MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý nhập khẩu: Lúng túng với hàng rào phi thuế quan

Mặc dù đã có nhiều biện pháp quản lý NK được đề ra nhưng những biện pháp này dường như vẫn chưa được sử dụng hiệu quả.

Hội nhập ngày càng sâu rộng đặt ra bài toán quản lý NK sao cho phù hợp với các cam kết quốc tế là vấn đề Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý đang rất quan tâm.

Nhập khẩu tăng cao, quản lý bất cập

 

 

Trên thực tế, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để quản lý NK như: Các biện pháp về thuế, hình thức cấm NK, hạn ngạch NK, giấy phép NK, hạn ngạch thuế quan, giấy phép NK của bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành, một số biện pháp quản lý NK với hàng tiêu dùng (danh mục hàng tiêu dùng, NK ô tô, NK thuốc lá điếu, xì gà), chính sách tỷ giá, các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp chống trợ cấp, biện pháp tự vệ, biện pháp chống bán phá giá)… Tuy nhiên, việc NK tăng nhanh bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất thì những hệ quả mang lại cho nền kinh tế cũng không nhỏ.

 

 

Từ năm 1989 đến 2011, cán cân thương mại của nước ta vẫn ở trạng thái nhập siêu. Tình trạng này dẫn đến tăng phụ thuộc vào bên ngoài, làm cho một số lĩnh vực của nền kinh tế có khả năng bị tác động mất an toàn. Nhập siêu cũng làm giảm hiệu quả XK, giảm nguồn thu từ XK cho dự trữ của Nhà nước. Bên cạnh đó, sự NK ồ ạt các mặt hàng không đủ tiêu chuẩn chất lượng, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, sức khỏe của nhân dân và các mục tiêu kinh tế - xã hội khác.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tốc độ tăng trưởng NK hàng hóa của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2014 đạt mức bình quân 13,2%/năm.

Cụ thể, kim ngạch NK năm 2008 đạt 80,7 tỷ USD, năm 2010 đạt 84,8 tỷ USD, năm 2012 đạt 113,8 tỷ USD, năm 2013 đạt 132 tỷ USD và năm 2014 đạt 148,05 tỷ USD. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nên kim ngạch NK của Việt Nam giảm 13,3% so với năm 2008. Tuy nhiên, từ 2010 đến 2014, kim ngạch NK của Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao so với năm trước (năm 2010 tăng 21,3%, năm 2011 tăng 25,8%, năm 2012 tăng 6,6%, năm 2013 tăng 16% và năm 2014 tăng 12,1%).

Mặc dù Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát NK, nhưng Bộ Công Thương thừa nhận công tác quản lý Nhà nước về NK tuy đã có nhiều đổi mới nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Công tác quản lý, giám sát hàng hóa NK bằng mọi phương thức (nhất là phương thức NK qua biên giới) còn nhiều bất cập, hạn chế.

Đây là lý do dẫn đến hiện tượng còn một lượng không ít hàng hóa kém chất lượng hoặc những mặt hàng trong nước đã sản xuất được “oanh tạc” thị trường nội địa.

Có thể thấy, trong những năm qua, Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp quản lý NK như: Giấy phép NK tự động với một số sản phẩm thép; đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật về thép theo Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN; Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về NK máy móc cũ; hay việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại (điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng kính nổi NK, áp thuế tự vệ mặt hàng dầu thực vật NK, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội)…

Theo đánh giá của một chuyên gia, việc thực hiện các biện pháp đó đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung hiệu quả ít và chậm. Các biện pháp đưa ra có thể nói là chưa kịp thời, nhiều hạn chế, nhiều khi không chính xác.

Việc thực hiện Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ là một ví dụ điển hình. Một lãnh đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mục đích việc ban hành Thông tư 20 là góp phần kiểm soát việc nhập thiết bị cũ và đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào Việt Nam, bởi nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới việc DN NK về, sau đó đưa vào sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, dẫn tới mất an toàn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, sau khi ban hành Thông tư 20, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được nhiều phản ứng từ phía các DN, đặc biệt là DN FDI. Nguyên nhân là khi xây dựng Thông tư vì tuân thủ Luật Thương mại và căn cứ tình hình của nước ta thời điểm đó, những tiêu chuẩn của Thông tư ban hành khá cao vì vậy nhiều DN cảm thấy không đáp ứng được. Bởi thế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải tạm dừng thực thi Thông tư này.

Ở khía cạnh khác, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế, hàng rào thuế quan dần bị dỡ bỏ đối với hầu hết các dòng thuế nên chính sách thuế để hạn chế NK sẽ không còn nhiều tác dụng. Với xu hướng chung tạo thuận lợi cho DN, cải cách, giảm thủ tục hành chính nên quy mô, phạm vi và đối tượng áp dụng thêm các biện pháp hành chính để kiểm soát NK cũng có những giới hạn nhất định.

