Quản lý nợ công: Địa phương phải chịu trách nhiệm hiệu quả vốn vay
Dù khẳng định nợ công vẫn “trong tầm kiểm soát”,ông Nguyễn Thành Đô-cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại-cho rằng cần phải có Luật đầu tư công để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước.
Ông Đô nói: “Nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước làm ăn không hiệu quả, Vinashin là một ví dụ, đã làm uy tín, hình ảnh của đất nước bị giảm đi, ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Một số nhà tài trợ, chủ nợ cũng đã khuyến cáo chúng ta nên tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công, đảm bảo khả năng trả được nợ. Hai kỳ họp các nhà tài trợ gần đây, các nhà tài trợ đã công bố việc giảm dần mức cho vay ODA và các điều kiện cho vay ưu đãi sẽ thu hẹp”.
* Các chuyên gia cảnh báo nợ công của VN đã tới lằn ranh đỏ về an toàn, thưa ông?
"Tôi kiến nghị kỳ họp tới đây, Quốc hội cần phải có một phiên thảo luận riêng để bàn về nợ công, chứ không phải lúc nào cũng nói là an toàn, vẫn trong tầm kiểm soát... Điều cần bàn là nợ phải trả so với thu ngân sách, nợ trung hạn đã sắp đến thời hạn phải trả..." Tiến sĩTrần Du Lịch |
- Trên thế giới chưa có tiêu chuẩn chung về ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu về nợ công, mà thường được dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng nợ, tình hình kinh tế vĩ mô... Việc vay nợ nhiều hay ít, nên tiếp tục vay hay không phụ thuộc rất nhiều vào các mục tiêu đầu tư của Chính phủ, nguồn tích lũy có được trong nền kinh tế và khả năng trả nợ sau này.
Nếu vay để đầu tư cho các chương trình, dự án mà chắc chắn có hiệu quả, tạo ra nguồn thu để trả được nợ thì việc tiếp tục đi vay là điều không đáng ngại.
Và theo Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, để giám sát nợ công cần xem xét rất nhiều chỉ tiêu khác nhau, trong đó có hai chỉ tiêu quan trọng là nợ công trên GDP và tổng nợ nước ngoài của quốc gia trên GDP...
* Tại sao không tính nợ của DN nhà nước vào nợ công?
- Theo Luật quản lý nợ công, nợ công ở nước ta bao gồm nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ của các chính quyền địa phương. Còn theo cách phân loại của một số tổ chức tài chính quốc tế, ngoài ba thành phần nêu trên, nợ công phải bao gồm tất cả khoản nợ của các DN nhà nước, không phân biệt được hay không được Chính phủ bảo lãnh. Điều đó dẫn đến có sự khác biệt giữa số liệu thống kê và đánh giá thực trạng nợ của VN với các tổ chức tài chính quốc tế.
Sở dĩ có sự khác biệt này là do tại các nước phát triển, số lượng DN thuộc sở hữu nhà nước rất ít và nhà nước chịu trách nhiệm vô hạn đối với các DN này. Còn tại VN, DN nhà nước rất nhiều và Nhà nước chỉ có quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn sở hữu tại DN đó. DN là người trực tiếp chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ phát sinh của mình.
Còn Chính phủ chỉ có trách nhiệm trả nợ trong trường hợp các DN được Chính phủ bảo lãnh vay đang gặp khó khăn và tạm thời không có khả năng trả nợ. Vì vậy, các khoản DN nhà nước tự vay không được đưa vào khái niệm nợ công.
* Tổng số nợ nước ngoài của các DN nhà nước được Chính phủ bảo lãnh là bao nhiêu? Việc Chính phủ đang phải trả nợ thay cho một số DN ximăng có đáng lo ngại?
- Cho đến hết năm 2013 tổng số cam kết bảo lãnh của Chính phủ tương đương 16,15 tỉ USD, trong đó dư nợ đang được bảo lãnh là 8,9 tỉ USD. Đại đa số dự án vay của DN được Chính phủ bảo lãnh là có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại thật sự khi một số DN ximăng như Đồng Bành, Ximăng Hạ Long, Ximăng Sông Thao, Ximăng Thái Nguyên... đang thua lỗ. DN không trả được nợ thì Chính phủ, thông qua quỹ tích lũy trả nợ, phải tạm ứng cho DN vay để trả nợ. Bởi đây là những khoản DN vay được Chính phủ bảo lãnh.
Để 3-5 năm tới, các DN này hoàn lại số tiền mà Chính phủ đã cho vay để trả nợ, hiện các cơ quan có thẩm quyền đang tích cực thực hiện tái cơ cấu các DN. Như trước đây, các dự án ximăng Hoàng Mai, Tam Điệp cũng gặp khó khăn nhưng đến nay đã hoàn trả được tiền tạm ứng cho Chính phủ và cũng đã trả hết nợ nước ngoài.
* Nhưng nợ công của VN tăng rất nhanh trong thời gian qua, thưa ông?
- Dù tỉ lệ nợ trên GDP thay đổi không nhiều (năm 2010 là 56,3%, 2011 là 54,9%, 2012 là 55,7% và ước tính năm 2013 là 53,5%), nhưng nhìn con số tuyệt đối thì đúng là nợ công tăng rất nhanh.
Nguyên nhân là chúng ta phải đi vay để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 VN cơ bản trở thành nước công nghiệp. Chính phủ đã chủ trương đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, trong đó có nguồn vốn vay nợ. Nguồn vay nợ công hiện tại tập trung chủ yếu vào nguồn vay ODA của Chính phủ, phát hành trái phiếu Chính phủ để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước.
* Trong kế hoạch phát hành 400.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ năm nay có tới 70.000 tỉ là để đảo nợ? Rủi ro của nợ công cũng chính là ở đây?
- Việc vay nợ mới để trả nợ cũ (đảo nợ) là do cơ cấu nhà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ dài hạn còn rất mỏng, thị trường vốn trong nước chưa phát triển, nên trái phiếu Chính phủ trong nước chỉ có thể phát hành chủ yếu ở các kỳ hạn từ 1-3 năm. Vì vậy, Chính phủ cần phải phát hành mới để đảo một phần nợ gốc trái phiếu đến hạn. Đây là một trong những nghiệp vụ quản lý nợ thường xuyên được áp dụng tại tất cả các nước, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về nghĩa vụ trả nợ Chính phủ, kéo dài kỳ hạn trả nợ gốc, đảm bảo không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu Chính phủ...
* Theo ông, cần những giải pháp nào để kiểm soát rủi ro nợ công hiệu quả hơn?
- Để sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương với dự án đầu tư công. Theo đó, Chính phủ sẽ cho chính quyền địa phương vay lại vốn vay từ nước ngoài chứ không cho DN vay trực tiếp như hiện nay nữa. Sau đó, chính quyền sẽ cho DN vay lại để thực hiện các dự án ở địa phương. Trường hợp DN không trả được nợ thì chính quyền địa phương phải lấy ngân sách ra trả nợ thay. Điều đó nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát hiệu quả đầu tư công của các địa phương.
Còn về lâu dài, chúng ta phải đổi mới quản lý trong đầu tư công. Hay nói cách khác là các bất cập trong sử dụng, quản lý và đầu tư vốn nhà nước chỉ có thể giải quyết được khi có Luật đầu tư công.
Theo Lê Thanh