MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phòng chống tham nhũng trong kinh doanh

“Tốt nhất chúng ta nên đi theo cách tiếp cận là phòng tham nhũng, đừng để nó xảy ra rồi mới đi chống, đặc biệt là hành động từ cơ quan thuế, hải quan và công tác quản lý đấu thầu”

Tại phiên Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác phòng, chống tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ, VCCI cùng các nhà tài trợ tổ chức tại Hà Nội sáng 12/11/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phát triển doanh nghiệp trong điều kiện chưa hoàn thiện thể chế Nhà nước, chưa minh bạch thì sẽ phát sinh cạnh tranh không lành mạnh và là cái cớ cho tham nhũng phát triển”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bày tỏ, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, vấn đề tham nhũng và hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được quan tâm một cách đầy đủ. Tham nhũng, hối lộ làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. 

Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự câu kết giữa doanh nghiệp với các công chức tha hoá sẽ hình thành những “nhóm lợi ích thân hữu” và có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, một đất nước không thể phát triển được nếu không có doanh nghiệp. Tuy nhiên phát triển doanh nghiệp trong điều kiện chưa hoàn thiện thể chế Nhà nước, chưa minh bạch thì sẽ phát sinh cạnh tranh không lành mạnh và là cái cớ cho tham nhũng. 

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành rất nhiều thể chế phòng, chống tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm những vụ vi phạm. Tuy nhiên, Luật phòng, chống tham nhũng mới chỉ tập trung vào cán bộ, công chức hay người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. 

“Trước đây chúng ta nhận thức rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, điều đó là chưa đủ khi thực tế rất nhiều doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ để dành thế chủ động trên thương trường, trong cạnh tranh. Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà chưa quan tâm đến liêm chính trong doanh nghiệp mình. Vì vậy, cần phát động phong trào chống tham nhũng, tiêu cực trong cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) lại nhìn nhận dưới góc độ tham nhũng vặt - vấn đề lâu nay bị xem nhẹ bởi số tiền hối lộ cho một lần không lớn. 

“Tuy nhiên, đã là tham nhũng thì 1 đồng cũng là tham nhũng và chính tham nhũng vặt đang làm khổ doanh nghiệp hàng ngày. Tham nhũng vặt được hiểu là doanh nghiệp phải chi các khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ công chức hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công”, ông Hùng nói. 

Kết quả nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ cho thấy: 37% doanh nghiệp được hỏi cho rằng tham nhũng vặt rất phổ biến, 43% đánh giá ở mức phổ biến, 17% cho rằng ít xảy ra. Đa số doanh nghiệp được hỏi cho rằng mình là nạn nhân của tham nhũng vặt với 58% đồng ý, 26% không đồng ý, 16% không ý kiến. Tuy nhiên, 70% doanh nghiệp cho rằng họ chủ động đưa hối lộ, đặc biệt là hối lộ vặt; còn 30% là do cán bộ, công chức gợi ý.

Cùng chủ để nghiên cứu, ông James H.Anderson, đại diện WB cho biết thêm: “Chúng tôi đã tiến hành điều tra trên 1.000 doanh nghiệp ở Việt Nam và có 63% cho rằng cán bộ cố tình kéo dài thời gian, 58% cho rằng cố tình bắt lỗi doanh nghiệp để đòi hối lộ... Kết quả phản ứng của doanh nghiệp cũng đáng buồn khi khoảng 75 – 80% doanh nghiệp đã trả hối lộ ngay cả khi không bị yêu cầu, 63% doanh nghiệp cho rằng hối lộ tạo ra cơ chế bất thành văn để giải quyết công việc, 32% cho rằng “mở ví” là cách nhanh nhất để giải quyết công việc”.

Bà Victoria Kwakwa Giám đốc WB tại Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực trong việc tăng cường minh bạch thông tin hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên nguyên nhân gốc rễ vẫn chưa được đụng đến nên nhiều người dân Việt Nam vẫn cho rằng cuộc chiến phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả như mong đợi. 

“Tốt nhất chúng ta nên đi theo cách tiếp cận là phòng tham nhũng, đừng để nó xảy ra rồi mới đi chống, đặc biệt là hành động từ cơ quan thuế, hải quan và công tác quản lý đấu thầu”, bà Victoria Kwakwa khuyến nghị.

Đại diện Đại sứ quán Đan Mạch cho rằng, cơ chế thực thi trong phòng, chống tham nhũng mới là vấn đề quan trọng, do đó Chính phủ cần đưa ra một khung pháp lý chặt chẽ, nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị phạt thật 

Còn đại diện Đại sứ quán Newzealand lại lưu ý, nếu không làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong kinh doanh thì chính Việt Nam đang làm mất đi những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Cần mở rộng Luật phòng, chống tham nhũng để bao quát cả khu vực tư nhân, đơn giản hóa mức độ tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan để tăng tính minh bạch trong hoạt động... 

Đại sứ Thụy Điển thì nhận xét, Việt Nam có một môi trường đầu tư lẽ ra rất thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nhưng họ đang ngần ngại khi chưa thấy một môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng.

Từ những đối thoại được ghi nhận, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn không phải hoàn toàn do thị trường đem lại mà do tình trạng tham nhũng, hối lộ trong kinh doanh chưa được kiểm soát. Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bổ sung thêm, Nhà nước cần có chính sách ủng hộ các doanh nghiệp thực hiện liêm chính tốt như khi đấu thầu các dự án của Chính phủ cần có chính sách ưu tiên cho những doanh nghiệp đã tham gia liên minh liêm chính, đã có những hành động liêm chính.

Theo Kông Lý

thunm

Thời báo Kinh tế Việt Nam

Trở lên trên