MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam

Một số tổ chức quốc tế như WB, BMI… đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2015-2016 - một trong số ít nước trong khu vực duy trì tăng trưởng GDP trên 6%.

Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng động lực chính cho tăng trưởng là phục hồi tiêu dùng, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á được đưa ra hôm 22/9, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay. Hồi cuối quý 1/2015, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% năm nay và 6,2% năm 2016.

Thời báo Tài chính Anh ngày 22/9 nhận định, kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào chu kỳ phục hồi, nằm trong số ít nền kinh tế đang nổi duy trì đà tăng trưởng. Việt Nam cũng nằm trong số ít nước có xuất khẩu tăng 2 con số nhờ hiệu ứng tích cực từ đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) với các thị trường lớn, như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đánh giá cao kết quả ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách của Việt Nam, đặc biệt là cải cách khu vực ngân hàng; cho rằng Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh nếu có chính sách phát triển và hội nhập phù hợp.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam; xác định Việt Nam là địa bàn hấp dẫn đầu tư nhất ở Đông Nam Á; quan tâm các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ…

Về hội nhập kinh tế quốc tế, một số báo chí quốc tế đánh giá Việt Nam đang triển khai một chiến lược hội nhập kinh tế hợp lý; việc ký các FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc, kết thúc đàm phán TPP và FTA với EU đưa Việt Nam trở thành “điểm giao thoa” quan trọng của các FTA khu vực lớn.

Nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế và báo chí quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều từ TPP, nhất là thúc đẩy cải cách theo hướng thị trường, tăng xuất khẩu (dệt may, giày dép, nông sản...) và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, có ý kiến cảnh báo các ngành hàng gia công xuất khẩu với chi phí gia công thấp có thể không hưởng lợi nhiều từ giảm thuế quan của TPP; vốn nước ngoài đổ vào nhiều có thể làm tăng chi phí lao động; một số ngành chịu nhiều sức ép cạnh tranh như nông nghiệp, dịch vụ...

WB cũng lưu ý các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trước mắt và trung hạn là nợ công, cải cách ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chịu tác động của môi trường kinh tế thế giới không thuận, đặc biệt là giá dầu, giá lương thực và một số hàng nguyên liệu giảm tác động đến xuất khẩu, thu ngân sách và thu nhập của lao động trong những ngành này.

Theo Thu An

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên