MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyền được nghỉ hưu

Nên tăng tuổi nghỉ hưu hay nên giữ nguyên như hiện nay? Đó là câu hỏi làm nóng nhiều diễn đàn cũng như trên công luận.

Nhiều cuộc thăm dò dư luận trong thời gian qua đã cho kết quả rằng số người mong muốn giữ nguyên như hiện nay đang chiếm áp đảo.

Nên giữ nguyên

Kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân – Công đoàn cũng cho thấy, đa số lao động hành chính muốn nghỉ hưu như hiện tại. Đi sâu hơn, nghiên cứu cũng khẳng định, những người có học vị cao không quan tâm lắm tới tuổi nghỉ hưu vì chưa nghỉ, họ đã có nhiều nơi mời làm việc. Chỉ có lao động trực tiếp, đặc biệt là lao động ở các khu vực nặng nhọc, độc hại thì phần đông đều mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu. Rõ ràng, điều kiện làm việc, môi trường làm việc và tính chất công việc ảnh hưởng lớn đến tuổi nghỉ hưu.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên ĐĐK, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cũng cho rằng "nên giữ nguyên như hiện nay”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Giữ nguyên nhưng phải bổ sung quyền kéo dài của các cơ quan quản lý cán bộ (không quá 5 năm) với các chuyên gia (cả nam lẫn nữ) thuộc các lĩnh vực khác nhau do cần phục vụ cho công tác đào tạo, triển khai nghiên cứu khoa học - công nghệ hoặc các hoạt động văn hóa - xã hội. Việc kéo dài cần có sự đồng tình của đương sự. Nghiên cứu bổ sung chế độ về hưu sớm với những công nhân làm việc nặng nhọc hoặc trong môi trường chịu nhiều tác động độc hại”.

Nhìn nhận việc Bộ LĐTB-XH đang đề xuất hai phương án, một là đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu cả nam lẫn nữ, hai là chỉ tăng với lao động nữ, GS. Dũng cho rằng: "Tôi thấy cả hai phương ấy đều không phù hợp với thực tế. Nghỉ hưu đồng loạt không phân biệt vị trí và hiệu suất công tác của từng người lao động là không hợp lý”.

GS. Nguyễn Lân Dũng kể câu chuyện từ thực tế vừa chứng kiến: "Tôi mới ở Lạng Sơn về và chứng kiến một chuyện rất cụ thể. Kỹ sư Hoàng Lê Minh, Giám đốc Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc. Đây là một công ty thuộc Bộ NN&PTNT hoạt động rất có hiệu quả. Ông giúp nông dân khắp mọi miền đất nước có được những giống cây ăn quả, cây hoa, cây rau, cây thức ăn nuôi trâu bò, cây dược liệu và các giống vật nuôi đặc sản có hiệu quả kinh tế rất cao. Với năng lực chuyên môn cao, với tinh thần làm việc tận tâm và có mối quan hệ rộng rãi, Công ty này có uy tín lớn, nuôi được số đông các cán bộ ngoài biên chế và là một trong những địa chỉ tin cậy của nông dân khắp nơi. Đúng 60 tuổi anh nhận được quyết định nghỉ hưu trong khi chưa có ai đủ tâm và đủ tầm thay anh lãnh đạo Công ty này. Đối với anh thì chả có vấn đề gì, anh lập một Công ty riêng với trang trại riêng và tiếp tục phát huy năng lực của mình phục vụ cho bà con nông dân cả nước. Còn cái Công ty cũ của anh thì sao, tôi dám chắc chỉ sau một thời gian ngắn sẽ không tự hạch toán nổi vì không còn đủ sức hấp dẫn với những nông dân có yêu cầu hỗ trợ”.

Đi sâu hơn, GS. Nguyễn Lân Dũng phân tích: "Hiện chúng ta có khoảng 6,5-7,5 triệu người đang hưởng lương (số liệu không thống nhất khi tra cứu trên mạng). Rất nhiều người trong số đó làm việc thiếu hiệu quả, có khi không có họ đơn vị còn thuận lợi hơn (!).

Họ cần được nghỉ hưu đúng thời hạn (trong khi chưa có những biện pháp buộc họ chuyển công tác hay nghỉ hưu trước thời hạn). Với số lương cần trả cho người hưu trí ngày càng tăng thì sẽ đến lúc quỹ phúc lợi xã hội sẽ bị vỡ và khi đó số phận hàng chục triệu người đã về hưu sẽ ra sao? Cần kéo dài hơn tuổi công tác cả nam lẫn nữ nhưng không thể không phân biệt nam hay nữ và không phân biệt hiệu quả cống hiến, năng lực công tác, điều kiện sức khỏe của từng người một. Chúng ta đào tạo rất nhiều năm mới có được một giáo sư giỏi, vậy mà hiện nay số giáo sư về hưu hàng năm vượt quá xa số giáo sư được phong hàm. Họ không ảnh hưởng gì đến mức sống nếu họ thực sự giỏi giang (thu nhập có thể cao hơn khi đang công tác) nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo và nghiên cứu ở những nơi họ từng công tác lâu năm (nếu chưa kịp bồi dưỡng đủ lực lượng thay thế).

Với các nghệ sĩ tài giỏi, các nhà khoa học có năng lực thực sự (dù chỉ là kỹ sư lành nghề), các bác sĩ có bàn tay vàng, các công nhân có kinh nghiệm lâu năm... cũng cần giữ lại công tác nếu thấy cần thiết cho từng lĩnh vực nhất định. Tại Phú Thọ tôi đã gặp bác Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Công ty xây dựng cầu, ông chỉ có văn bằng lớp 7 nhưng các đồng chí lãnh đạo Sở Giao thông vận tải nhiều khóa của tỉnh này cho tôi biết ông là một Giám đốc thực sự có tài vì có quá nhiều kinh nghiệm xây cầu.

Ông đã từng thay đổi một cách xác đáng và được chấp nhận về nhiều thiết kế thiếu thực tế. Những người như vậy mà về hưu ở tuổi 60 thì quá lãng phí. Trong khi với công nhân lao động nặng nhọc hay làm việc trong các môi trường khó bảo hộ lao động (như cầu đường, hầm mỏ...) thì số đông thường mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi 60. Với nữ giới thì cũng tương tự như vậy. Chúng ta cần giữ lại các bà, các chị đang cần phát huy năng lực vốn có để phục vụ cho các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, công nghệ... Tuy nhiên với thiên chức riêng, ngoài công tác ra phụ nữ còn phải sinh con, nuôi con...”

Từ thực tế đó, GS. Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: "Tại nước nào cũng vậy phụ nữ có tuổi về hưu sớm hơn nam giới thường là 5 năm. Nếu kéo dài thời hạn về hưu với tất cả phụ nữ, kể cả những người có hiệu suất làm việc kém hoặc các nữ công nhân đang lao động sản xuất trực tiếp thì rất vô lý. Phần lớn nữ công nhân chỉ mong muốn được nhận sổ hưu ở tuổi 50, thậm chí sớm hơn nữa đối với các ngành nghề quá nặng nhọc, hoặc nguy hiểm (vệ sinh môi trường, tiếp xúc hóa chất...)”.

Quyền được nghỉ hưu

Trong khi dư luận đang sôi nổi bàn luận là "tăng” hay "giữ nguyên”, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn – TS. Đặng Quang Điều đề xuất, nên sử dụng thuật ngữ "quyền nghỉ hưu” khi thực hiện chính sách mới về tuổi nghỉ hưu của người lao động. TS. Điều nói: "Chúng ta nên sử dụng thuật ngữ "quyền nghỉ hưu” theo nghĩa quy định kéo dài thời gian nghỉ hưu phải phụ thuộc nhu cầu và năng lực từng người chứ không nên căn cứ vào chức vụ. Đồng thời, việc tăng tuổi hưu cũng nên triển khai theo lộ trình, thời gian trước mắt chỉ nên tăng thêm khoảng 2 năm (đối với nam) và 3 năm (đối với nữ) so với phương án tăng một lần lên 5 năm như chủ trương của Bộ LĐTB-XH. Sau đó, tùy vào tình hình sẽ nâng dần lên 5 năm”.

Điều đó đồng nghĩa với việc, tuổi nghỉ hưu nên được quy định cụ thể cho từng nhóm lao động với những đặc điểm về trình độ, năng lực, điều kiện, môi trường làm việc… khác nhau. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng nên chia ra các giai đoạn và mức độ khác nhau, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhiều yếu tố khác. Tuổi nghỉ hưu tăng cần được điều chỉnh dần dần từ 2 đến 3 tuổi, cho mỗi giai đoạn 10 đến 20 năm, không nên điều chỉnh tăng một lần lên 5 tuổi. Đồng tình với quan điểm này, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng: xu hướng lao động trí óc ngày càng chiếm tỷ lệ cao, mà lao động trí óc thì phụ nữ không hề thua kém nam giới, nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho đối tượng lao động nữ này là hoàn toàn thỏa đáng. Quyền được nghỉ hưu của lao động nữ nên là 55 tuổi, còn tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể kéo dài thêm hoặc cho nghỉ hưu sớm. Những người lao động chân tay thì cần được nghỉ hưu sớm hơn.


Nhìn nhận việc Bộ LĐTB-XH đang đề xuất hai phương án, một là đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu cả nam lẫn nữ, hai là chỉ tăng với lao động nữ, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng: "Tôi thấy cả hai phương ấy đều không phù hợp với thực tế. Nghỉ hưu đồng loạt không phân biệt vị trí và hiệu suất công tác của từng người lao động là không hợp lý”.
Theo Hoàng Thu Phố
Đại đoàn kết

thanhhuong

Từ Khóa:
Trở lên trên