Biện pháp kỹ thuật được coi như một giải pháp hữu hiệu để hạn chế NK. Tuy nhiên, với trình độ sản xuất, công nghệ chưa cao, mặt bằng tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước, khả năng tài chính của người tiêu dùng, DN của nước ta hiện nay cũng cần có thời gian mới đảm bảo những tính khả thi.

Phía các chuyên gia thì cho rằng, việc sử dụng các biện pháp quản lý NK không những chưa hiệu quả mà còn thể hiện sự “lúng túng”, nhất là trong việc sử dụng các hàng rào kỹ thuật. Vụ gà Mỹ giá rẻ vào Việt Nam là một ví dụ. Khi có thông tin gà Mỹ NK về Việt Nam với giá 20.000 đồng/kg, cơ quản quản lý “lên tiếng” rằng, có thể đây là “gà toi”, gà “hết date” hay gà tồn kho.

“Để có câu trả lời chính xác và đủ thông tin chúng ta cần điều tra xem giá thành sản xuất ở Việt Nam bao nhiêu”- một vị đại diện của Bộ NN&PTNT đã từng chia sẻ với báo chí như vậy. Với những phản ứng của cơ quan quản lý trước vụ việc này có thể thấy sự lúng túng trong cách thức xử lý. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khi vấp phải các vấn đề tương tự, họ có nghiệp vụ điều tra, thông lệ điều tra… Chúng ta phải sử dụng được các nghiệp vụ đó chứ không thể đoán mò.

Dẫn ra ví dụ này để thấy rằng, ngay cả những mặt hàng không thiết yếu như hoa quả, thực phẩm vẫn tràn ngập thị trường chứng tỏ các biện pháp quản lý NK vẫn chưa phát huy được tác dụng.

Sẽ có nhiều biện pháp quản lý hàng NK

Năm 2015 được coi là mốc thời gian quan trọng khi Việt Nam ký kết thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời cũng là thời điểm các FTA song phương, đa phương đã ký trước đó thực hiện cam kết sâu rộng hơn.

Bởi thế, việc sử dụng các biện pháp quản lý NK như thế nào để phù hợp với tình hình mới là vấn đề được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm nhiều hơn. Việc cắt giảm thuế quan theo các FTA thực hiện sâu hơn nên những công cụ sẽ còn ít dư địa để có thể áp dụng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý NK đến năm 2020 phù hợp với các cam kết quốc tế. Theo đó, định hướng chung của đề án là sẽ duy trì, tận dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan được phép áp dụng theo các cam kết với WTO và tại các FTA song phương và đa phương; tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Các biện pháp cụ thể sẽ được áp dụng trong thời gian tới gồm: Biện pháp thuế quan; biện pháp hạn ngạch thuế quan; biện pháp cấm NK; biện pháp hạn ngạch NK; biện pháp giấy phép NK; biện pháp kỹ thuật, chuyên ngành; biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp về xuất xứ hàng hóa; biện pháp tỷ giá hối đoái và các biện pháp quản lý NK khác.

Về biện pháp thuế quan, sử dụng hiệu quả công cụ thuế NK và các loại thuế khác nhằm hỗ trợ ở mức độ phù hợp cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước theo đúng cam kết. Với những hàng hoá trong nước có thể sản xuất được, xem xét duy trì mức trần thuế NK theo cam kết trong WTO và có lộ trình xóa bỏ thuế phù hợp cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước có FTA.

Đối với biện pháp hạn ngạch thuế quan, cần nghiên cứu và đàm phán với các đối tác trong các FTA để có lộ trình quản lý NK bằng phương thức hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng cần bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế.

Đề án cũng định hướng xây dựng Luật Quản lý ngoại thương nhằm đảm bảo tính ổn định, thống nhất về mặt chính sách. Đồng thời, thường xuyên rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết.

Phải có hành động, không thể nói mãi những lời sáo rỗng

Cục Thú y phải phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tăng cường lấy mẫu giám sát không chỉ dịch bệnh mà cả chất lượng. Công luận đang nghi ngờ là gà “hết date” giá mới rẻ, nhập tới 45.000 tấn từ Mỹ mà lấy 35 mẫu là quá ít. Mặt khác, lấy một mẫu không chỉ để xét nghiệm có một chỉ tiêu, mà phải xét nghiệm tới 150 chỉ tiêu. Phải kiểm tra xem đúng xuất xứ hay không, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không.

Trong khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được ký kết đã bộc lộ những yếu kém của ngành chăn nuôi trong nước. Vậy khi Hiệp định thực sự ký kết và đi vào cuộc sống, điều gì sẽ xảy ra? Ngành chăn nuôi gà làm gì để đứng vững và tiếp tục tạo việc làm và cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân. Các đồng chí phải trả lời cho nhân dân, chứ không phải trả lời cho Bộ trưởng và phải có hành động, không thể nói mãi những lời sáo rỗng nữa.

(Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị họp bàn về ngành chăn nuôi gà diễn ra ngày 21-8).

Theo Phan Thu

Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên