Thủ tướng phê duyệt.
Ông Tri cho hay, trong năm 2014, EVN đã nhiều lần trình Bộ Công Thương về việc các yếu tố đầu vào tăng nhưng do kinh tế khó khăn nên Bộ Công Thương chưa cho phép điều chỉnh. Cuối cùng, đến tháng 1/2015, EVN đã gửi phương án giá điện cuối cùng lên Bộ Công Thương và Chính Phủ phê duyệt.
Trong tờ trình, EVN cho biết, các chi phí đầu vào tăng trên 12% nhưng sau khi phân tích những biến động của nền kinh tế, EVN chỉ đề xuất tăng giá điện thêm 9,5%. Cụ thể, theo ông Tri một số yếu tố sản xuất chi phí đầu vào của EVN đã thay đổi:
Giá than: Than Cám 4B đã tăng trên 50% so với phương án trước. Từ năm 2013, Tập đoàn than điều chỉnh tăng lên đến 1/12014 tăng lên hơn 1,4 triệu đồng/ tấn. Các loại than khác cũng tăng cao.
Giá khí trên bao tiêu: Chính Phủ quyết định điều chỉnh giá khí làm chi phí của EVN cũng tăng. Hàng năm EVN phải tính toán để điều chỉnh tăng giá.
Thêm vào đó các loại thuế tài nguyên nước, tài nguyên rừng, chênh lệch tỷ giá… cũng tăng gây sức ép lên giá điện. Hiện nay, EVN vẫn còn hơn 8.000 tỷ đồng lỗ do chênh lệch tỷ giá chưa thể cân đối được. Theo ông Đinh Quang Tri, EVN đã xin Chính Phủ cân đối trả sau năm 2015.
Tổng chi phí sản xuất điện đầu vào của EVN tăng lên 10.491 tỷ đồng, chi phí do giá than tăng 4.495 tỷ đồng, giá khí trên bao tiêu tăng 3.532 tỷ; giá khí trong bao tiêu tăng 557 tỷ.
Trong khi đó, đối với chi phí sản xuất điện đến tháng 1/2015, các yếu tố giảm gồm: giá mua dầu trong nước giảm 219 tỷ đồng, giá dầu quốc tế làm chi phí mua điện giảm 1.366 tỷ đồng.
“Cùng với việc kiểm soát các yếu tố chi phí cấu thành giá điện, EVN cũng tập trung nâng cao năng suất lao động nhằm tăng hiệu quả, giảm giá thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” – ông Tri khẳng định.
Khánh Nhi – Nguyệt Quế