MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Quả ngọt BOT” trên huyết mạch quốc gia

Năm 2015 chắc chắn sẽ trở thành một năm có dấu ấn đối với ngành GTVT khi dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường QL1A và QL14 qua Tây Nguyên sẽ được hoàn tất trước thời hạn 1 năm so với kế hoạch, thậm chí có những đoạn hoàn thành trước 2 năm.

Sự bắt tay quyết liệt

Cho đến hết năm 2012, chậm tiến độ trở thành căn bệnh trầm kha của phần lớn các dự án giao thông, bất kể là dự án dùng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) hay ngoài NSNN.

Giữa lúc ấy, Nghị quyết số 13-NQ/TW về  xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã được Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI thông qua ngày 16/1/2012 với mục tiêu đầy tham vọng về phát triển hạ tầng giao thông.

Không có hạ tầng giao thông hiện đại thì không thể phát triển kinh tế. Nhưng khi Nghị quyết 13 ra đời, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngành GTVT đang trong giai đoạn “thiếu vốn trầm trọng”. Việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ trước đó cũng khiến hàng trăm công trình giao thông của Trung ương và các địa phương phải dừng, đình hoãn, giãn tiến độ.

Nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo mục tiêu của Nghị quyết 13 là rất lớn. Theo đó, giai đoạn 2011-2015 cần 480.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 cần 730.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉ lệ vốn đầu tư xã hội so với GDP giảm từ trên 40% năm 2010 xuống dưới 30% năm 2013, vốn NS dành cho ngành Giao thông năm 2011-2013 rất hạn chế, chỉ đạt 20% so với nhu cầu vốn cho giai đoạn 2011-2015.

Trong điều kiện đó, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng việc huy động các nguồn vốn ngoài NSNN.

Đề án mở rộng QL1 giai đoạn 2012-2020 và phương án đầu tư đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên theo hình thức BOT kết hợp NSNN đã được Bộ GTVT xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội, để rồi được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Trong khi QL14 chủ yếu sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, QL1 đoạn Thanh Hóa-Cần Thơ đã thu hút nhiều nhà đầu tư BOT. Cho đến nay, đã có 23 dự án thành phần được triển khai theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 56.855 tỷ đồng.

Mặc dù đây là dự án đã được ghi vào Nghị quyết 13, nghị quyết của Quốc hội và nhiều lần đưa vào các nghị quyết của Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận chưa bao giờ có một dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt như thế từ Trung ương. Mặc dù khi đó, có những chuyên gia kinh tế khá tên tuổi lên tiếng phản đối, hỏi tại sao không vay ODA về đầu tư hạ tầng mà lại làm BOT.

Có đến 3 phó thủ tướng được giao trực tiếp phụ trách dự án này. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giao trực tiếp phụ trách giải phóng mặt bằng, đến nay cơ bản hoàn thành với tốc độ rất nhanh nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt của ông và nỗ lực liên tục từ các địa phương. Trong khi đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo về tiến độ và chất lượng công trình, còn Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách tài chính, trực tiếp chỉ đạo vấn đề tài chính cho dự án.

Nhờ cách tiếp cận này mà dự án đã tăng tốc ngay từ những ngày đầu. Mục tiêu mà Bộ GTVT đặt ra là phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào 31/12/2015, sớm 1 năm so với nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án thành phần đã xong sớm trước thời hạn, tiêu biểu là đoạn Bến Thủy-Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Thăng thừa nhận, giai đoạn đầu triển khai, có những khó khăn nhất định trong việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, trong khi những yếu kém trong quản lý ngành giao thông trước đó cũng khiến các ngân hàng và các nhà đầu tư băn khoăn. Nhưng với những nỗ lực thúc nhanh tiến độ, các ngân hàng, đặc biệt là BIDV, cùng với các nhà đầu tư đã vào cuộc với nỗ lực cao nhất.

Điều quan trọng là sau khi triển khai thì dự án nhận được sự đồng thuận và ủng hộ lớn từ người dân, ai cũng thấy được là đây là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công.

Nhưng tiến độ dự án không phải là mục tiêu cuối cùng. Bộ trưởng Thăng kể, mỗi lần ông dự họp Chính phủ, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng tiến độ phải đảm bảo, nhưng chất lượng là trên hết. Ít người biết, Bộ GTVT đã  thành lập các hội đồng nghiệm thu. Theo đó, nếu dự án do thứ trưởng này chỉ đạo thì việc nghiệm thu sẽ do thứ trưởng khác đảm nhận, đảm bảo quy trình “kiểm tra chéo” ngay trong chính Bộ.

Ngoài hiện trường, những chuyến công tác con thoi của Bộ trưởng và các thứ trưởng đến từng dự án cũng được thực hiện liên tục trong hai năm qua. Với những sai sót, sai phạm của chủ đầu tư và nhà thầu, quan điểm nhất quán là xử lý kiên quyết. Trong nỗ lực nhằm đảm bảo chất lượng công trình, Bộ trưởng Thăng thừa nhận, đóng góp đáng kể từ người dân và báo chí trong việc phát hiện và công bố các sai phạm là rất quan trọng.

Cú hích lớn từ ngân hàng

Tuy nhiên, ngay cả khi Bộ GTVT và các nhà đầu tư BOT rất nỗ lực, việc triển khai dự án cải tạo nâng cấp QL1 và QL14 khó có thể thuận buồm xuôi gió nếu không có sự đồng hành của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vai trò của BIDV.

Với những người trong cuộc, cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với các bên liên quan vào ngày 29/10/2012 về kế hoạch và cơ chế đặc thù triển khai các dự án mở rộng QL1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên thực sự là một điểm mốc rất quan trọng.

Từ những chỉ đạo của Thủ tướng sau cuộc họp này, ngày 22/1/2013, Bộ GTVT và BIDV đã thống nhất ký kết thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ.

Trước đó, BIDV là một trong số ít các ngân hàng chủ chốt cho vay nhiều dự án đầu tư của ngành giao thông.

Theo thỏa thuận được ký kết, BIDV cam kết thu xếp vốn cho các nhà đầu tư được giao triển khai các dự án mở rộng các đoạn trên tuyến QL1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ theo hình thức BOT, trong đó ưu tiên lựa chọn các dự án tại khu vực miền Trung từ Vinh (Nghệ An) đến Ninh Thuận. BIDV sẽ dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để tài trợ chương trình, trong đó có gói tín dụng 20.000 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án BOT, hạn mức cho vay tối đa đối với từng dự án tới 85%  tổng mức đầu tư dự án.

Có mặt trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án mới đây, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên BIDV không giấu nổi sự hồ hởi. Ông Hà, người đặc biệt tâm huyết với dự án này thừa nhận, trong giai đoạn đầu các thủ tục triển khai đầu tư hơi chậm, nhưng sau đó các bên đã nỗ lực xử lý để thúc nhanh tiến độ và đến thời điểm này thì “chưa bao giờ phối hợp giải ngân tốt như vậy”.

Báo cáo chính thức của BIDV cho hay đến tháng 11/2014, đã có 23 dự án BOT trên tuyến QL1, QL14 đã được triển khai và đã được các tổ chức tín dụng tài trợ vốn, với tổng số tiền là 38.662 tỷ đồng. Quan trọng hơn, các dự án này đề đáp ứng theo tiến độ tổng thể được Bộ phê duyệt, đảm bảo hầu hết hoàn thành trong năm 2015.

Riêng với BIDV, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng này đã chấp thuận tài trợ cho 12 dự án BOT nâng cấp mở rộng QL1 và QL14, trong đó đã ký kết hợp đồng tín dụng cho 11 dự án với tổng số tiền cam kết cho vay là khoảng 17.362 tỷ đồng, chiếm 45% tổng mức cam kết của các tổ chức tín dụng là 38.662 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, đến hết ngày 31/12/2014, BIDV sẽ giải ngân lũy kế đạt 10.104 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60% tổng số tiền cam kết); đến 30/6/2015, giải ngân lũy kế đạt 14.154 tỷ đồng (đạt 81% tổng giá trị cam kết) và đến 31/12/2015, giải ngân lũy kế đạt 16.251 tỷ đồng (đạt 94% cam kết); còn lại 1.111 tỷ đồng sẽ giải ngân vào đầu quý I/2016.

Ông Trần Bắc Hà thừa nhận, từ chỗ rất khó khăn, phải vận động tuyên truyền thì nay “các nhà đầu tư đang giành nhau làm”. BIDV cũng từng chịu nhiều áp lực trong việc “mạnh tay” cho vay các dự án giao thông theo hình thức BOT. Trong thời gian dài, ông Hà và đồng sự nhận được nhiều câu hỏi về việc tại sao lại dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Nhưng với niềm tin vào các nhà đầu tư, BIDV đã mạnh dạn rót vốn và với kinh nghiệm từ dự án này, ông Hà nói rằng xã hội hóa, tạo ra cạnh tranh mới là con đường khả dĩ thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, qua đó tạo động lực cho phát triển kinh tế. “Tôi đi trên những đoạn đường đã hoàn thành, cảm thấy thời gian được rút ngắn đáng kể, cảm nhận được niềm vui và niềm tin từ người dân từ mỗi đoạn đường”, Chủ tịch của BIDV cho biết.

Báo cáo với Bộ trưởng Đinh La Thăng và Chủ tịch Trần Bắc Hà trong tại hội nghị kiểm điểm tiến độ các dự án BOT mới đây, các chủ đầu tư đều tự tin đưa ra cam kết về việc hoàn tất dự án trước thời hạn từ ba tháng đến một năm. Hầu hết các chủ đầu tư đều thừa nhận, sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan và nguồn tiền từ các ngân hàng đã góp phần rất quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ từng dự án.

Đáng chú ý hơn nữa là theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, BIDV hiện đang cùng với CTCP đầu tư Tasco, nhà đầu tư BOT tuyến Vũng Áng-Đồng Hới chuẩn bị thành lập một CTCP để triển khai hệ thống thu phí tự động trên tuyến đường này. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho việc triển khai hệ thống thu phí tự động đang được BIDV và Tasco khẩn trương triển khai, phấn đấu đưa vào vận hành sớm trước Tết Nguyên đán tại một số trạm thu phí gắn với các dự án BOT đã hoàn thành.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thu phí không dừng là xu thế tất yếu vì “chúng ta không thể cứ mỗi trạm lại dừng để thu phí”.

“Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, sẽ đồng thời phải hiện đại hóa công tác quản lý hạ tầng giao thông bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Sau này mọi thứ đều phải qua máy, thu phí qua máy, xử phạt qua máy. Đây là nhu cầu tất yếu và nó sẽ giúp cho việc công khai minh bạch, rõ ràng các khâu, các việc”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Theo Hoàng Anh Minh

huongtt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên