MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quả vải Việt Nam mất 10 năm để “bay” sang Mỹ: Liệu có dễ dàng?

Theo ông Lê Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù đã được cấp phép nhưng chưa chắc quả vải Việt Nam đã thuận lợi “bay” sang Mỹ vì còn vô số những rào cản khác...

Trong một chia sẻ tại sự kiện do VCCI tổ chức, TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2005, Việt Nam bắt đầu làm chương trình xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương). Nhưng đến năm 2015, tức phải sau 10 năm, quả vải thiều mới chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Theo bà Hằng, nguyên nhân quả vải Việt Nam mất 10 năm để “bay” sang Mỹ là do khả năng tiếp cận thông tin của các nhà sản xuất còn hạn chế, nhất là về khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời ít kiến thức về thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, chia sẻ tại Hội nghị bàn về giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững do Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 14/5, ông Lê Văn Ánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam lo lắng, dù đã được cấp phép nhưng chưa chắc quả vải Việt Nam đã thuận lợi “bay” sang Mỹ.

Ông Ánh cho biết, vừa qua câu chuyện dưa hấu, hành tím đã dấy lên những lo ngại về ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Sau dưa hấu, hàng tím, khoảng 1 tháng nữa sẽ đến lượt… quả vải.

Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực tìm kiếm thị trường để tìm lối ra cho hoa quả Việt của các Bộ, ngành trong thời gian gần đây, nhưng theo ông Ánh, chúng ta chưa thể kỳ vọng ngay được.

“Mở cửa là lý thuyết, nhưng bước vào thì ai mua? Người tiêu dùng đã biết rõ thương hiệu vải Việt Nam hay chưa? Chúng ta đã có tiếp cận thị trường đầy đủ chưa?” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam băn khoăn.

Theo ông Ánh, dù Vietnam Airlines cho biết sẽ giảm cước phí từ 2,3–2,5 USD/tấn cho doanh nghiệp xuất khẩu vải, song mỗi chuyến bay cũng chỉ vận chuyển 10 tấn thì tình hình cũng chưa thể cải thiện được nhiều.

Rau quả không thể không nói đến mùa vụ, mùa vụ là tất yếu, đến lúc nó phải rộ lên. Vải không phải chỉ có Việt Nam có, thanh long, dưa hấu cũng vậy. Nhưng sở dĩ chúng ta bán được vì lúc chúng ta có nước khác không có. Đó chính là tận dụng yếu tố mùa vụ.

Ông Ánh nhận định, vải thiều sẽ xuất khẩu mạnh tại cửa khẩu Lào Cai và vẫn bán mạnh như mọi năm ở thị trường Trung Quốc. Trong những năm trước mắt, có thể mở cửa xuất khẩu sang các thị trường khác, nhưng vẫn phải đánh giá Trung Quốc là thị trường lớn cần thúc đẩy và bám vững.

Bên cạnh đó, ông Ánh cũng kiến nghị, để giảm bớt chi phí, thủ tục, nhất là đối với hàng rau củ quả chế biến 100%, mặt hàng này không nhất thiết phải qua kiểm dịch.

Các cơ quan quản lý cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến rau quả và làm lưu thông rau quả trong một chuỗi mắt xích như quá trình sản xuất nông nghiệp, dành cho họ như một khoản trong sản xuất để cạnh tranh, ví dụ như VAT, giảm cước phí, hoặc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… để hỗ trợ nông dân.

“Để ngành này phát triển bền vững thì phải có sự quản lý tốt các khâu từ sản xuất, gieo trồng, tiêu thụ, bảo quản và lưu thông” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kết luận.

>>>Quả dưa hấu và câu chuyện kỷ luật thị trường

Thảo Anh

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên