MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết đoán với đầu tư công

Chính phủ vừa phát đi tín hiệu về việc tăng bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3% để tăng trưởng GDP đạt 5,5%.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Nhu cầu đầu tư là rất lớn. Để kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,5%, nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu lên đến 255.000 tỷ đồng. Vì vậy, buộc phải đề nghị tăng bội chi. Mức nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP (tăng 0,5 điểm phần trăm) khoảng 20.000 tỷ đồng và sẽ được dành toàn bộ cho đầu tư phát triển, tức các dự án đầu tư hạ tầng KT - XH...

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa bao giờ khó khăn như năm nay, quyết định về mức bội chi phải dựa trên nguyên tắc chi tiêu ngân sách cân bằng, bởi chỉ có như vậy, kinh tế mới phát triển trong ổn định.

Theo TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, việc thực hiện tái cấu trúc đầu tư công cần phải có các nhân tố quyết đoán. Nếu thắt chặt đến mức tất cả đều không dám làm thì sẽ không có hiệu quả, tìm được người quyết đoán, dám làm dám chịu là rất khó.

Quản theo hướng nào ?

TS Võ Trí Thành nhận xét, tái cấu trúc đầu tư công là quá trình dài hơi, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, song lại đặt trong bối cảnh hiện tại vừa phải tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, vừa cần hỗ trợ DN, xử lý nợ xấu, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản… chắc chắn sẽ gây ra nhiều “giằng co” trong quá trình thực hiện.

Đặt mục tiêu và tiêu chí cho đầu tư công trong bối cảnh trung hạn và dài hạn vẫn còn nhiều vấn đề mâu thuẫn.

Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gồm 3 trọng tâm là hệ thống tài chính, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công. Đến nay đã có văn bản tổng thể về tái cơ cấu lĩnh vực tài chính và DNNN. Riêng đầu tư công vẫn chưa có đề án vì đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực như môi trường, nợ công, ngân sách nhà nước.

Về nguồn vốn đầu tư công cũng rất phức tạp vì được bố trí từ ngân sách, trái phiếu, tín dụng, vốn ODA cho vay lại và cả vay tín dụng của DNNN.

Đã nói đến DNNN hay đầu tư công bao giờ cũng có 2 vấn đề không bao giờ giải quyết được triệt để. Đó là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Lý do rất đơn giản, tiền là tiền của chung nhưng lợi ích lại là của tôi. Nói nôm na là tôi làm nhưng rủi ro người khác chịu, tôi cứ cho vay nhưng không phải chịu trách nhiệm mà việc đi tìm thủ phạm rất khó.

Chính vì vậy người ta cần thị trường, cần giảm khu vực DNNN và tăng cường giám sát, giải trình, minh bạch để hạn chế những xung đột nói trên. Nhưng ngay cả có làm thế thì cũng không giải quyết triệt để được vì nó là bản chất.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh chia sẻ, nguồn vốn đầu tư công ở Việt Nam còn bao gồm các dự án cho mục đích kinh doanh thuần túy của DNNN. Sự kém hiệu quả của khu vực này là một trong những nguyên nhân kéo hiệu quả đầu tư toàn xã hội xuống thấp.

Đồng quan điểm này, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, đầu tư công vào khu vực DNNN đang kém hiệu quả. Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực đang cần nguồn lực đầu tư như giáo dục, y tế, nông nghiệp… Nhà nước cần rút bớt vốn của khu vực DNNN để đầu tư vào các khu vực khác có hiệu quả dài hơi hơn.

Hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị nới bội chi ngân sách. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn Việt Nam quay trở lại tình cảnh lạm phát cao như năm 2008 cũng một phần do nhiều năm liền bội chi ngân sách luôn vượt mức 5%.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu để cân đối vốn đầu tư phát triển phù hợp với mục tiêu tổng quát nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ. Nới bội chi, phát hành trái phiếu lúc này là để cân đối vốn cho đầu tư phát triển, góp phần tăng tổng cầu, từ đó giúp DN vượt được dốc.

Trong điều kiện khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế còn thấp, DN vẫn đang rất khó khăn mà không dùng vốn Nhà nước để kích tổng cầu thì nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp, vòng xoáy khó khăn sẽ lặp lại với mức độ khó khăn hơn.


Trong điều kiện khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế còn thấp,
DN vẫn đang rất khó khăn mà không dùng vốn Nhà nước để kích tổng cầu thì
nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp, vòng xoáy khó khăn sẽ lặp lại

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng kỳ vọng, Luật Đầu tư công khi được ban hành, về cơ bản, sẽ chấn chỉnh được những hạn chế, yếu kém trong đầu tư công hiện nay. Tuy nhiên, theo ông, muốn triệt để tránh lãng phí, cần phải quy định cụ thể cả nội dung đấu thầu dự án, công trình đầu tư công vào Luật Đầu tư công trên tinh thần “trúng thầu giá nào, phải làm theo giá đó”. Chỉ dự án, công trình nào “bị giời đánh” như gặp thiên tai, lũ lụt, bão tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thành, thì mới điều chỉnh tổng mức đầu tư, còn lại chỉ thanh toán theo giá trúng thầu.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách Nguyễn Văn Giàu, dự án luật cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, vốn tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tổng thu ngân sách giảm từ 30% GDP giữa những năm 2000 xuống mức thấp nhất lịch sử 22,8% GDP năm 2012.

Nhiều chuyên gia nhận xét, về tổng thể, cần giảm quy mô đầu tư và đầu tư công cho phù hợp với khả năng của nền kinh tế, từ bỏ mô hình tăng trưởng “nóng”, dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư và gia công sản xuất, chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu. Tái cơ cấu thu, chi ngân sách, thay đổi cơ cấu chi tiêu ngân sách theo hướng giảm bớt chức năng “nhà nước kinh doanh” và đồng thời tăng cường chức năng “nhà nước phúc lợi”. Đổi mới phân bổ đầu tư công, gắn với tài chính công, và tái cấu trúc nền kinh tế bắt đầu từ chính sách tài khóa. Điều quan trọng nhất là kỷ luật tài khóa và việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trên cơ sở tôn trọng tính tự phát triển của địa phương, nhưng cũng cần hướng về sự phát triển tổng thể nền kinh tế, tăng cường hơn vai trò tổng cân đối chung của Chính phủ.

Thực tế cho thấy rất cần sớm có Luật Đầu tư công làm căn cứ pháp lý và cơ sở chung thực hiện phối hợp chính sách trong quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Mổ xẻ đầu tư công

Trong thời gian qua, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước, đầu tư công của Việt Nam nhìn chung có hiệu quả rất thấp... Ví dụ, việc Tập đoàn Vinashin bỏ 1.000 tỉ đồng để mua tàu vận tải biển tuyến Bắc - Nam, nhưng chỉ chạy mấy chuyến rồi dừng, hay đầu tư cảng biển dọc 600km ở bờ biển miền Trung quá dày đặc (cứ khoảng 30 - 40 km lại có 1 cảng), song, các cảng biển này lại không hoạt động hết công suất…

Đầu tư công và quản lý đầu tư công kém hiệu quả không chỉ khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, mà còn làm gia tăng nhiều hệ quả tiêu cực và kéo dài khác, như: tăng sức ép lạm phát trong nước; mất cân đối vĩ mô trong đó có cân đối ngành, sản phẩm, cán cân xuất - nhập khẩu, cán cân thanh tốn, dự trữ ngoại hối và tích lũy - tiêu dùng, cũng như làm hạn chế sức cạnh tranh và chất lượng phát triển của nền kinh tế trong hội nhập.

Đặc biệt, đầu tư công kém hiệu quả làm tăng gánh nặng và tác động tiêu cực của chiếc bẫy nợ nần lên đất nước, do làm tăng nợ chính phủ, nhất là nợ nước ngoài. Về tổng thể, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng của Việt Nam nhờ gia tăng đầu tư công đã lên tới đỉnh. Nếu không điều chỉnh mà càng thúc đẩy tăng trưởng dựa vào động lực mở rộng quy mô vốn, giá trị gia tăng thấp và sự khai thác thái quá tài nguyên, lao động rẻ... thì nền kinh tế càng mất khả năng cạnh tranh, thậm chí, càng tăng trưởng, đất nước và người dân càng bị nghèo đi và thiếu bền vững.

Thực tế, hệ số ICOR (hệ số hiệu quả đầu tư theo hiệu suất vốn – sản lượng) vẫn rất cao so với khu vực. Trong khi với các nước trong khu vực, chỉ số này dao động trong khoảng từ 2 - 4, tức chỉ cần 2 đến 4 đồng vốn đã tạo ra một đồng tăng trưởng thì ở Việt Nam chỉ số này vẫn ở mức sấp xỉ 6%. Điều này cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn của nước ta chưa cao, còn thất thoát, lãng phí. Mặc dù, việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đã loại bỏ được nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Nhưng hệ số ICOR trong giai đoạn 2011-2013 vẫn ở mức 5,53 so với giai đoạn 2008-2010 là 6,7.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong giai đoạn 10 năm từ 2001-2010, tổng đầu tư toàn xã hội của Việt Nam trung bình đạt 40% GDP, thuộc vào diện cao nhất thế giới và có tốc độ tăng trên 18%/năm. Tình trạng các dự án đầu tư chậm tiến độ vẫn còn phổ biến. Còn không ít dự án đầu tư có hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, cá biệt có những dự án, nội dung đầu tư trùng lắp, chồng chéo, gây cản trở hoặc làm mất hiệu quả của các dự án đã được đầu tư trước đó.

Mặc dù, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng toàn xã hội của Việt Nam trong những năm qua chiếm tỷ trọng rất lớn, từ 32 – 42 GDP. Trong đó, vốn nhà nước đầu tư chiếm 40 – 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc thất thoát, lãng phí trong các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước đang rất lớn. Nững dự án xây dựng càng nhỏ, thất thoát càng lớn. Những dự án xây dựng càng ở vùng sâu, vùng xa, thất thoát càng nhiều.

Việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam, đặc biệt là đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, cả 3 giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và đưa vào khai thác vận hành sử dụng đều thất thoát, lãng phí lớn, chất lượng kém, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đây là nhận định của ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam. Nhìn chung, dự án xây dựng công nước ta phổ biến là chậm tiến độ, vượt tổng mức đầu tư khá lớn, lãng phí (quy mô quá mức cần thiết, xây rồi không dùng hoặc dùng không hết), có nhiều biểu hiện tham nhũng, đút lót. Kết quả là chi phí phát triển quốc gia đắt đỏ, chỉ số ICOR cao.

Theo Bá Tú

cucpth

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên