MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ tích lũy trả nợ: Đang gánh nhiều món nợ của doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, nếu cứ trông chờ vào nguồn hạn hẹp Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài thì với các khoản nợ “khủng” của các DNNN sẽ gây khó khăn cho Quỹ.

Sự kiện xử lý khoản nợ thành công của Vinashin vào trung tuần tháng 10 năm ngoái của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) làm dấy lên hy vọng về một cơ chế mới nhằm san sẻ bớt gánh nặng nợ đang dồn vào Quỹ Tích lũy trả nợ của DN do Bộ Tài chính đang nắm giữ.

Tiền lệ tốt

Sau một thời gian dài kiên trì đàm phán, thuyết phục các chủ nợ nước ngoài, DATC đã thành công trong việc phát hành trái phiếu dưới dạng chứng chỉ lưu ký toàn cầu có bảo lãnh Chính phủ để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD của Vinashin. Việc tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD là hết sức khó khăn và chưa có tiền lệ tại Việt Nam, tuy nhiên có tác dụng quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC, việc phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để giúp cơ cấu lại các nghĩa vụ nợ của Vinashin là một sự kiện lớn của DATC trong năm qua - một sứ mệnh nâng tầm cho DATC. DATC trở thành người vay nợ đối với số trái phiếu đã phát hành và đổi lại DATC trở thành chủ nợ của Vinashin. Theo ông Thường, trước mắt DATC sẽ tham gia quá trình tái cơ cấu để cùng Vinashin xác định và kiểm soát dòng tiền phù hợp với tiến trình xử lý nợ.

Theo quy định, Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài được dùng để thanh toán nghĩa vụ nợ cho các khoản Chính phủ vay nước ngoài rồi về cho vay lại, đảm bảo nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN phát sinh từ các khoản bảo lãnh của Chính phủ. Nguồn thu của Quỹ bao gồm thu hồi nợ từ các khoản cho vay lại của Chính phủ, phí bảo lãnh, thu hồi các khoản tạm ứng vốn, lãi tạm ứng vốn và lãi từ các hoạt động cơ cấu lại nợ Chính phủ... Việc quản lý quỹ được thực hiện trên nguyên tắc tập trung kịp thời, đầy đủ các nguồn thu, sử dụng nguồn vốn của quỹ đúng mục đích theo quy định của pháp luật, bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhàn rỗi của quỹ. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý quỹ này.

Đã có ý kiến cho rằng, nếu tất cả các DNNN đều trông chờ vào Quỹ tích luỹ trả nợ để trả các khoản nợ “khủng” hiện nay thì sớm muộn Quỹ sẽ cạn nguồn dẫn đến NSNN sẽ phải ứng vượt giới hạn bội chi cho phép trong năm để hỗ trợ nguồn cho Quỹ. Trong khi đó, theo quy định, đối với những khoản Chính phủ bảo lãnh nếu doanh nghiệp không trả được nợ, Bộ Tài chính sẽ ứng để trả nợ thay không quá 3 kỳ. Nếu sau 3 kỳ các doanh nghiệp không trả được nợ, Bộ Tài chính sẽ thực hiện theo Luật Quản lý nợ công, tức là bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ. Khi đó, giá trị thu về của các tài sản thế chấp sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền Quỹ Tích lũy trả nợ đã ứng ra trả thay. Đó là chưa kể, thời gian thanh lý tài sản thường kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn trả NSNN theo quy định.

Lo ngại gánh nặng nợ

Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài do Bộ Tài chính nắm giữ thời gian gần đây liên tục phải ứng tiền trả thay cho các doanh nghiệp xi măng. Quỹ đã phải ứng tiền trả nợ thay cho các doanh nghiệp như: Xi măng Đồng Bành 3,49 triệu USD, Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma, Bộ Xây dựng) 4,25 triệu Euro, Tổng công ty Cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaicon) 4,25 triệu Euro, Công ty Xi măng Ninh Bình 74,55 triệu USD. Tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng tính đến cuối năm 2011 là 1,365 tỷ USD, với 16 dự án. Trong đó, có 4/16 dự án với dư nợ 228,75 triệu USD gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Dự báo trong 3-5 năm tới, hàng năm, Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài có thể phải bố trí từ 30-40 triệu USD/năm để trả nợ thay cho các dự án xi măng. Lo ngại rằng, nhiều dự án nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh rơi vào tình trạng không đủ sức trả nợ. Và đương nhiên, gánh nặng nợ lại dồn vào cứu cánh duy nhất là Quỹ tích lũy trả nợ khiến số dư của Quỹ hiện còn rất mỏng. Nếu cứ đà này, quy mô của các khoản nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cho DNNN sẽ vượt quá quy mô của Quỹ.

Trong bối cảnh đó, một hướng đi mới mở ra hy vọng từ việc xử lý thành công khoản nợ hơn 600 triệu USD của Vinashin của DATC. Dù vậy, cơ chế hiện nay còn nhiều vướng mắc khiến DATC khó tiếp cận các khoản nợ nước ngoài. Trong Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, DATC được xác định là trụ cột chính để xử lý nợ- nhiệm vụ cốt lõi để tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, trong đó chưa đề cập đến phương thức xử lý nợ của những DNNN có nợ nước ngoài. Trong khi đó, tại Điều lệ về tổ chức và hoạt động của DATC cũng chỉ quy định chung, nhiệm vụ của đơn vị này là mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp mà không có các hướng dẫn xử lý nợ của các doanh nghiệp có vay vốn nước ngoài.

Thực tế cho thấy, nếu cứ trông chờ vào nguồn hạn hẹp Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài thì với các khoản nợ “khủng” của các DNNN sẽ gây khó khăn cho Quỹ. Trong trường hợp phải ứng nguồn từ ngân sách sẽ gây áp lực nên giới hạn bội chi cho phép trong năm. Do đó, cần có cơ chế để DATC tham gia mua nợ nước ngoài, góp phần giảm áp lực, đảm bảo cho Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài luôn có nguồn chi trả và hoàn trả ngân sách đúng thời gian quy định.

Theo Minh Anh

thanhhuong

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên