MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý giá điện đã tiến dần tới giá thị trường

Việc Thường trực Chính phủ đồng ý tăng giá bán điện lên 7,5%, tương ứng với mức bình quân 1.622,5 đồng/kWh từ ngày 16/3 tới đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

GS. Trần Đình Long
GS. Trần Đình Long
Phó Chủ Tịch Hội Điện lực Việt Nam
3 bài viết

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ Tịch Hội Điện lực Việt Nam để có những phân tích sâu sắc và khách quan về vấn đề thời sự này.

Thưa Giáo sư, hiện nay chỉ đạo nhất quán của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải kiên quyết tiến dần tới giá thị trường trong việc quản lý giá điện. Vậy quan điểm của Giáo sư về vấn đề này là như thế nào?

GS Trần Đình Long: Nói chung về phát triển ngành Điện, Nhà nước có chủ trương xây dựng thị trường cạnh tranh ở Việt Nam.

Luật Điện lực năm 2004 và cho đến năm 2005 có hiệu lực đã khẳng định hoạt động điện lực ở Việt Nam sẽ được tiến hành theo hướng thị trường cạnh tranh, có sự quản lý của Nhà nước.

Như vậy, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, năm 2015 này Việt Nam sẽ kết thúc cấp độ đầu tiên của thị trường điện lực, tức là thị trường phát điện cạnh tranh. Chuẩn bị điều kiện để năm tới bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trong tương lai, ở mức độ phát triển hoàn chỉnh nhất, chúng ta sẽ xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, tất cả các nhà máy điện, các cơ sở phát điện sẽ bán điện cho một đơn vị mua duy nhất là Công ty mua bán điện. Công ty này sẽ bán điện lại cho các Công ty Điện lực, tức là các Công ty phân phối và bán lẻ điện.

Muốn hoạt động điện lực được thực hiện theo hướng thị trường, giá điện là yếu tố quan trọng nhất. Sản phẩm đầu ra đến người tiên dùng cũng phải được xác định dựa trên cơ sở của thị trường cạnh tranh, tức là các tính toán về đầu vào, đầu ra phải minh bạch, rõ ràng, các thành phần của giá điện cũng đã được quy định hết sức chặt chẽ. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, chúng ta thấy giá điện liên tục được điều chỉnh để kịp với cách hoạt động của một thị trường cạnh tranh.

Trước đây chênh lệch giá điện giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và giá điện trung bình của thế giới là rất lớn. Tuy nhiên trong 3-4 năm gần đây với nhiều đợt tăng giá điện liên tiếp, chúng ta đã gần tiếp cận được với mức giá điện trung bình của khu vực.

Theo Giáo sư, đâu là cơ sở và những nguyên nhân chính của việc điều chỉnh tăng giá điện trong bối cảnh cụ thể hiện nay?

GS Trần Đình Long: Theo tôi, thay đổi tỷ giá có ý nghĩa quan trọng. Thời gian gần đây, trong quản lý vĩ mô, Nhà nước đã cố giữ tỷ giá không biến động nhiều. Nhờ vậy, khó khăn của EVN trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài đã giảm hơn nhiều so với trước.

Tuy nhiên, nợ nước ngoài do thay đổi tỷ giá vẫn còn là gánh nặng của EVN. Ví dụ như năm vừa rồi, khoảng 8.000 tỷ còn đang gác lại. Nếu không giữ được tỷ giá ổn định thì món nợ đó sẽ là mối đe dọa lớn.

Chẳng hạn trước đây, thời chúng ta làm nhà máy nhiệt điện Phả Lại có vay vốn ODA của Nhật. Thời ấy, tỷ giá của đồng USD, đồng Yên của Nhật và Việt Nam đồng hoàn toàn khác hiện nay. Sau đó, đồng Yên tăng giá so với đồng USD, còn tỷ giá giữa đồng USD và Việt Nam đồng cũng thay đổi. Chênh lệch về tỷ giá thay đổi từ 3,5-4 lần so với lúc vay vốn và đây là gánh nặng lớn.

Đối với nguyên liệu, vừa rồi giá xăng dầu giảm rất mạnh. Tuy nhiên, trong thực tế phát điện của Việt Nam, những năm vừa rồi EVN rất sợ nếu phải phát điện bằng dầu. Do đó, EVN đã cố gắng giảm đến mức tối thiểu việc sử dụng dầu cho phát điện cho nên hiện nay, phần chi phí do phát điện bằng dầu chiếm chưa đến 5% tổng sản lượng điện. Vì vậy, việc giảm giá dầu hầu như không làm thay đổi giá nhiên liệu đầu vào dùng cho phát điện trong khi giá than, giá khí lại tăng. Đây là khó khăn đối với EVN.

