Quản lý DNNN: Từ lỗ hổng pháp lý đến lỗ hổng trách nhiệm
Tại hội thảo tham vấn và dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, tổ chức sáng 4/4, TS Trần Du Lịch cho biết, đây là đạo luật ông trông chờ nhiều năm.
“Sau khi xảy ra vụ Vinashin, tôi đã phát biểu trước QH là đang có lổ hổng pháp lý sau khi bỏ Luật Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 2005. Lỗ hổng pháp lý dẫn tới lỗ hổng trách nhiệm. Tổng tài sản của DNNN vài chục tỷ USD không thể không có luật”, ông Lịch nói.
Là một người 20 năm tham gia đổi mới DNNN, người đầu tiên viết đề án cổ phần hóa DN, nên ông Lịch cho biết, quản trị DNNN là chuyện nhiều nước đã làm. Do vậy, đây là cơ hội để cải cách toàn diện, căn bản hơn DNNN.
Luật này phải đưa ra được những hạn chế cụ thể đối với Nhà nước khi đi kinh doanh. “Luật này chỉ cho phép Chính phủ đi kinh doanh những nội dung luật quy định, chứ không phải cái gì Nhà nước cũng đầu tư vào DN. Nhà nước chỉ xử lý những khuyết tật của thị trường”, ông Lịch nói.
Ngoài ra, phải tách bạch việc DNNN vừa làm kinh doanh, vừa làm chính trị, công ích. Nếu hòa lẫn với nhau như hiện nay thì không khác gì một mâm “một bên cỗ mặn, một bên cỗ chay”. TS Trần Du Lịch cho rằng, điều bức xúc nhất hiện nay là không phân biệt được Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư vào DN và Nhà nước quản lý.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, điểm mấu chốt là phải làm rõ vai trò, vị thế của DNNN, trong khi hiện nay chưa rõ. Khu vực kinh tế nhà nước là chủ đạo, trong đó DNNN là một thành tố quan trọng nhất. “Việc phải dọn dẹp đầu tư ngoài ngành khủng khiếp thời gian qua cho thấy chức năng của DNNN hiện chưa rõ”, ông Thiên nói.
Ông Thiên cho rằng, phải làm rõ chuyện chủ đạo với bình đẳng trong nền kinh tế thị trường, nếu không, tính chủ đạo vẫn cứ nổi lên, DNNN vẫn có đặc quyền. Theo ông Thiên, cần có cách nhìn mang tính đột phá, không thể cải tiến vụn vặt mà cần thay đổi có tính hệ thống. Khi xây dựng luật này, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, nghĩa là các thể chế kinh tế của Việt Nam phải đáp ứng được các hiệp định thương mại quốc tế.
Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, dự thảo luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo còn nhiều điểm chung chung, trùng lắp. “Tính đột phá trong dự thảo luật chưa nhiều, chưa đủ tầm”, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho rằng, đây là luật khó bởi cách đây 7- 8 năm khi ông còn công tác cũng muốn xây dựng nhưng không làm được. “Khó là bởi đụng chạm đến một vấn đề rất phức tạp mà lâu nay chưa có luật nào điều chỉnh. Vấn đề DNNN ở Việt Nam hết sức phức tạp cả về quản lý và cải cách”, ông Tá nói.
Ông Tá cho rằng, điều quan trọng bậc nhất là chuyển quan điểm nhà nước sở hữu sang mô hình cổ đông sở hữu. Kể cả DN 100% vốn nhà nước thì nhà nước vẫn là cổ đông, thì mới tách được chức năng quản lý và chức năng đại diện chủ sở hữu.
“Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu có những ranh giới gần nhau, nhưng nếu phân tích, mổ xẻ kỹ, thì khác nhau. Nhà nước quản lý, định ra quy hoạch, chiến lược, chính sách. Như vậy quản lý nhà nước với DNNN và các DN khác có mẫu số chung, chứ không nên quản lý theo hai sân chơi khác nhau”, ông Tá nói.
Còn đại diện chủ sở hữu thì nhà nước phải đóng vai cổ đông nếu đó là DN cổ phần, kể cả DN 100% vốn thì nhà nước cũng phải là vai cổ đông, chứ không phải can thiệp vào từng hoạt động cụ thể của DN. “Khi nghiên cứu dự thảo luật này tôi thấy có sự lẫn lộn giữa đại diện chủ sở hữu và quản lý của nhà nước”, ông Tá nhận xét.
Theo Hà Nhân