Hơn nữa, thuế sử dụng tài nguyên nước tăng từ 2-4% cũng là một nguyên nhân khiến giá thành yếu tố đầu vào tăng.

Với tư cách là người tiêu dùng, tôi cũng không thích tăng giá điện. Nhưng bắt buộc phải tăng, nếu không thì ngành điện sẽ rất khó. Bởi trong đầu tư phát triển ngành điện thì tỷ lệ vốn đầu tư bằng ngoại tệ rất cao. Ngoài ra nhiên liệu, máy móc, thiết bị, chúng ta cũng phải nhập khẩu bằng ngoại tệ. Mặt khác, nếu không huy động được đầu tư nước ngoài thì việc phát triển nguồn điện và hệ thống điện nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cùng với việc tăng giá điện, EVN cũng cần phải có những giải pháp quyết liệt để nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng và tăng khả năng cạnh tranh. Xin Giáo sư phân tích cụ thể hơn về vấn đề này?

GS Trần Đình Long: Cấu thành giá điện theo luật gồm 4 thành phần. Thành phần thứ nhất là giá phát điện phụ thuộc vào giá nhiên liệu như giá than, giá khí, một phần nhỏ là giá dầu và kể cả thuế sử dụng tài nguyên nước. Giá phát điện chiếm tỷ lệ lớn trong cấu thành của giá điện.

Ba thành phần còn lại là giá truyền tải, giá phân phối và giá các dịch vụ phụ trợ cho sản xuất, kinh doanh điện. Trong 3 thành phần đó, hiện nay giá phân phối còn cao. Nếu giá truyền tải trên dưới 80 đồng/kWh thì giá phân phối vào khoảng 260-270 đồng/kWh. Giá dịch vụ phụ trợ thì ít hơn.

Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tổng thể đến giá điện chung. Tôi lấy ví dụ, giá phân phối còn có thể phấn đấu giảm. Năng suất lao động của các công ty phân phối điện bán lẻ điện còn chưa cao vì còn rất nhiều khâu sử dụng quá nhiều lao động giản đơn như ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện tạo ra rất nhiều chi phí có thể cắt, giảm được.

Tuy nhiên, nếu muốn giảm các chi phí ấy, kể cả giảm tổn thất điện năng thì đòi hỏi phải có đầu tư. Tổn thất điện năng hiện nay đã tiếp cận với giới hạn hợp lý, nếu cố gắng thì cũng không giảm được mấy. Nếu muốn giảm nhiều hơn phải đầu tư rất lớn để giảm tổn thất xuống mức thấp hơn.

Tiềm năng giảm chi phí trong khâu phân phối, bán lẻ vẫn còn lớn. Ví dụ ở khâu bán điện, những công việc như ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn, thu tiền điện có thể được tự động hóa bằng cách trang bị hệ thống đo đếm điện tử, quá trình xuất hóa đơn, thanh toán tiền điện có thể cải tiến như một số đơn vị phía Nam đã làm. Đây là những kinh nghiệm rất tốt cần phải được nhân rộng.

Giáo sư có bình luận cụ thể gì về câu chuyện minh bạch giá điện hiện nay?

GS Trần Đình Long: Tại cuộc họp cuối năm 2014, EVN đã công bố rất rõ ràng các thành phần của giá điện gồm giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá dịch vụ phụ trợ.

Theo tôi, cách làm vậy là minh bạch. Người dân có thể biết tổng số tiền cho mỗi kWh mà họ phải trả sẽ được phân bổ như thế nào cho chi phí giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá dịch vụ phụ trợ.

Khách hàng muốn kiểm tra con số trên là đúng hay không cũng không phải là việc khó. Ví dụ như giá phát điện, tất cả các nhà máy phát điện đều bán điện cho một đơn vị là Công ty mua bán điện. Thông qua công ty này, chúng ta có thể biết năm vừa rồi trong tổng sản lượng điện EVN đã mua từ những ai, giá là bao nhiêu, cộng tất cả các hóa đơn lại có thể biết tổng tiền, lượng điện mà EVN đã mua từ các nhà máy phát điện.

Hơn nữa, chi phí cho truyền tải, phân phối đều có định mức cụ thể. Cùng với đó chúng ta còn có sự kiểm tra của kiểm toán, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng khác cũng như sự giám sát, bảo vệ quyền lợi của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nên có thể thấy những yếu tố cấu thành giá điện ngày càng minh bạch, rõ ràng hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Theo Toàn Thắng (thực hiện)

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên